Khi gặp các tranh chấp thương mại quốc tế, các vướng mắc pháp lý có yếu tố nước ngoài họ sẽ lựa chọn phương thức giải quyết như thế nào? Sẽ lựa chọn dịch vụ pháp lý của tổ chức luật sư nước ngoài hay luật sư trong nước? Các luật sư Việt Nam cần phải làm gì để nâng cao chất lượng và kỹ năng trong giải quyết tranh chấp có yếu tố nước ngoài?
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, cùng với việc nhiều doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư tại Việt Nam thì cũng có những “làn sóng” doanh nghiệp Việt vươn ra biển lớn. Khi gặp các tranh chấp thương mại quốc tế, các vướng mắc pháp lý họ sẽ lựa chọn phương thức giải quyết như thế nào? Sẽ lựa chọn dịch vụ pháp lý của tổ chức luật sư nước ngoài hay luật sư trong nước? Các luật sư Việt Nam cần phải làm gì để nâng cao chất lượng và kỹ năng trong giải quyết tranh chấp có yếu tố nước ngoài?
Báo PLVN có cuộc trao đổi với Luật sư Trần Sơn- Trưởng VPLS Trần Sơn và Cộng sự - Đoàn Luật sư TP Hà Nội xung quanh vấn đề này. Với trên 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn đầu tư và giải quyết tranh chấp có yếu tố nước ngoài, LS Trần Sơn đã được Tạp chí Asialaw (trụ sở tại Hong Kong Trung Quốc) năm 2010 và Tạp chí Chamber & Partners (Vương quốc Anh) năm 2011 bình chọn xếp hạng là một trong những luật sư rất có uy tín của Việt Nam về lĩnh vực tư vấn giải quyết tranh chấp.
|
Luật sư Trần Văn Sơn. |
* Thưa Luật sư Trần Sơn, là Luật sư có trên 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn, giải quyết tranh chấp có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam, ông có thể chia sẻ một số kinh nghiệm cũng như trải nghiệm về công việc?
- Qua thực tế hành nghề luật sư từ gần 30 năm nay, chúng tôi đã đảm nhận việc tư vấn và giải quyết hàng chục vụ việc tranh chấp cho nhiều đối tượng là khách hàng nước ngoài, bao gồm các tổ chức nước ngoài hoạt động tại Việt Nam như các Văn phòng đại diện, Đại sứ quán, các tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các tổ chức, doanh nghiệp ở nước ngoài, các cá nhân người nước ngoài, Việt kiều tại Việt Nam hay ở nước ngoài.
Các vấn đề tranh chấp nảy sinh hết sức đa dạng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như các tranh chấp kinh doanh - thương mai, đầu tư, sở hữu trí tuệ, dân sự, hành chính, lao động và hôn nhân gia đình. Cho nên nếu nói về kinh nghiệm giải quyết tranh chấp thì rất khó nói, vì đặc thù giải quyết mỗi vụ việc tranh chấp đều rất khác nhau, phải vận dụng các kỹ năng và phương pháp khác nhau.
Một trong những điều kiện quan trọng để Luật sư có thể đảm nhận được các vụ việc giải quyết tranh chấp có yếu tố nước ngoài là luật sư cần phải có khả năng giao dịch tốt bằng ngoại ngữ, đặc biệt kiến thức ngoại ngữ chuyên sâu về pháp lý. Thông thường, trước khi chọn luật sư trong việc xử lý giải quyết tranh chấp thì khách hàng nước ngoài họ thường gửi email trao đổi trước và phỏng vấn trực tiếp qua điện thoại, và chỉ khi luật sư có đủ kiến thức và khả năng ngoại ngữ để trao đổi về vụ việc thì họ mới chấp nhận sau khi đã xem xét các điều kiện khác.
Sau khi nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ việc, luật sư đưa ra ý kiến pháp lý độc lập về bản chất vụ việc, đánh giá các điểm mạnh, điểm yếu của khách hàng và đối phương, các thủ tục tố tụng liên quan để khách hàng nắm rõ. Trên cơ sở đó, luật sư có thể cung cấp các ý kiến tư vấn, tham gia cùng khách hàng hoặc thay mặt khách hàng để đàm phán, hòa giải vụ việc trước khi bắt buộc phải đưa vụ việc ra tòa án hay tổ chức trọng tài để giải quyết nếu hòa giải, thương lượng không thành. Nếu không thể hòa giải, luật sư sẽ tư vấn kỹ cho khách hàng về các bước tố tụng liên quan, bao gồm cả việc đặt ra các tình huống cần giải quyết tại phiên tòa/phiên xử trọng tài, luật sư cần đưa ra một danh mục tất cả các câu hỏi tình huống mà Hội đồng xét xử/Hội đồng trọng tài hay các câu hỏi mà LS của đối phương có thể nêu ra tại phiên tòa để khách hàng lường trước.
Ghi nhận quốc tế về VPLS Trần Sơn và Cộng sự Năm 2010: Tran Son & Associates được tạp chí Luật châu Á (Asialaw) xếp hạng là một trong các hãng luật có uy tín về giải quyết tranh chấp của Việt Nam; Năm 2011: Luật sư Trần Văn Sơn – Trưởng VPLS Tran Son & Associates được Chambers & Partners (có trụ sở chính tại Anh quốc) là tổ chức quốc tế toàn cầu nổi tiếng trong việc lựa chọn, xếp hạng các hãng luật/luật sư nổi tiếng thế giới bình chọn là một trong những cá nhân luật sư dẫn đầu của Việt Nam trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp. |
* Vấn đề giải quyết tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài bằng con đường hòa giải hiện đang được các doanh nghiệp “ưa chuộng”. Ông có thể phân tích những ưu thế, lợi thế của phương thức giải quyết tranh chấp này khiến khách hàng ưu tiên lựa chọn; và ở chiều ngược lại, đâu là những hạn chế của nó?
- Theo pháp luật Việt Nam, hòa giải thương mại và trọng tài thương mại là hai trong các phương thức giải quyết tranh chấp lựa chọn (ngoài tòa án). Theo đó, các phương thức này được hình thành dựa trên sự thỏa thuận, tự nguyện và có thủ tục giải quyết tuân thủ quy định pháp luật theo Luật Trọng tài thương mại và Nghị định về hòa giải thương mại.
Phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án trên được các bên tranh chấp lựa chọn bới các ưu điểm nổi bật của nó là đảm bảo được tính bảo mật, uy tín cho nhau, không phải đưa ra giải quyết công khai tại tòa án hay tổ chức trọng tài. Ngoài ra, nếu hòa giải thành công thì các bên tránh được các khoản chi phí như án phí, lệ phí trọng tài, chi phí thi hành án và chi phí luật sư trong các giai đoạn tố tụng.
Hạn chế của các phương thức này là hiện việc các bên tranh chấp kinh doanh - thương mại nhờ các Hòa giải viên thương mại vụ việc giải quyết vụ việc là chưa nhiều, nguyên nhân có thể do việc tuyên truyền chưa thấu đáo; hơn nữa trong thực tế cũng chưa xuất hiện nhiều các Trung tâm hòa giải thương mại để đảm nhận vai trò này, vì các doanh nghiệp có thể họ chỉ muốn giải quyết hòa giải thông qua Trung tâm hòa giải thương mại hơn là nhờ các cá nhân Hòa giải viên thương mại vụ việc.
Tuy nhiên, nếu hòa giải thành thì các văn bản liên quan của Hòa giải viên thương mại vụ việc hay của Trung tâm Hòa giải thương mại đưa ra chỉ là Văn bản công nhận hòa giải thành và việc thi hành văn bản hòa giải thành thì không mang tính cưỡng chế thi hành như bản án hay phán quyết của tổ chức trọng tài cho nên nếu các bên không chấp hành thì họ lại phải tiếp tục tìm hướng giải quyết khác.
|
Luật sư Trần Văn Sơn là thành viên Hội đồng Kỷ luật Đoàn Luật sư Hà Nội tham gia một phiên họp của Hội đồng năm 2024. |
* Sau hơn 30 năm hội nhập và mở cửa, nhiều doanh nghiệp Việt đã vươn ra thị trường nước ngoài và khi có tranh chấp hoặc vướng mắc pháp lý họ thường lựa chọn các dịch vụ từ các luật sư nước ngoài. Thực tế này có phải do tâm lý “chuộng ngoại”, thưa ông?
- Tôi cho rằng việc doanh nghiệp gặp tranh chấp ở nước ngoài lựa chọn các luật sư nước ngoài tư vấn cũng là điều dễ hiểu vì doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, kinh doanh ở nước nào thì đều phải tuân thủ pháp luật của nước sở tại, cho nên các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ở nước ngoài khi giải quyết tranh chấp thì họ cần sự tư vấn của các luật sư, Văn phòng luật sư ở nước đó, vì thông thường các giao dịch thực hiện ở nước ngoài có tranh chấp nảy sinh thì hầu hết đều chịu sự điều chỉnh của luật nước ngoài, cho nên các luật sư, Văn phòng Luật sư nước sở tại họ có lợi thế vè ngôn ngữ, họ hiểu biết cặn kẽ về luật pháp của nước đó, về tập quán kinh doanh, họ có truyền thống lâu đời với bề dày kinh nghiệm và đạo đức hành nghề luật sư. Ngoài những yếu tố trên thì các luật sư Việt nam cũng không được chấp nhận tham gia tố tụng để bảo vệ quyền lợi cho khách hàng là các doanh nghiệp Việt nam.
Hoặc ngay như trường hợp tại Việt Nam thì nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư kinh doanh tại Việt nam khi có tranh chấp tại Việt Nam thì trước hết họ cũng muốn tìm đến các Văn phòng luật sư nước ngoài đặt trụ sở tại Việt Nam, vì rất nhiều các luật sư nước ngoài họ rất am hiểu về luật pháp Việt Nam, họ được thuê luật sư Việt Nam để cung cấp các dịch vụ tư vấn liên quan. Như vậy, rõ ràng lựa chọn Văn phòng luật sư nước ngoài thường được các khách hàng nước ngoài lựa chọn, đặc biệt là khi giải quyết tranh chấp mà các bên đã thỏa thuận là xét xử bằng tiếng Anh hay ngoại ngữ khác hay địa điểm xét xử Trọng tài, Tòa án ở nước ngoài thì đương nhiên đấy là các lợi thế của các Văn phòng luật sư nước ngoài.
Ở chiều hướng ngược lại, vẫn có doanh nghiệp nước ngoài sử dụng các Văn phòng luật sư của Việt Nam để giải quyết tranh chấp tại Việt Nam vì các luật sư Việt Nam am hiêu pháp luật của Việt Nam hơn, và hơn nữa vì luật sư nước ngoài không được tham gia tranh tụng trong quá trình tố tụng giải quyết tranh chấp tại Việt Nam.
* Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư làm ăn tại Việt Nam gặp vướng mắc pháp lý họ cũng ít khi lựa chọn dịch vụ pháp lý của các tổ chức hành nghề luật sư trong nước. Phải chăng dịch vụ của các tổ chức hành nghề luật sư trong nước chưa ngang tầm? Theo ông, các tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam và đội ngũ luật sư Việt Nam phải làm sao để dịch vụ của mình ăn khách và “có giá”?
- Từ trải nghiệm gần 30 năm công tác trong lĩnh vực này, khách quan tôi nhận thấy dịch vụ pháp lý của nhiều tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài chất lượng tốt, hiệu quả cao và kỹ năng của họ rất chuyên nghiệp, nhất là trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế - nên họ được khách hàng lựa chọn là xứng đáng. Mặc dù nhiều tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam hiện nay chất lượng cũng ngang tầm với luật sư nước ngoài, tuy nhiên chúng ta hội nhập chưa lâu nên vẫn cần học hỏi kinh nghiệm từ họ rất nhiều.
Tôi nghĩ rằng bên cạnh việc các luật sư Việt Nam phải trau dồi chuyên sâu về ngoại ngữ pháp lý, tự học hỏi làm giàu kiến thức và kỹ năng cho mình thì trong bối cảnh hội nhập quốc tế, chúng ta cũng nên tạo điều kiện để các luật sư nước ngoài được tham gia tranh tụng trong một số lĩnh vực nhất định (như giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại, sở hữu trí tuệ...) qua đó với sự tham gia của luật sư nước ngoài trong quá trình tranh tụng thì các luật sư Việt Nam sẽ có cơ hội học hỏi kinh nghiệm tranh tụng của luật sư nước ngoài, hơn nữa với sự tham gia tranh tụng của luật sư nước ngoài khi giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại thì các luật sư nước ngoài có thể góp phần tạo ra những tiếng nói, cải cách nhất định trong quá trình tố tụng của tòa án và trọng tài, góp phần đẩy mạnh công cuộc cải cách tư pháp.
* Xin trân trọng cảm ơn ông!
Lưu Quỳnh (Thực hiện)