Đó là cảnh báo của ông Nguyễn Huy Dũng – Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) trước thực trạng giả mạo trang thông tin của những người nổi tiếng hoặc lập những trang ăn theo các sự kiện đang được dư luận quan tâm trên mạng xã hội diễn ra thời gian gần đây.
Giả mạo người nổi tiếng – liệu chỉ để đùa chơi?
Việc giả mạo trang thông tin của những người nổi tiếng hoặc lập những trang ăn theo các sự kiện đang được dư luận trong và ngoài nước quan tâm trên mạng xã hội để thu hút sự chú ý thực ra đã phổ biến khoảng hơn 1 năm trở lại đây.
Thậm chí mới đây, một người dùng facebook trong nước đã lập nick Timur Zhunusov giả mạo là thành viên tổ chức khủng bố IS để đăng những lời lẽ khiêu khích, thông tin kích động bạo lực. Hiện cơ quan công an đang xác minh, làm rõ, xử lý nghiêm “thủ phạm”.
|
Ảnh minh họa |
“Rất nhiều người tưởng rằng những gì mình làm trên mạng không liên quan đến đời thực, không ai biết và không ảnh hưởng gì. Họ không hình dung ra được hậu quả của việc mình làm chứ nếu biết về hậu quả thì sẽ không làm, không bột phát. Có rất nhiều hành vi xảy ra trên thế giới ảo nhưng lại mang đến mất mát to lớn về tài sản, sức khỏe, tính mạng cho người thực, thậm chí là bị trả thù ngoài đời thực...” – ông Nguyễn Huy Dũng nói.
Theo ông Dũng, người thực hiện hành vi giả mạo trên facebook có thể phân biệt theo nhiều nhóm. Nhóm thứ nhất là những người hành động bột phát, đơn thuần chỉ để thu hút sự chú ý, quan tâm của mọi người trên môi trường mạng. Đây là động cơ gây ra hậu quả nhẹ nhất, khi bị phê phán, cộng đồng phản ứng, không đón nhận chuyện đó thì họ sẽ dừng lại.
Nhóm thứ hai là những người tạo ra các trang giả mạo với ý đồ làm xấu hình ảnh của cộng đồng người sử dụng mạng của Việt Nam, làm xấu hình ảnh đất nước Việt Nam nói chung. Khi thế giới nhìn vào sẽ thấy hình ảnh của cộng đồng mạng Việt Nam không tích cực và từ đó có thể thu hút sự chú ý của hacker, khiến họ phát động các cuộc tấn công, các chiến dịch tẩy chay nhằm vào Việt Nam, gây hậu quả tiêu cực cho mức độ thân thiện của xã hội thông tin mà Việt Nam đang cố gắng xây dựng.
Nhóm thứ ba, cũng không thể loại trừ khả năng một số đối tượng có ý đồ gây rối về mặt an ninh trật tự, lợi dụng những hiện tượng đang được xã hội quan tâm để làm xấu hình ảnh đất nước và thông qua đó gây bất ổn về mặt kinh tế, xã hội, an ninh.
Có thể xử lý hình sự
Để ngăn chặn tình trạng trên tái diễn, ông Dũng cho biết, đối với những người chỉ đơn thuần là muốn câu view, thu hút sự chú ý của người khác, không có động cơ nào khác sâu xa bên trong và không ý thức được hậu quả sẽ xảy ra thì trước hết cần có những biện pháp tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức để họ thấy được vấn đề, từ đó chấm dứt những hành động như vậy. Tuy nhiên, sau khi đã tuyên truyền, đã biết về hậu quả mà vẫn cố tình làm thì tức là có mục đích khác.
“Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP đã quy định những hành vi bị nghiêm cấm lợi dụng việc sử dụng internet để đưa tin xuyên tạc, vu khống, xâm phạm uy tín của tổ chức và danh dự của cá nhân; nghiêm cấm việc lợi dụng internet và thông tin trên mạng để chống lại Nhà nước, gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, tuyên truyền chiến tranh, khủng bố, gây hận thù, mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo... – ông Dũng nói – Mới đây nhất, ngày 19/11 vừa qua, Quốc hội cũng đã thông qua Luật An toàn thông tin mạng, trong đó cũng nghiêm cấm những hành vi như thiết lập hệ thống thông tin giả mạo, lừa đảo trên internet”.
Theo đó, tùy thuộc hậu quả của hành vi, người vi phạm có thể bị xử phạt ở mức hành chính (5-10-20 triệu đồng), hoặc nếu nghiêm trọng hơn, phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, tính mạng và tài sản của công dân thì thậm chí có thể xem xét xử lý ở mức hình sự.