Với mức giá dao động 110.000-130.000 đồng/kg, nghề săn chuột đồng không những giúp người dân có thêm thu nhập mà còn tiêu diệt được kẻ thù phá hoại mùa màng của nông dân.
Từ bao đời nay, chuột luôn là kẻ thù số 1 của những người nông dân quê lúa. Với nguồn thức ăn chính là lúa, gạo, hoa màu…“họ nhà tí” gây ảnh hưởng nặng nề tới năng xuất lúa của người dân nơi đây.
Vài năm qua, khi thịt chuột trở thành đặc sản đồng quê thì nghề “săn cu tí" đang trở thành chiếc cần câu cơm của nhiều nông dân.
|
Mỗi đoàn từ 4-7 người cùng nhau đi săn chuột đồng. |
Cuối Thu - đầu Đông, khi những cánh đồng lúa vừa gặt xong cũng là thời điểm nghề săn chuột đồng tại Thái Bình bắt đầu nở rộ. Trên cánh đồng thôn Tràng, xã An Tràng (Quỳnh Phụ -Thái Bình) lúc này, không khó để bắt gặp hàng chục tốp săn bắt.
Theo chân một đoàn đi bắt chuột, tôi mới rõ: Chuột đồng có quanh năm nhưng chỉ bắt vào vụ mùa hè-thu vì vụ này cánh đồng khô ráo, chuột thường rủ nhau vào ruộng chén thóc nên rất béo.
Mỗi tốp “thợ săn” thường từ 4-7 người, có những nhóm đông lên tới hàng chục người, trong đó mỗi thành viên được phân công một công việc riêng. Là một tay săn chuột có tiếng trong vùng, anh Nguyễn Quang Hướng chia sẻ: “Chuột năm nay ít và khó bắt hơn so với năm trước. Anh em chúng tôi tranh thủ lúc nông nhàn nên đi bắt về làm món ăn, ở quê lúa, cái món này là đặc sản đấy ”.
|
Một chú chuột đồng vừa bị túm sống. |
Dụng cụ bắt chuột chủ yếu là các nông cụ thô sơ như cuốc, thuổng, xô, bao bì …một số đoàn còn dẫn theo cả chó đi theo để đánh hơi. Có nhiều cách bắt chuột nhưng phổ biến nhất vẫn là đào hang. Khi thấy dấu vết của “họ nhà tý” các thợ săn bắt đầu dùng cuốc, thuổng để đào tung hang ổ nơi chuột ẩn nấp, nếu hang ăn quá sâu, phải dùng biện pháp khác là lấy xô đổ nước vào để chuột sặc nước chui lên.
“Săn chuột đồng cũng phải có bí quyết, nếu không có săn cả ngày cũng chả được con nào. Khi phát hiện thấy hang chuột cần phân công người tìm ngách phụ của hang vì khi đào, chuột thấy động sẽ chạy thoát thân ngay” -với kinh nghiệm bắt chuột lâu năm, anh Hướng tiết lộ.
|
Đổ nước vào hang chuột là một phương pháp bắt đơn giản lại đỡ mất sức. |
Chuột sau khi bắt về được nhúng nước sôi vặt lông sạch sẽ, đem thui vàng bằng những sợi rơm mới ngày mùa rồi chặt bỏ phần đầu và nội tạng bên trong. Thịt chuột có thể chế biến thành nhiều món như: luộc, hấp sả, rán... nhưng ngon nhất phải kể đến “chuột om rượu mận”. Đây là món ăn khoái khẩu của các dân nhậu trong những ngày cuối thu mát mẻ.
Anh Toàn, người nhiều năm hành nghề bắt và bán thịt chuột tâm sự: “Chuột đồng sau khi được làm sạch có giá giao động từ 110.000-130.00 đồng/kg. Khách tìm đến mua phải đặt trước vì thịt chuột lúc này đắt hàng lắm”.
|
Thịt chuột sau khi đã được vặt lông, thui vàng. |
Nghề săn chuột đồng không chỉ đem lại thu nhập “khủng” mà còn diệt gọn một lượng lớn chuột phá hoại mùa màng của nông dân. Tuy nhiên, việc đào chuột làm phá tan các công trình thủy lợi, đê điều…gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến canh tác và sản xuất nông nghiệp.