Ngày hội trình diễn nghi thức dựng cây Nêu thể hiện di sản văn hóa đặc sắc của đồng bào thiểu số sinh sống tại huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam.
Tối 11/6, tại huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, đã diễn ra "Ngày hội trình diễn nghi thức dựng cây Nêu và giao lưu văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam", cùng các nghệ nhân, diễn viên quần chúng đến từ 14 tỉnh, thành phố thuộc các vùng, miền cả nước về tham dự.
Đây là sự kiện nằm trong Festival Di sản Quảng Nam 2017 và cũng là cơ hội để tỉnh Quảng Nam giới thiệu những giá trị di sản văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh đến bạn bè trong nước, làm gần hơn về khoảng cách địa lý, thấu hiểu hơn tình cảm, thắt chặt những giá trị văn hoá, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
|
Nghi thức dựng cây Nêu mở màn chương trình của ngày hội tại huyện miền núi Tây Giang. |
Ngày hội sẽ tái hiện những nghi thức văn hóa đặc sắc, gắn với đời sống tâm linh, thể hiện ước vọng về cuộc sống ấm no, hạnh phúc của cộng đồng các dân tộc. Đây là dịp để tỉnh Quảng Nam và các tỉnh, thành phố quảng bá tiềm năng du lịch thông qua bản sắc văn hóa, nét đẹp trong trang phục, nghi lễ, tín ngưỡng, sinh hoạt văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Thông qua ngày hội sẽ là cầu nối giao lưu, gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm giữa nghệ nhân, diễn viên quần chúng; khơi dậy ý thức trách nhiệm trong việc giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Tỉnh Quảng Nam sẽ nỗ lực hết mình để Ngày hội diễn ra thành công, ghi lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng bạn bè và du khách cả nước.
|
Qua ngày hội, tỉnh Quảng Nam giới thiệu những giá trị di sản văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số đến bạn bè trong ngoài nước. |
Phát biểu trong lễ khai mạc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho hay: "Tỉnh Quảng Nam có 50% số huyện thuộc khu vực miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số; 04 thành phần dân tộc thiểu số bản bản địa sinh sống (Cơ Tu, Co, Giẻ - Triêng và Xơ - Đăng) với gần 120 nghìn người (chiếm 8,1% số dân toàn tỉnh). Sau 20 năm tái lập tỉnh, cùng với sự quan tâm của Trung Ương, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số (đến nay 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm, 98,4% có điện lưới; 100% số xã có trạm y tế).
Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào tiếp tục được nâng cao; chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa xã hội phục vụ nhu cầu của nhân dân ngày càng được cải thiện, các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào được gìn giữ và phát huy; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; môi trường sinh thái, công tác bảo vệ rừng và phát triển rừng được quan tâm… đã tạo niềm tin vững chắc của đồng bào đối với đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước".