Theo báo Mỹ Business Insider, trong vòng 18 tháng qua, trình nhắn tin của Facebook đã được tích hợp hàng loạt tính năng mới nhằm tập trung nâng cao trải nghiệm người dùng, cạnh tranh với các đối thủ như iMessage của Apple và Messenger của Android.
Một phần quan trọng trong chiến lược của Facebook Messenger là nâng cấp AI và các tính năng tự động hóa, từ đó cá nhân hóa Messenger theo những gì người dùng mong muốn. Ví dụ:
- Trợ lý ảo M của Messenger hiện có thể đề xuất đưa ra những câu trả lời, hình GIF hay đặt vé xem phim tự động..., vừa mang lại sự tiện lợi cho người dùng, vừa giúp mở rộng chức năng của Messenger.
- Facebook mua lại startup chuyên về AI là Ozlo để nâng cấp cho M. Trên iOS, Ozlo có một ứng dụng giúp người dùng tìm các nhà hàng trong khu vực chỉ với một cuộc nói chuyện với AI. Do đó, khi về tay Facebook thì trợ lý ảo M chắc chắn cũng sẽ được trang bị tính năng này.
- Facebook tung ra nền tảng Messenger 2.1 với các công cụ và tính năng mới, trong đó có nhiều tính năng liên quan AI như xử lý ngôn ngữ tự nhiên, SDK cho thanh toán trực tuyến, và khả năng chuyển đổi nhanh chóng giữa các đoạn hội thoại của người thường và chatbot.
Mục tiêu của Facebook dành cho Messenger rất rõ ràng: họ muốn thay đổi cách người dùng trò chuyện với nhau, đồng thời biến Messenger thành kẻ thay thế hoàn hảo cho tổng đài chuyên dùng cho mục đích kinh doanh. Messenger đã có hơn 1,3 tỉ người dùng mỗi tháng, và sẽ còn tăng nữa, cùng với đó là các công ty tìm cách tiếp cận người dùng trong khi họ sử dụng Messenger. Nắm được điều này, Facebook đã giới thiệu công cụ mang tên Objectives giúp các doanh nghiệp có thể bắt đầu các cuộc trò chuyện với người dùng thông qua Messenger.
Tuy nhiên, để đạt được tham vọng của mình, Facebook Messenger sẽ phải cạnh tranh khốc liệt với các dịch vụ tin nhắn được cài sẵn trên các hệ điều hành di động, gồm iMessage trên iOS và Android Messenger trên Android. Các dịch vụ này đang ngày càng mạnh hơn, tiện lợi hơn và thu hút được sự chú ý của rất nhiều người dùng. Về phía Google, họ đang dự định nâng cấp dịch vụ tin nhắn thế hệ mới RCS trên Android nhằm mang các tính năng tương tự như các trình tin nhắn tức thời lên SMS. Nếu Google tích hợp thành công RCS vào Android Messenger thì đây sẽ là một đối thủ đáng gờm mà Facebook Messenger phải dè chừng.
Về phía Apple, có lẽ iMessage đã là một tượng đài, được sử dụng bởi hầu hết người dùng iPhone bởi tính nhanh - gọn - nhẹ của nó. Và Apple cũng không "dại" gì lại để cho một trình tin nhắn bên thứ ba ngang nhiên cướp mất lượng người dùng đầy tiềm năng của mình.
Xem ra Facebook Messenger vẫn còn một đoạn đường rất dài phải đi để thực sự chiếm được lòng tin của người dùng di động đang ngày một khó tính hơn.