Dù trong những lô hàng có rất nhiều sản phẩm hàng hoá khác nhau, có những mặt hàng không được phép xuất khẩu. Tuy nhiên, dù đi qua máy soi chiếu, những lô hàng trên vẫn được thông quan.
Quy trình thông quan
Theo đó, để hàng hoá có được xuất đi hay không, thì việc khai báo hải quan là khâu vô cùng quan trọng. Vì thủ tục rất rắc rối, nhiều bước, trải qua nhiều cửa kiểm soát của nhân viên hải quan, lại nhiều giấy tờ và chờ đợi lâu nên các công ty thu gom đều trông đợi tất cả vào các công ty trung gian.
Thông thường để thông quan một lô hàng, thì phải bảo đảm đầy đủ thông tin như: Tên người gửi, người nhận, bộ vận tải đơn, giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ… Tuy nhiên, những giấy tờ trên, khi công ty gom hàng chuyển hàng hoá đến các công ty trung gian thì thường sẽ không có.
Sau đó, nhân viên giao nhận, hay còn gọi là nhân viên “chạy lệnh” sẽ tiến hành khai báo hải quan trên hệ thống khai báo điện tử của Tổng cục hải quan và đợi phân luồng.
Hiện nay, hải quan phân loại hàng hóa dưới hình thức 3 luồng: Luồng xanh, vàng và đỏ. Mỗi luồng hàng được phân loại nói lên mức độ đánh giá của cơ quan hải quan đối với hàng hóa trong quá trình quản lý rủi ro.
|
Hàng được đóng vào các kiện hàng và được dán bằng băng dính đỏ như một ám chỉ đánh dấu hàng hoá. |
Theo đó, mức một - luồng xanh: Miễn kiểm tra chi tiết hồ sơ, miễn kiểm tra thực tế hàng hóa.
Mức hai - luồng vàng: Kiểm tra chi tiết hồ sơ (nghĩa là giấy tờ có vấn đề cần phải điều chỉnh lại), miễn kiểm tra thực tế hàng hóa.
Mức ba - luồng đỏ sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn, ngoài việc kiểm tra chi tiết hồ sơ, hàng hoá sẽ bị kiểm tra trực tiếp (hay còn gọi là kiểm hóa).
Về lý thuyết là như thế, nhưng theo điều tra của nhóm PV, các công ty có dấu hiệu “khó cãi” trong việc kê khai gian dối các mặt hàng “tả pí lù”, hàng tạp nham, trong đó có những mặt hàng không được phép xuất đi.
Tuy nhiên, thông qua những công ty trung gian, hồ sơ hàng hoá đã có những thủ thuật “phù phép” để nó dễ dàng thông quan và vận đơn thành công dù ở luồng hàng nào.
|
Nhân viên chuyển hàng và đi qua máy soi mà không gặp trở ngại gì. |
Với các trường hợp chúng tôi điều tra, dù trong kiện hàng có chứa nhiều mặt hàng khác nhau. Tuy nhiên, cán bộ giám sát việc kê khai, rồi đi qua máy soi chiếu, nhưng những mặt hàng trên vẫn được thông quan, mà không bị ngăn chặn.
Vì sao các hàng hoá trên lại đi dưới mã loại hình xuất khẩu là H21. Chúng tôi tin qua thông tin khai báo hải quan, qua máy soi chiếu, các cán bộ hải quan đều nhận biết được điều “bất thường”. Vì sự việc trên không phải lần 1, lần 2… mà nó lặp đi lặp lại trong thời gian dài.
Quy định có đủ, nhưng ai giám sát. Mỗi một bộ phận, mỗi cán bộ cần phải đề cao đạo đức và tinh thần thượng tôn luật pháp để đấu tranh với những hành vi gian dối, có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Trách nhiệm của hải quan Đà Nẵng ở đâu trong việc để một số doanh nghiệp khai khống tờ khai hải quan, để hàng hoá không đủ điều kiện vẫn được phép thông quan?.
|
| Hình ảnh dữ liệu các công ty xuất đi trong tháng 5, khi đi qua Chi cục hải quan sân bay quốc tế Đà Nẵng | |
Lộ diện những “ông lớn”
Cũng theo tìm hiểu của PV, sau khi các công ty nhỏ lẻ ở các nơi gom các mặt hàng, đặc biệt là hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh mà người dân có nhu cầu gửi đi sang nước ngoài, các công ty này kết nối với các công ty trung gian để thuê mở tờ khai, làm dịch vụ thông quan tại Chi cục hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Đà Nẵng. Các công ty gom và các công ty trung gian sẽ bố trí để chuyển hàng từ các nơi vào Đà Nẵng.
Tại Đà Nẵng hiện có rất nhiều công ty làm theo kiểu công ty trung gian nói trên, nổi lên phải kể đến những “ông lớn” trong lĩnh vực này gồm: Công ty TNHH Thương mại & Vận chuyển BNN; Công ty TNHH HCBD; Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thương mại NVH; Công ty TNHH WEMAR; Công ty TNHH vận chuyển Quốc tế YU EXPRESS.
|
| Hình ảnh dữ liệu các công ty xuất đi trong tháng 5, khi đi qua Chi cục hải quan sân bay quốc tế Đà Nẵng. | |
Bằng nghiệp vụ, chúng tôi đã tiếp cận được những hồ sơ khai Hải quan của những công ty nêu trên. Chỉ khảo sát trong vòng tháng 5/2024, chúng tôi hết sức giật mình trước số lượng chuyển hàng đi nước ngoài “khủng” của các “ông lớn”.
Cụ thể, Công ty TNHH Thương mại & Vận chuyển BNN, tổng số tờ khai Hải quan là 58, tổng số kiện hàng là 8385, tổng trọng lượng là 89.947kg; Công ty TNHH HCBD tổng số tờ khai Hải quan là 75, tổng số kiện hà
ng là 11.522, tổng trọng lượng là 71.325kg; Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thương mại NVH, tổng số tờ khai Hải quan là 308, tổng số kiện hàng là 7177, tổng trọng lượng là 196.537kg ; Công ty TNHH WEMAR tổng số tờ khai Hải quan là 80, tổng số kiện hàng là 6509 , tổng trọng lượng là 67.896kg; Công ty TNHH vận chuyển Quốc tế YU EXPRESS, tổng số tờ khai Hải quan là 237, tổng số kiện hàng là 1105, tổng trọng lượng là 220561kg.
Điều hết sức đặc biệt là tất cả công ty nói trên đều khai trong tờ khai Hải quan Đà Nẵng mã loại hình xuất khẩu là H21.
|
Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Đà Nẵng. |
Để tìm hiểu rõ mã loại hình H21 là gì, chúng tôi đã đối chiếu với Quyết định 1357/QĐ-TCHQ năm 2021. Thì được biết, H21 là tên viết tắt của “Xuất khẩu hàng khác”.
Theo đó, mã này được sử dụng trong trường hợp: Hàng hóa là quà biếu, quà tặng của tổ chức, cá nhân ở Việt Nam gửi cho tổ chức, cá nhân ở nước ngoài; Hàng hóa của cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế tại Việt Nam và những người làm việc tại các cơ quan, tổ chức này; Hàng hóa là tài sản di chuyển của tổ chức, cá nhân; Hàng hóa viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại; Hàng mẫu; Hành lý cá nhân của người xuất cảnh gửi theo vận đơn, hàng hóa mang theo người xuất cảnh vượt tiêu chuẩn miễn thuế; Các hàng hóa khác chưa được định danh ở trên.
Câu hỏi đặt ra, tại sao các công ty nêu trên đều thực hiện theo mã loại hình xuất khẩu là H21, phải chăng nó có uẩn khúc gì ở đây? Những uẩn khúc trên, đề nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần vào cuộc xác minh làm rõ.
Phản hồi sau loạt bài của Báo Pháp luật Việt Nam, ngày 09/7/2025, ông Phạm Duy Nhất, Phó Cục trưởng Cục Hải quan thành phố Đà Nẵng đã ký Công văn số 1088/HQĐNG-TCCB-TTr gửi báo Pháp luật Việt Nam. Cụ thể, theo văn bản của Cục hải quan Đà Nẵng nêu: “... Ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh của báo, Cục trưởng Cục Hải quan đã cử đồng chí Phạm Duy Nhất- Phó Cục trưởng (được phân công theo dõi phụ trách Chi cục HQCK SBQT Đà Nẵng) cùng với tổ công tác (lãnh đạo một số đơn vị liên quan thuộc Cục) đến kiểm tra, làm việc với Chi cục HQCK SBQT Đà Nẵng về nội dung phản ánh của báo. Tại buổi làm việc, Chi cục HQCK SBQT Đà Nẵng đã có báo cáo như sau: Thời gian qua, Chi cục thường xuyên tiếp nhận và làm thủ tục hải quan , kiểm tra, giám sát hải quan, Chi cục luôn thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và quy trình thủ tục hải quan; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đồng thời kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các lô hàng có dấu hiệu vi phạm, rủi ro cao. Đồng thời, Chi cục cũng đã chủ động phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ thuộc Cục Hải quan và các đơn vị chức năng trên địa bàn như: Công an, An ninh hàng không... trao đổi, cung cấp thông tin, giám sát kiểm tra các lô hàng có dấu hiệu vi phạm. Về nội dung thông tin bài báo nêu trong lô hàng xuất khẩu có thuốc lá nội, ngoại, thuốc lá điện tử, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ,... Thời gian qua, qua kiểm tra, Chi cục chưa thấy phát hiện các vi phạm này. Về hình ảnh và nội dung soi chiếu nêu trong bài báo, đây là hình ảnh và công việc của lực lượng an ninh hàng không trực thuộc Tổng công ty cảng hàng không Chi nhánh Đà Nẵng (ACV)...” |