Quy định sao cho phù hợp với thực tế, đừng ban hành cho có, gây khó cho dân, tốn kém tiền của mà không mang lại hiệu quả như mong muốn.
Vừa bước vào thềm năm mới được dăm ngày, dư luận đâu đâu cũng bàn tán chuyện bình cứu hỏa trên chiếc ô tô. Sợ phạt, các bác tài đổ xô đi mua bình cứu hỏa.
Một bác tài trẻ chia xẻ trên facebook: Thôi các bác ạ, theo em thì mua cho an toàn “túi tiền”, chứ đi trên đường, mấy anh cảnh sát cứ chốc chốc lại tuýt còi kiểm tra, mất đứt miếng cơm, manh áo…
Cho dù lãnh đạo Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ cứu nạn ( Bộ Công an) lên tiếng thanh minh rằng, không có chuyện “nhóm lợi ích” khi ban hành Thông tư 57, quy định từ ngày 6/1, xe ô tô phải có bình cứu hỏa và các phương tiện chữa cháy như xà beng, búa, kìm cộng lực, khẩu trang phòng độc, găng tay “chống cháy”, tùy theo từng loại xe…nhưng dư luận vẫn “liệu có mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp đang kinh doanh mặt hàng cháy nổ”?
Với khoảng 2.580.000 xe ô tô các loại đang lưu hành ( có xe quy định từ 2 bình cứu hỏa) thì ngốn khá lớn bình cứu hỏa. Đổ một đống tiền vào chiếc bình đo đỏ này, liệu có đổi lại được sự an toàn cho người và xe? Bình cứu hỏa 5 lít như Thông tư quy định liệu có dập được đám cháy, ngay cả khi xe máy cháy thì cũng chỉ…phun cho có, huống gì ô tô.
Dư luận đầy hoài nghi là có cơ sở, bởi lẽ, từ “vị thế” ế chơ ế chỏng, bỗng bình cứu hỏa lên ngôi, đắt hơn tôm tươi, giá tăng vọt mỗi ngày, trở thành của hiếm, hét giá bao nhiêu cũng được.
Điều đáng lo ngại hơn là bình cứu hỏa chủ yếu có nguồn gốc từ Trung Quốc, có đảm bảo an toàn tính mạng cho người ngồi trên xe.
Cục Cảnh sát PCCC khi ban hành Thông tư 57 có nghĩ đến chất lượng bình cứu hỏa đang tràn lan trên thị trường mà cơ quan chức năng có “đố” cũng không dám nói đến hai chữ an toàn?
Bao nhiêu những bất cập khi thực hiện Thông tư 57 được người dân chỉ rõ. Cụ thể như các nhà sản xuất xe hơi ( loại 9 chỗ ngồi trở xuống) không thiết kế chỗ để bình cứu hỏa.
Lái xe sẽ để bình cứu hỏa ở vị trí nào, đáp ứng như thông tư quy định: Phải ở nơi dễ thấy, dễ sử dụng khi chữa cháy, nhưng không ảnh hưởng tới thao tác, tầm nhìn của người lái, an toàn của người ngồi trên xe.
Chính lãnh đạo Cục Cảnh sát PCCC cũng thừa nhận, điều kiện khí hậu nắng nóng với nhiệt độ cao ở nước ta, cũng không mấy an toàn với bình cứu hỏa nếu để trên xe thời gian dài, khi xe “phơi mình” dưới nắng nóng, thì bình cứu hỏa nổ là nhãn tiền.
Bình cứu hỏa được nhà sản xuất khuyến cáo để ở nơi thoáng mát, nhiệt độ không quá 50-55 độ.
Vậy, cách tốt nhất mà các lái xe đang truyền cho nhau kinh nghiệm là, nên đem theo bình cứu hỏa khi rời xe trong thời gian dài, vừa không lo bình nổ do nắng nóng gây ra, vừa không lo không có bị công an phạt.
Nếu Cục Cảnh sát PCCC lắng nghe dư luận, thực tế hơn khi ban hành Thông tư 57, có lẽ dư luận không rần rần phản ứng vì những quy định thiếu khả thi khi triển khai thực hiện. Dư luận cho rằng, chỉ nên quy định có bình cứu hỏa đối với xe khách, xe tải chở vật liệu dễ cháy nổ, xe ô tô từ 9 chỗ ngồi trở lên.
Tuyệt nhiên trong các vụ cháy, nổ xe máy, ô tô- dù có được dùng bình cứu hỏa, nước để dập lửa- nhưng vẫn không thể cứu được tài sản, đặc biệt, người dân còn tránh xa, lo ngại bình xăng nổ sẽ không an toàn đến tính mạng.
Chắc hẳn lãnh đạo Cục Cảnh sát PCCC đã có đủ thông tin phản hồi từ dư luận với những bất cập của Thông tư 57. Đã không ít người có “chức quyền” lên tiếng, rằng Cục Cảnh sát PCCC nên quy định sao cho phù hợp với thực tế, đừng ban hành cho có, gây khó cho dân, tốn kém tiền của mà không mang lại hiệu quả như mong muốn.
Dư luận đã từng phản ứng gay gắt với việc phạt xe không chính chủ, với người tham gia giao thông đội mũ bảo hiểm không đạt chuẩn, phạt tiền khi sử dụng điện thoại tại cây xăng…vừa khó cho người dân và khó cho cả người thực thi, khiến luật bị “nhờn”…
Với những quy định liên quan đến số đông người dân, các cơ quan chức năng hãy thực tế hơn, gần dân hơn, để những quy định, văn bản ban ra rồi lại thu về, khiến dư luận hoang mang, người dân ngán ngẩm.