Đấu giá minh bạch, công khai và trả giá cao hơn mức khởi điểm gần 20 triệu đồng/m2, Công ty cổ phần Vipico đã nộp đủ tiền sử dụng đất nhưng TP Đà Nẵng quyết không giao đất mà hủy kết quả đấu giá, thu giữ tiền đặt cọc. Quyết định này của TP Đà Nẵng giống như một quyết định “khai tử” doanh nghiệp.
|
Khu đất A20 |
Doanh nghiệp choáng váng với quyết định của Đà Nẵng
Lô đất A20, đường Võ Văn Kiệt, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng có diện tích hơn 11 nghìn mét vuông được đưa ra đấu giá với mức giá khởi điểm là 36 triệu đồng/m2. Có 5 doanh nghiệp tham gia đấu giá, gồm ông Thân Quý Phái, đại diện cho Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng công trình 577 (CIENCO 577); ông Nguyễn Toàn, ông Phạm Viết Thắng, ông Đinh Ngọc Lộc và đại diện của Công ty cổ phần Vipico.
Ngoài Công ty cổ phần Vipico, những tổ chức tham gia đấu giá đều là đại diện cho các doanh nghiệp có trụ sở tại TP Đà Nẵng hoặc liên quan đến Đà Nẵng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này trả giá rất thấp. Ông Thắng trả giá đúng bằng giá khởi điểm, ông Đinh Ngọc Lộc trả cao hơn 2,6 triệu đồng/m2. Ông Thân Quý Phái và ông Nguyễn Toàn trả mức giá cao hơn nhưng cũng rất thấp so với Công ty Vipico.
Công ty cổ phần Vipico đến từ Hà Nội trả giá cao nhất và trúng đấu giá với tổng giá trị của lô đất là hơn 652 tỷ đồng.
Sau khi trúng đấu giá, Công ty đã nộp 50% tiền sử dụng đất (đợt 1) theo thông báo của Cục Thuế Đà Nẵng. Số tiền 50% còn lại, doanh nghiệp sẽ nộp sau 30 ngày. Tuy nhiên, vào thời điểm cuối năm 2017, Công ty Vipico chưa kịp thu xếp nguồn vốn nên đã có văn bản báo cáo Cục Thuế Đà Nẵng để xin chậm nộp. Sau đó, Công ty đã nộp đủ tiền sử dụng đất và cả tiền chậm nộp cho Cục Thuế Đà Nẵng với số tiền chậm nộp là 52 ngày.
Với lý do đơn vị trúng đấu giá chậm nộp tiền sử dụng đất, trong báo cáo kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đề nghị xem xét giải quyết việc chậm nộp theo quy định của pháp luật, trong đó có quyết định của UBND TP Đà Nẵng.
UBND TP Đà Nẵng đã lấy ý kiến của các bộ, ngành và các cơ quan tham mưu về việc doanh nghiệp trúng đấu giá chậm nộp tiền sử dụng đất. Trong văn bản gửi UBND TP Đà Nẵng, Bộ Tài chính khẳng định, việc đơn vị trúng đấu giá chậm nộp tiền sử dụng đất thì có nghĩa vụ nộp tiền chậm nộp. Như vậy, Bộ Tài chính đã không đồng ý với việc hủy kết quả bán đấu giá và đây cũng là quan điểm của Sở Tư pháp TP Đà Nẵng.
Theo đó, Sở Tư pháp TP Đà Nẵng cho rằng, người trúng đấu giá có trách nhiệm nộp tiền đấu giá theo thông báo của Cục Thuế. Nếu chậm nộp thì phải nộp tiền chậm nộp theo quy định của pháp luật về quản lý thuế. Việc hủy kết quả bán đấu giá của Công ty cổ phần Vipico là không phù hợp với quy định của Luật Đấu giá tài sản.
Điều đáng nói, ý kiến của các ngành Tư pháp, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường ở Trung ương và Đà Nẵng đều nêu rất rõ, trường hợp Công ty cổ phần Vipico không có cơ sở pháp lý để hủy kết quả bán đấu giá.
Tuy nhiên, ngày 16/11/2018, UBND TP Đà Nẵng đã ra quyết định hủy kết quả bán đấu giá đất đối với Công ty Vipico và yêu cầu thu tiền đặt cọc nộp vào ngân sách, với lý do “thực hiện yêu cầu của Kiểm toán Nhà nước”. Quyết định này thực sự gây sốc đối với doanh nghiệp, bởi họ bỗng dưng mất trắng mấy chục tỷ tiền đặc cọc, cộng với số vốn đầu tư gần 700 tỷ đồng gần một năm qua không sinh lời mà còn bị thâm hụt nặng và có thể lâm vào cảnh phá sản.
Kiểm toán Nhà nước lên tiếng, quyết định của TP Đà Nẵng bị “việt vị”
Bức xúc trước việc UBND TP Đà Nẵng lấy cớ Kiểm toán Nhà nước yêu cầu hủy kết quả bán đấu giá, Công ty Vipico thông qua Câu lạc bộ (CLB) Pháp chế doanh nghiệp Bộ Tư pháp đã có văn bản gửi Kiểm toán Nhà nước đề nghị giải thích rõ nội dung này.
Trong văn bản trả lời CLB Pháp chế doanh nghiệp, Kiểm toán Nhà nước đã khẳng định, cơ quan này không yêu cầu hủy kết quả bán đấu giá mà việc đánh giá kết luận của Kiểm toán Nhà nước phải dựa vào quy định của pháp luật và bằng chứng kiểm toán chứ không phải viện dẫn báo cáo kiểm toán đơn thuần.
Theo Kiểm toán Nhà nước, sau khi kết thúc kiểm toán, ngày 19/7/2018, Kiểm toán Nhà nước mới nhận được văn bản của UBND TP Đà Nẵng thông báo Quyết định số 01/2015/QĐ-UBND của UBND TP Đà Nẵng đã hết hiệu lực. Báo cáo kiểm toán căn cứ vào Quyết định số 01/2015/QĐ-UBND đã hết hiệu lực để đưa ra yêu cầu xem xét việc hủy kết quả đấu giá là do TP Đà Nẵng đã cung cấp không đầy đủ và chính xác về hiệu lực của văn bản quy phạm. Như vậy, việc Kiểm toán Nhà nước đưa ra đề nghị thì UBND TP Đà Nẵng cũng phải căn cứ vào chứng cứ kiểm toán và căn cứ pháp luật để thực hiện chứ không phải bắt buộc làm theo yêu cầu kiểm toán.
Với văn bản giải thích của Kiểm toán Nhà nước và báo cáo kiểm toán của cơ quan này, có thể thấy chính Kiểm toán nhà nước cũng đã nêu ra một vấn đề khá rõ ràng là khi doanh nghiệp chậm nộp tiền sử dụng đất thì phải nộp tiền chậm nộp, giống như ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các sở, ngành của TP Đà Nẵng.
Có thể thấy, rõ ràng UBND TP Đà Nẵng đã sử dụng báo cáo kiểm toán theo mục đích và ý đồ của cơ quan này là hủy kết quả bán đấu giá. Báo cáo kiểm toán và thông báo kiểm toán không phải là văn bản quy phạm pháp luật cũng không phải là chỉ đạo của cấp trên nên việc UBND TP Đà Nẵng cho rằng, phải thực hiện báo cáo kiểm toán là hủy kết quả đấu giá đối với Công ty Vipico là không thuyết phục và không có căn cứ.
Trước đó, ngày 1/11/2018, UBND TP Đà Nẵng cũng đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về sự việc này. Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, UBND TP Đà Nẵng đã đưa ra nhiều vụ việc hủy kết quả bán đấu giá để giải thích cho việc hủy kết quả bán đấu giá đối với Công ty Vipico không phải là “ngoại lệ”. Song, các sự việc này lại khác về bản chất so với việc trúng đấu giá của Công ty Vipico nhưng đã không được báo cáo chi tiết. Hơn nữa, ý kiến của các ngành Tài chính, Tư pháp và Tài nguyên và Môi trường ở cả hai cấp đều không được báo cáo đầy đủ đến Thủ tướng Chính phủ. Những báo cáo kiểu “một nửa sự thật” và cách áp dụng pháp luật trong vụ việc này cho thấy quyết định hủy kết quả bán đấu giá của UBND TP Đà Nẵng thiếu minh bạch và căn cứ pháp lý.