GDP năm 2021 tăng 2,58%, kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt kỷ lục 668,5 tỷ USD là dấu ấn, điểm sáng của nền kinh tế trong khi COVID-19 diễn biến phức tạp.
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, GDP năm 2021 tăng 2,58%, kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt kỷ lục 668,5 tỷ USD là dấu ấn, điểm sáng của nền kinh tế trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng các chính sách dài hạn để tạo nền tảng cho doanh nghiệp phát triển.
Dấu ấn kỷ lục xuất, nhập khẩu: 668,5 tỷ USD
Một điểm sáng nổi bật năm 2021 phải kể đến là tăng trưởng xuất, nhập khẩu, với kỷ lục gần 668,5 tỷ USD trong bối cảnh dịch COVID-19. Xin Bộ trưởng cho biết, điều gì đã giúp cho Việt Nam có được tăng trưởng cao như vậy?
Năm 2021 là một năm đầy biến động đối với mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Nhưng, nhờ sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, chính quyền địa phương, sự nỗ lực chủ động vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức xúc tiến thương mại đã giúp duy trì sản xuất và xuất khẩu, với tổng kim ngạch kỷ lục 668,5 tỷ USD (tăng 22,6% so với năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 19%).
|
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên |
Kết thúc năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 4 tỷ USD. Cả nước có 35 mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, chiếm 93,8% tổng kim ngạch xuất khẩu, có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 69,7%. Nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện lần đầu tiên xác lập mốc kim ngạch xuất nhập khẩu hơn 100 tỷ USD trong năm 2021. Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực của tăng trưởng khi chiếm tới hơn 86% kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của cả nước…
Với lĩnh vực nông sản xuất khẩu, dù chiếm chưa tới 10% giá trị xuất khẩu của toàn nền kinh tế, song, nông nghiệp lại là lĩnh vực đem đến những “động lực mới” cho tăng trưởng xuất khẩu năm 2021.
Có được những kết quả trên chính là nhờ chúng ta đã khai thác tốt các thị trường nước ngoài. Cùng với việc giữ được các thị trường xuất khẩu truyền thống, doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng khá tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) nhất là các hiệp định FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA và UKVFTA. Thống kê cho thấy, xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực thị trường EU tăng 12,6%, sang thị trường Vương quốc Anh và Bắc Ailen tăng 15,6%, sang các thị trường CPTPP chưa có FTA trước đây với Việt Nam tiếp tục ghi nhận tăng trưởng cao, đáng kể như xuất khẩu sang Canada tăng 18,2%, Mexico 44,6%, Peru 79,2%....
Những nỗ lực mở cửa thị trường thông qua đàm phán thương mại song phương và đa phương của Chính phủ đã giúp hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tiếp cận được các khu vực thị trường được coi là “khó tính” nhất trên thế giới, đặc biệt là với nhóm hàng nông sản và thủy sản. Đây tiếp tục là lợi thế mà doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng tốt hơn trong thời gian tới…
Tạo nền tảng để doanh nghiệp phát triển
Để tạo bước đột phá trong năm 2022, năm bản lề của giai đoạn 2021-2025, Bộ Công Thương sẽ có kế hoạch cụ thể gì trong hoạch định chính sách cũng như tạo đà giúp doanh nghiệp phục hồi “sức khoẻ” trong sản xuất và xuất khẩu để góp phần vào tăng trưởng kinh tế đất nước?
Để hỗ trợ cho doanh nghiệp, nền kinh tế phục hồi, duy trì đà sản xuất, xuất khẩu trong năm nay, Bộ Công Thương tiếp tục triển khai khẩn trương, quyết liệt, thống nhất các nội dung hướng dẫn, chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 128 về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” nhằm bảo đảm tối đa lưu thông hàng hóa, lao động trở lại phục vụ việc phục hồi các hoạt động sản xuất sau dịch bệnh, tạo thuận lợi cho việc phục hồi các chuỗi cung ứng về hàng hóa và lao động cho sản xuất.
Bộ bảo đảm cung ứng đầy đủ nguyên vật liệu, năng lượng để đáp ứng yêu cầu phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án công nghiệp quan trọng; hỗ trợ tối đa các nhà máy duy trì và khôi phục sản xuất để giữ đơn hàng, chuỗi cung ứng. Bộ đặt mục tiêu trong 2022 và các năm tới sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công lớn, đặc biệt là các dự án về năng lượng, hạ tầng phát triển ngành nhằm thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng, giao thương của nền kinh tế cũng như phát triển thị trường cho một số ngành sản xuất chủ lực như thép, cơ khí, vật liệu xây dựng, ô tô…
|
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, xây dựng các chính sách để doanh nghiệp phát triển bền vững Ảnh: Như Ý |
Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, khung chính sách nhằm thống nhất nguồn lực từ Trung ương đến địa phương tập trung đầu tư, phát triển các dự án công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp nền tảng, các ngành sản xuất xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như công nghiệp vật liệu, công nghiệp hỗ trợ, cơ khí, ô tô, dệt may, da - giày, điện - điện tử, chế biến thực phẩm...
Với xuất, nhập khẩu, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch COVID-19 và trao đổi hàng hóa giữa các quốc gia để tham mưu cho Chính phủ các giải pháp điều hành ứng phó với các yếu tố bất lợi.
Với thị trường nội địa, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, kịp thời có giải pháp ứng phó khi thị trường có biến động bất thường, bảo đảm điều phối cung ứng hàng hóa thiết yếu cho thị trường, xử lý các khó khăn trong lưu chuyển hàng hóa kịp thời nhằm không làm đứt gẫy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính
Thưa Bộ trưởng, cắt giảm điều kiện kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính cũng được đánh giá là điểm sáng của ngành Công Thương trong nhiệm kỳ vừa qua. Vậy, thời gian tới Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thực hiện việc này như thế nào để hỗ trợ doanh nghiệp?
Một trong những nhiệm vụ ưu tiên khác của Bộ Công Thương chính là tiếp tục đổi mới, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu hàng nông sản; tổ chức kết nối các hoạt động kết nối cấp vùng miền, kết nối cung cầu cả trong và ngoài nước trên môi trường trực tuyến và dựa trên những nền tảng mới.
Cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh là một nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Công Thương. Với quan điểm quyết liệt hành động, liên tiếp trong các năm từ 2016 đến nay, Bộ Công Thương là Bộ tiên phong thực hiện việc cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Tính đến năm 2020, Bộ đã thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa tổng cộng là 880 điều kiện trên tổng số 1.216 điều kiện kinh doanh (chiếm 70%). Những cải cách của Bộ Công Thương đã được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, giúp điều kiện kinh doanh thông thoáng hơn, đỡ phức tạp, rườm rà; thời gian làm thủ tục nhanh hơn qua đó tiết giảm được chi phí, tăng cơ hội, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục rà soát và xây dựng kế hoạch lộ trình cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ cho giai đoạn 2021 - 2025. Chúng tôi xác định cải cách thủ tục hành chính hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng xây dựng thể chế, gắn xây dựng thể chế với ban hành chính sách, pháp luật; bảo đảm các quy định thủ tục hành chính được thực thi thống nhất, hiệu quả trên phạm vi cả nước, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân liên quan dễ dàng thực hiện.
Xin cảm ơn ông.