Tối 16/12, Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội đã tổ chức buổi dạ hội văn học nhân sự kiện kết thúc “Năm Văn học tại Nga”.
|
Nhóm "Bạch Dương" thể hiện ca khúc nhạc Nga nổi tiếng (Ảnh: Minh Tuấn) |
Năm 2015 được chọn là “Năm văn học tại Nga”. Tuy nhiên quy mô sự kiện này không chỉ có ở Nga, mà còn lan rộng ra nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Tham dự lễ tổng kết sự kiện này có giám đốc Trung tâm tiếng Nga (thuộc Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội) bà Natalia Kutureva; giám đốc Trung tâm quảng bá văn học Nga ở Việt Nam, dịch giả Hoàng Thúy Toàn.
Ngoài ra còn có sự hiện diện của nhà thơ, nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo, phó giám đốc Viện nghiên cứu văn hóa Thăng Long Đỗ Xuân Duy. Đông đảo bạn yêu văn học từ Đại sứ quán Nga tại Việt Nam, Hội hữu nghị Việt – Nga và các trường đại học tại Hà Nội đã tham dự buổi lễ này.
Phát biểu khai mạc, Giám đốc Trung tâm tiếng Nga tại Hà Nội Natalia Kutureva cho biết: “Văn học Nga là một nền văn học có nhiều đóng góp to lớn cho sự phát triển của văn minh thế giới. Ở Việt Nam, văn học Nga và Liên Xô được biết đến rất rộng rãi”.
Đã có nhiều tác phẩm văn học kinh điển của các văn hào Nga như Puskin, Tolstoi, Exenhin đã được dịch sang tiếng Việt. Ở Việt Nam còn có nhà bảo tàng văn học Nga, nơi trưng bày các hiện vật, tài liệu, tranh ảnh độc nhất vô nhị, bà Natalia chia sẻ.
Nhà bảo tàng “Văn học Nga tại Việt Nam” là công sức 60 năm của dịch giả, nghiên cứu văn học nổi tiếng Hoàng Thúy Toàn. Việc khai trương bảo tàng văn học Nga đầu tiên ở Việt Nam được xem là một trong những sự kiện chính của “Năm Văn học tại Nga”.
Đến lượt mình, Giám đốc Trung tâm quảng bá văn học Nga ở Việt Nam Hoàng Thúy Toàn bày tỏ những tình cảm của mình dành cho văn học Nga và về nhà bảo tàng văn học Nga đầy tâm huyết của ông.
|
Dịch giả, nhà nghiên cứu văn học Nga Hoàng Thúy Toàn (Ảnh: Minh Tuấn) |
Theo ông Toàn, văn học Nga đang dần trở lại và dần có chỗ đứng trong lòng độc giả Việt Nam. Bên cạnh đó, số lượng dịch giả, nhà nghiên cứu về văn học Nga trong thời gian qua đã có bước tiến tích cực.
Nhân sự kiện này, Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội đã giới thiệu những tác phẩm mới nhất của các dịch giả Việt Nam về văn học Nga. Đặc biệt là tác phẩm của các dịch giả Phạm Đình Cư, Phan Bạch Châu và Thụy Anh.
Dạ hội văn học thực sự bắt đầu bằng chùm3 bài dịch từ thơ Exenhin của nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo. Nhóm nhạc “Bạch Dương” cũng góp vui bằng chùm 3 bài hát tiếng Nga dựa trên các tác phẩm văn học Nga nổi tiếng.
|
"Nhà thơ Nga" Lê Văn Nhân (Ảnh: Minh Tuấn) |
Chương trình được tiếp tục bằng các bài thơ nhiều chủ đề của các bạn học sinh -sinh viên yêu thích thơ ca Nga. Điểm nhấn của buổi dạ tiệc là phần ngâm thơ của “nhà thơ Nga” Lê Văn Nhân.
Cuối chương trình, ban tổ chức đã dành tặng người tham dự những bộ sách văn học Nga mới được dịch sang tiếng Việt và album ảnh về nước Nga.
Năm 2016 được xem là “Năm điện ảnh Nga”. Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga sẽ tổ chức chiếu phim và nhiều hoạt động văn hóa khác.
Một số ảnh từ sự kiện "Lễ kết thúc văn học tại Nga":
|
Các thành viên của Hội nhà văn Việt Nam cũng đến tham dự. |
|
Đại diện Đại sứ quán Nga tại Việt Nam và Hội hữu nghị Việt - Nga. |
|
Giám đốc Trung tâm tiếng Nga thuộc Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội Natalia Kutureva phát biểu khai mạc buổi lễ. |
|
Nhạc sỹ, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo bày tỏ về tình yêu văn học Nga. |
|
Tiết mục ngâm thơ của một sinh viên Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. |
|
Các em học sinh Nga cũng tham gia vào phần ngâm thơ. |
|
Gian trưng bày các tác phẩm dịch từ văn học Nga. |
|
Một góc ảnh nhà bảo tàng "Văn học Nga ở Việt Nam " của dịch giả Thúy Toàn. |