Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ra kết luận điều tra, đề nghị truy tố Đoàn Văn Huấn (Chủ tịch Công ty Thái Dương), Nguyễn Linh Ngọc (cựu Thứ trưởng Bộ TN&MT) cùng 25 bị can khác trong vụ án khai thác trái phép đất hiếm ở tỉnh Yên Bái.
Khai thác trái phép đất hiếm, quặng sắt
Kết luận điều tra thể hiện, Công ty Thái Dương được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép khai thác đất hiếm tại xã Yên Phú (huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) năm 2013.
Sau khi được cấp giấy phép, Công ty Thái Dương đã không thực hiện đúng các quy định của pháp luật và giấy phép được cấp.
Cơ quan điều tra cáo buộc trong thời gian từ năm 2019 - 2023, Đoàn Văn Huấn - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Thái Dương - đã tổ chức khai thác trái phép quặng đất hiếm và quặng sắt tại mỏ đất hiếm Yên Phú, với tổng trị giá hơn 864 tỉ đồng.
Đoàn Văn Huấn bán trái phép hơn 10.292 tấn quặng hàm lượng TREO 18-20%, trị giá 403 tỉ đồng và 280.846 tấn quặng sắt, trị giá 333 tỉ đồng, qua đó hưởng lợi bất hợp pháp số tiền 736 tỉ đồng.
 |
Bị can Đoàn Văn Huấn (trái) và bị can Nguyễn Văn Chính (phải). (Ảnh Bộ CA) |
Một trong số các khách hàng mua đất hiếm của Huân là Lưu Đức Hoa (người Trung Quốc).
Kết luận điều tra xác định Hoa vốn kinh doanh tự do, từng thuê đất, mở xưởng chế biến tinh quặng đất hiếm tại Hải Phòng, chỉ đạo sản xuất, trộn tinh quặng đất hiếm để xuất khẩu sang Trung Quốc.
Hoa đã mua hơn 2.160 tấn quặng đất hiếm hàm lượng 14-17% (chưa được chế biến sâu) của Đoàn Văn Huấn.
Sau đó, Hoa chỉ đạo Nguyễn Thanh Đoàn - Phó Giám đốc Công ty CP thương binh Trường Sơn - ký hợp đồng gia công làm giàu tinh quặng đất hiếm với Huấn sử dụng để vận chuyển từ mỏ Yên Phú về các xưởng chế biến.
Bị can Đoàn sau đó làm thủ tục thuê công nhân, gồm cả người Việt Nam và Trung Quốc để tổ chức sản xuất tại Hải Phòng. Từ đó chế biến, nâng hàm lượng đất hiếm lên 20-30%.
Tạo nhãn mác giả "cơm dẻo, cơm mẹ nấu" để buôn lậu
Do nguồn gốc quặng của Đoàn Văn Huấn không hợp pháp và theo quy định quặng đất hiếm sau khi chế biến chưa đạt hàm lượng để xuất khẩu, nên Lưu Đức Hoa đã chỉ đạo nhân viên pha trộn thêm các hóa chất và phụ gia tạo thành hỗn hợp chất màu trắng đục.
Để che giấu hành vi phạm pháp. đất hiếm sau đó được các đối tượng đóng gói trong các bao có nhãn hiệu: “BẢO KHANG RICE, chuẩn cơm mẹ nấu, cơm dẻo mềm thơm đặc trưng. NET WEIGHT: 50kg”.
Sau đó, Hoa thuê Khâu Vỹ Bung, Giám đốc Công ty GUANGZHOU (trụ sở tại Trung Quốc) làm thủ tục xuất khẩu hàng hóa, khai báo là “Hỗn hợp chất Oxalate” nhưng thực chất là đất hiếm, từ Việt Nam sang Trung Quốc. Bung liên hệ và thuê bị can Trần Đức (Giám đốc Công ty Dương Liễu) làm thủ tục xuất khẩu mặt hàng “Hỗn hợp chất Oxalate” theo yêu cầu của Hoa.
Trong quá trình làm thủ tục xuất khẩu, do hàng hóa không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, Đức sử dụng pháp nhân Công ty Dương Liễu lập các hóa đơn thương mại hợp thức hóa nguồn gốc cho hàng hóa mở tờ khai xuất khẩu, vi phạm quy định của Luật Hải quan.
Với thủ đoạn trên, Đức mở 8 tờ khai tại Chi cục Hải quan Cảng Đình Vũ (Hải Phòng), khai báo xuất khẩu mặt hàng là “Hỗn hợp chất Oxalate” tổng khối lượng hơn 200 tấn.
Thực tế, số hàng hóa trên là đất hiếm đã được pha trộn, ngụy trang để xuất khẩu trái phép.
CQĐT xác định Hoa buôn lậu hơn 200 tấn, trị giá 341.326 USD (tương đương hơn 7,8 tỉ đồng).
Hoa xuất cảnh về Trung Quốc ngày 24/9/2023 nên CQĐT có văn bản gửi Cục Đối ngoại Bộ Công an, đề nghị phối hợp với Đại sứ quán Trung Quốc xác minh lý lịch, quá trình chấp hành pháp luật của Hoa nhưng chưa có kết quả.
Ngày 14/12/2024, cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã trong nước và đề nghị truy nã quốc tế với Lưu Đức Hoa về tội Buôn lậu.
Biết quặng trái phép vẫn tiêu thụ
Một khách hàng khác cũng mua quặng trái phép của Đoàn Văn Huân là Lưu Vũ (người Trung Quốc), Giám đốc Công ty HUYHUANG.
Kết quả điều tra xác định năm 2018, Vũ tới Việt Nam tìm nguồn mua quặng đất hiếm chuyển về Trung Quốc bán cho các cơ sở chế biến.
Vũ gặp và thỏa thuận hợp tác cùng Huấn xây dựng nhà máy thủy luyện để chế biến nâng cao hàm lượng tổng oxit đất hiếm.
Quá trình hợp tác, Huấn cho Vũ xem và dịch cho Vũ biết nội dung giấy phép khai thác khoáng sản của Công ty Thái Dương.
Sau đó, Vũ thuê luật sư kiểm tra tính pháp lý của giấy phép.
Vì vậy, Vũ biết rõ đất hiếm tại mỏ Yên Phú của Công ty Thái Dương chưa tinh chế đủ đạt điều kiện để xuất khẩu.
Huấn cũng trao đổi nếu Vũ mua quặng thì việc mua bán không thể ký hợp đồng, xuất hóa đơn do quặng chưa được phép bán và việc mua bán là vi phạm pháp luật.
Thế nhưng, từ tháng 5/2020 đến tháng 6/2021, Vũ vẫn mua tổng gần 2.000 tấn đất hiếm với tổng giá trị hơn 70 tỷ đồng của Huấn.
Toàn bộ số đất hiếm này đã được Vũ giao cho Quách Hải Ba (người Trung Quốc) vận chuyển về Trung Quốc, giao cho khách hàng của Vũ tiêu thụ.
Do Quách Hải Ba đã xuất cảnh về Trung Quốc nên cơ quan điều tra không tiến hành ghi lời khai làm rõ được cách thức vận chuyển.
Hiện, Vũ bị tạm giam tại Việt Nam và bị đề nghị truy tố về tội Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.