Lễ hội, Tuần Văn hóa - Du lịch dự kiến được tổ chức từ ngày 14/2 đến hết ngày 20/2 (tức là ngày 10 đến 16 tháng Giêng Xuân Kỷ Hợi).
Tin nên đọc
Khám phá vùng đất thiêng Tây Yên Tử
Giao thông thuận tiện, tỉnh Bắc Giang không thu phí tham quan Tây Yên Tử
Ngày mai tỉnh Bắc Giang khai hội Tây Yên Tử
Gắn kết khu du lịch Đông và Tây Yên tử
|
Ảnh Việt Hưng |
Giao thông thuận tiện
Lễ hội Xuân 2019 và Tuần Văn hóa - Du lịch “Khám phá vùng đất thiêng Tây Yên Tử” được tổ chức nhằm đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu về tài nguyên du lịch Bắc Giang, đặc biệt là di sản văn hóa Tây Yên Tử.
Sự kiện góp phần kích cầu du lịch, thu hút du khách. Nội dung các hoạt động thể hiện bản sắc văn hóa của các dân tộc tỉnh. Lễ hội, Tuần Văn hóa - Du lịch dự kiến được tổ chức từ ngày 14/2 đến hết ngày 20/2 (tức là ngày 10 đến 16 tháng Giêng Xuân Kỷ Hợi).
Trong đó điểm nhấn là các hoạt động rước tượng, khánh thành chùa Thượng, khai mạc hội trại văn hóa du lịch, khai hội, lễ khánh thành giai đoạn I Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử.
Trao đổi nhanh với Pháp luật Plus, ông Nghiêm Xuân Hưởng - Bí thư huyện uỷ Huyện Sơn Động cho hay: "Dự án khu du lịch này có tổng mức đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng, chia 3 giai đoạn (từ 2016 đến 2021) với quần thể các công trình chức năng như: Tuyến cáp treo, quảng trường trung tâm, khu tái hiện Hoàng thành, khu nghỉ dưỡng, các khu dịch vụ du lịch (trưng bày, triển lãm, hội nghị,...).
Dịp khai hội năm 2019, giai đoạn 1 của dự án đã được đầu tư hơn 700 tỷ đồng và sẽ khánh thành, gồm các hạng mục: Tuyến cáp treo số 1 từ ga chùa Hạ lên ga chùa Thượng có chiều dài 2,1 km; khu vực quảng trường trung tâm (cổng quảng trường với chức năng trưng bày, khu điều hành và sân ngắm cảnh; các vườn cảnh quan); nhà hàng ven suối; cầu cảnh quan sang chùa Hạ và một số hệ thống hạ tầng phụ trợ khác...".
|
Nhiều hạng mục công trình được xây dựng tại Khu du lịch tâm linh-sinh thái Tây Yên Tử (Sơn Động). Ảnh Báo Bắc Giang. |
Tuy nhiên, để di chuyển cung đường nào thuận tiện nhất từ các tỉnh thành như Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hoà Bình, Sơn La, Điện Biên… về dâng hương tại đỉnh thiêng Yên Tử sao cho nhanh nhất, thuận tiện nhất qua tỉnh Bắc Giang không phải ai cũng biết.
Tại bài viết này, Pháp luật Plus xin giới thiệu tới bạn đọc một số cung đường sau.
1 - Từ Hoà Bình, Hà Nội - đi Tây Yên Tử di chuyển qua Cầu Nhật Tân - Quốc lộ 18 (Bắc Ninh) rẽ vào cao tốc Hà Nội - Bắc Giang tới Big C Bắc Giang thì di chuyển tới “con đường tâm linh” tỉnh lộ 293 trải từ TP Bắc Giang đi thẳng lên Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử, thôn Đồng Thông, xã Tuấn Mậu (huyện Sơn Động).
Cũng từ Hà Nội, du khách có thể di chuyển qua cầu Thanh Trì, Vĩnh Tuy, nối vào cao tốc Hà Nội - Bắc Giang, tới TP Bắc Giang (Big C Bắc Giang) và tới tỉnh lộ 293 và di chuyển tới huyện Sơn Động.
2 - Từ Thái Nguyên, du khách di chuyển từ Quốc lộ 37 nối hai tỉnh Thái Nguyên - Bắc Giang tới TP Bắc Giang và rẽ tỉnh lộ 293.
3 - Từ Lạng Sơn đi Tây Yên Tử di chuyển theo Quốc lộ 1 về TP Bắc Giang, sau đó đi vào tỉnh lộ 293 sau đó đi thẳng lên Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử, thôn Đồng Thông, xã Tuấn Mậu (huyện Sơn Động).
Hiện nay, du khách có thể dễ dàng di chuyển từ Hà Nội tới Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử chỉ hơn 100 km với 2 tiếng lái xe.
Trên đây là những thông tin về khoảng cách, đường đi từ Hà Nội đến Tây Yên Tử. Hi vọng, bạn sẽ tìm được cho mình một hành trình phù hợp lên đỉnh núi thiêng cầu mong bình an cho gia đình.
|
Du khách dự lễ hội Tây Yên Tử năm 2018. |
Tuần văn hoá du lịch
Theo kế hoạch, trong thời gian diễn ra Tuần Văn hóa - Du lịch 2019 sẽ có nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch được tổ chức trên địa bàn các huyện, thành phố trong tỉnh, trong đó trọng tâm là các huyện: Sơn Động, Yên Dũng, Lục Nam, Lục Ngạn và thành phố Bắc Giang.
Tại huyện Sơn Động sẽ diễn ra các hoạt động chính như: Khai mạc hội xuân Tây Yên Tử, Tuần Văn hóa - Du lịch; lễ khánh thành chùa Thượng và giai đoạn 1 Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử; triển lãm trưng bày, giới thiệu không gian văn hóa, Phật giáo Trúc Lâm; ra mắt cuốn sách “Di sản danh thắng vùng Tây Yên Tử”.
Cũng tại đây diễn ra lễ tổng kết, trao giải cuộc thi ảnh “Bắc Giang quê hương tôi” năm 2018 và phát động cuộc thi năm 2019; cuộc thi ảnh đẹp “7 ngày khám phá vùng đất thiêng Tây Yên Tử” lần thứ I; trưng bày ảnh đẹp “Bắc Giang quê hương tôi” năm 2017, 2018. Cùng đó là Hội trại văn hóa, du lịch và một số hoạt động hấp dẫn khác.
Huyện Yên Dũng tổ chức lễ rước tượng Phật từ chốn tổ Vĩnh Nghiêm lên chùa Thượng Tây Yên Tử (Sơn Động); trưng bày và giới thiệu Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm - Di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương; giải việt dã leo núi chinh phục đỉnh Non Vua, trong đó có tổ chức cuộc thi ảnh Marathon lần thứ I tại khu Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng.
Ở huyện Lục Nam tổ chức khánh thành đền Hạ thuộc Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ; liên hoan hát Văn lần thứ II; khai hội đền Thần Nông, xã Cẩm Lý. Dịp này, huyện Lục Ngạn tổ chức lễ hội vùng cao Tân Sơn, trong đó có hội hát Soong hao, phiên chợ vùng cao. TP Bắc Giang tổ chức “Ngày thơ Việt Nam” với khoảng 250 đại biểu, nhà thơ trong và ngoài nước tham dự; hội thảo liên kết tour du lịch Tây Yên Tử gắn với vùng cây ăn quả huyện Lục Ngạn.
|
Hệ thống cáp treo Tây Yên Tử đã được nghiệm thu và vận hành. Ảnh Nguyễn Hưởng. |
Lộ trình văn hoá
Không chỉ vậy trong thời gian rất ngắn tới đây, Khu du lịch Tâm linh- Sinh thái Tây Yên Tử sẽ trở thành một điểm nhấn du lịch của tỉnh Bắc Giang, góp phần tạo nên một hành trình du lịch khám phá mới hấp dẫn và nhiều trải nghiệm cho du khách trong và ngoài nước đó theo lộ trình sau:
Lộ trình 1: Hành hương về chùa Bổ Đà. Chùa Bổ Đà ở xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang - danh lam cổ tự nổi tiếng của vùng Kinh Bắc xưa, đây cũng là nơi tu luyện và đào tạo tăng đồ của Thiền phái Lâm Tế và bảo lưu giá trị kiến trúc truyền thống độc đáo của người Việt. Chùa Bổ Đà tọa lạc trên vùng đất linh thiêng thuộc dãy Bổ Đà gắn liền với truyền thuyết người tiều phu đốn củi và Phật Bà Quan Âm Bồ Tát ứng hiện cứu đời. Chùa Bổ Đà tương truyền có từ thời Lý, được tu bổ, tôn tạo và mở rộng vào thời vua Lê Dụ Tông (1720-1729), gồm các đơn nguyên kiến trúc chính: Chùa Tứ Ân, am Tam Đức, chùa Cao, vườn Tháp, ao Miếu và khu vườn chùa.
|
Quần thể di tích chùa Bổ Đà. Việt Yên - Bắc Giang. |
Hiện nay, chùa Bổ Đà còn là nơi bảo lưu hơn 40 pho tượng Phật trong đó phần lớn là tượng Phật cổ thời Lê (thế kỷ XVIII), Nguyễn (thế kỷ XIX) như bộ tượng Tam Thế Phật, tượng A Di Đà, tượng Thích Ca Niệm Sen, tòa Cửu Long, tượng Tam Châu…
Đặc biệt, tại chùa Bổ Đà đang bảo lưu 1.935 mộc bản kinh Phật và 18 bộ sách kinh chính. Mộc bản có niên đại sớm nhất được san khắc vào năm 1740, và muộn nhất vào những năm của thế kỷ XX.
|
Một số bản kinh mộc bản đang lưu giữ tại Chùa Vĩnh Nghiêm. |
Kết thúc lộ trình 1, các du khách, phật tử di chuyển tới lộ trình 2 đó là vào chùa Vĩnh Nghiêm (thôn Đức La, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, Bắc Giang) khách thập phương quá quen thuộc vì đây là nơi lưu giữ bộ mộc bản được công nhận di sản thế giới, còn Thiền viện Trúc lâm Phượng Hoàng giáp trung tâm huyện Yên Dũng, đang được đầu tư xây dựng những công trình Phật giáo lớn nhất cả nước.
|
Một góc chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng, Bắc Giang). |
Sau khi kết thúc 2 lộ trình từ Chùa Bổ Đà (Việt Yên) rồi di chuyển sang chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng) các phật tử di chuyển tới (Lộ trình 3) Khu văn hóa tâm linh Tây Yên Tử với tổng diện tích 13,8 ha thuộc địa bàn xã Tuấn Mậu, huyện Sơn Động nơi có bốn cụm chùa độc lập gồm chùa Trình, chùa Hạ (chùa Phật Quang) và chùa Trung, chùa Thượng (chùa Kim Quy). Các điểm chùa ở độ cao khác nhau, kết nối với chùa Đồng và tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông trên đỉnh Yên Tử (Quảng Ninh).
Như vậy, có thể thấy, tiềm năng du lịch văn hóa tâm linh của tỉnh Bắc Giang đã và đang phát triển mạnh mẽ, bởi sự kết nối giữa các khu văn hóa tâm linh rất chặt chẽ. Con số thu hút hàng triệu lượt du khách du lịch tới Bắc Giang không phải là xa, khi các điều kiện về hạ tầng xã hội, kinh tế ngày càng được đáp ứng.