Thời điểm này hằng năm, khi hàng trăm hecta ruộng dọc theo tuyến đường tránh lũ ĐT-582B huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị mênh mông nước bạc cũng là lúc các loài chim trời như cò, vạc, triết…, thậm chí là các loài chim quý như cò nhạn, già đẫy, bồ nông di cư đến để tìm kiếm thức ăn. Nhưng nay cảnh tượng ấy không còn.
Lý do là gần đây "ma trận" bẫy bắt chim trời của người dân được giăng lên ở nhiều nơi, đe dọa đến môi trường sống của chim trời. Cụ thể, hàng trăm con chim giả, chim mồi còn sống được người dân đặt trên đồng ruộng ngập nước để dụ chim trời sà cánh, đánh bẫy. Đặc biệt là khu vực ruộng đồng thuộc địa phận thị trấn Diên Sanh, huyện Hải Lăng.
Đối với chim giả, phần đầu, cổ được người dân làm bằng gỗ, phần thân uốn bằng tôn kẽm, sau đó sơn màu trắng hoặc nửa trắng nửa đen. Từ trên cao nhìn xuống chúng y như chim thật. Đối với chim mồi như cò, vạc, triết bị cột dây ở chân, cố định vị trí bằng cọc gỗ. Thậm chí có con còn bị khâu mắt. Theo quan sát, mỗi đồng ruộng được đặt từ vài chục đến hơn trăm con chim giả, chim mồi. Xung quanh là các ụ nổi kết bằng cỏ, có bẫy sắt nhạy bén đặt ở bên trên. Gần đó, một chiếc loa nhỏ kết nối với bình ắc quy phát tiếng chim gọi bầy ra rả ngày, đêm.
"Nếu chim trời sà cánh xuống đậu, sẽ bị chiếc bẫy trên kẹp chặt lấy chân không thể thoát được. Hiện nay, các nhà hàng, quán nhậu thu mua các loại chim trời như cò, vạc, triết với giá từ 70.000 - 200.000 đồng/con nên nhiều người dày công đặt bẫy" - một người dân ở thôn 4, thị trấn Diên Sanh nói; đồng thời cho biết vài năm trước, khu vực đồng ruộng dọc theo tuyến đường trên thường xuyên có các loài chim quý di cư đến tìm kiếm thức ăn. Chúng bay rợp trời, đến khi nước rút mới di cư đến nơi khác. Tuy nhiên, năm nay không còn cảnh chim di cư bay đến, có thể do đồng ruộng không còn an toàn với chúng như trước.
Ông Lê Quang Hiển, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hải Lăng, cho biết sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh, ngay lập tức đơn vị đã triển khai các biện pháp ngăn chặn, xử lý. Lực lượng kiểm lâm và chính quyền địa phương đã vận động các hộ dân liên quan tự giác tháo dỡ và ký cam kết không thực hiện các hành vi bẫy bắt chim trời. "Chúng tôi sẽ xử lý dứt điểm tình trạng này để bảo vệ môi trường sống cho chim trời, đặc biệt là các loài chim di cư quý hiếm. Chúng tôi đã yêu cầu kiểm lâm địa bàn phối hợp với chính quyền các địa phương tăng cường kiểm tra và sẽ xử lý triệt để các hành vi đe dọa đến chim trời" - ông Hiển khẳng định.
Tags: