Mới đây, Bộ GT&VT đã ban hành Kết luận thanh tra liên quan đến hoạt động kiểm định an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường đối với phương tiện thuỷ nội địa.
Được biết, trên địa bàn các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Quảng Bình, TP HCM, Cần Thơ có đơn vị đăng kiểm trực thuộc Sở GTVT và Chi cục Đăng kiểm trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN) cùng thực hiện nhiệm vụ kiểm định phương tiện thuỷ nội địa.
|
Ảnh minh hoạ. Nguồn ảnh baogiaothong.vn |
"Mượn" đăng kiểm viên không đúng quy định
Trong thời kỳ thanh tra, các đơn vị đăng kiểm đã thực hiện kiểm định tổng số 1.367 lượt đóng mới, 86 lượt hoán cải, 48 lượt đã đóng mà không có sự giám sát của đăng kiểm, 439 lượt định kỳ, 3.280 lượt hàng năm, 1.715 lượt trên đà và 136 lượt bất thường. Các đơn vị đăng kiểm không có lãnh đạo, đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ bị khởi tố, điều tra liên quan đến hoạt động kiểm định phương tiện thuỷ nội địa;
Các Sở GTVT chưa thực hiện thanh tra về công tác kiểm định phương tiện thuỷ nội địa trên địa bàn.
Cùng với đó, Cục ĐKVN chưa xác nhận năng lực và thông báo cho đơn vị đăng kiểm tỉnh Quảng Bình (khoảng thời gian trước ngày 28 tháng 8 năm 2023) không đúng quy định tại khoản 2 điều 20 Thông tư số 48/2015/TT-BGTVT.
Đáng chú ý, Sở GTVT tỉnh Quảng Bình sử dụng một đăng kiểm viên của đơn vị đăng kiểm khác (sau khi được Cục ĐKVN đồng ý bằng văn bản) để thực hiện kiểm định, Cục Đăng kiểm Việt Nam hướng dẫn cho phép Sở GTVT tỉnh Quảng Bình được sử dụng đăng kiểm viên của đơn vị đăng kiểm khác để thực hiện kiểm định là không đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý theo quy định.
Không chỉ vậy, đơn vị đăng kiểm Cần Thơ cấp 8 giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường không đảm bảo thời hạn theo quy định.
Đơn vị đăng kiểm Cần Thơ phân công đăng kiểm viên Nguyễn Tấn Đạt thực hiện kiểm tra phương tiện vào các ngày 27, 28/12/2022 khi chưa được gia hạn Giấy chứng nhận đăng kiểm viên.
Đăng kiểm viên “phân thân” kiểm tra cùng lúc tại 2 bờ sông
Cơ quan chức năng cũng chỉ rõ, có 4 đơn vị đăng kiểm là Nam Định, Ninh Bình, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ có hồ sơ kiểm định đóng mới hoán cải, không thể hiện việc đã thực hiện kiểm tra điều kiện năng lực của cơ sở đóng mới hoán cải trước khi thực hiện giám sát kỹ thuật theo quy định.
Tại đơn vị đăng kiểm Nam Định, danh mục kiểm tra thiếu hạng mục kiểm tra về “trang thiết bị ngăn ngừa ô nhiễm” (S18-01649, 00087/23S18, S18-01647, 00115/22S18); hạng mục kiểm tra về “Các bơm (không phụ thuộc vào các kiểu chuyển động)” thuộc phần “IV. hệ thống động lực - điện” do đăng kiểm viên vỏ tàu Nguyễn Văn Hùng thực hiện là không phù hợp (quy định phải do đăng kiểm viên máy tàu thực hiện).
Hay như tại đơn vị đăng kiểm Ninh Bình: Danh mục kiểm tra thiếu hạng mục kiểm tra về “máy chính” (S35-00752, 00046/23S35); có một số hạng mục kiểm tra trùng nhau (ở trạng thái nổi và trên đà) như trang thiết bị ngăn ngừa ô nhiễm, bình chữa cháy xách tay, trang bị cứu đắm, trục chân vịt… (S35-00779, 00049/23S35; S35-00776, 00012/23S35; S35-00752, 00046/23S35); thể hiện kết quả đánh giá không cụ thể cho từng hạng mục về phần vỏ tàu; có một số hạng mục kiểm tra không giống nhau tại 2 kỳ kiểm định khác nhau với cùng một phương tiện và cùng một loại hình kiểm định (S35-00816;S35-00756).
|
Đăng kiểm viên “phân thân” kiểm tra cùng lúc tại 2 bờ sông. Ảnh minh hoạ. |
Tại đơn vị đăng kiểm Quảng Bình: Danh mục kiểm tra, biên bản kiểm tra thể hiện dấu bút xoá chữ ký, họ tên tại mục ký, ghi rõ họ tên chủ phương tiện/người cùng tham gia.
Trong khi đó tại đơn vị đăng kiểm TP Hồ Chí Minh, danh mục kiểm tra thiếu hạng mục kiểm tra về “trang bị ngăn ngừa ô nhiễm do nước thải” (S50-02781, 00828/22S50), về “trục chân vịt” (V50-04685, 00288/23S50); có một số nội dung không phù hợp với hạng mục có trên phương tiện nhưng vẫn được ghi nhận kết quả kiểm tra…
Không chỉ vậy, tại đơn vị đăng kiểm Cần Thơ, danh mục kiểm tra thiếu chữ ký của chủ phương tiện, của người cùng tham gia; một số hạng mục kiểm tra không phù hợp với thực tế phương tiện (S65-09926, 00976/23S65 không có “tấm kẽm” nhưng vẫn kiểm tra và đánh giá thoả mãn; S65-10646, 01482/22S65/01 không có đầy đủ trang bị dụng cụ nổi, áo pháp nhưng vẫn đánh giá kết quả thoả mãn).
Cũng tại trạm đăng kiểm Cần Thơ, cán bộ đăng kiểm viên đánh giá hạng mục “hệ thống lái” không thoả mãn (nhưng vẫn đánh giá “thoả mãn” đối với hạng “bánh lái, trục lái, bản lề, ổ đỡ được kiểm tra và thử theo quy định” tại báo cáo kiểm tra, S65-10265, 00802/23S65).
Hay đăng kiểm viên Hoà Quang Thắng thực hiện ghi nhận cùng thời điểm kết thúc kiểm tra tại 2 địa điểm khác nhau (đối diện 2 bên bờ sông, biên bản kiểm tra tại Bến Đăng kiểm và Biên bản kiểm tra tại quận Cái Răng, ghi nhận cùng thời điểm kết thúc kiểm tra là ngày 21/1/2022 lúc 8h00).
Tại TP HCM, Thanh tra Bộ GTVT chỉ rõ đơn vị đăng kiểm và lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM phụ trách lĩnh vực đăng kiểm phương tiện thủy nội địa quản lý chưa chặt chẽ, thiếu kiểm tra, giám sát kịp thời để xảy ra các tồn tại, hạn chế. Các đăng kiểm viên có những tồn tại, hạn chế trong quá trình kiểm định phương tiện gồm Lê Khắc Hùng, Vũ Việt Hà, Nguyễn Văn Bảy, Lữ Công Quý, Nguyễn Văn Kiệt. Tương tự tại Cần Thơ, Thanh tra Bộ GTVT chỉ rõ đơn vị đăng kiểm và lãnh đạo Sở GTVT Cần Thơ phụ trách lĩnh vực đăng kiểm phương tiện thủy nội địa quản lý chưa chặt chẽ, thiếu kiểm tra, giám sát kịp thời để xảy ra các tồn tại, hạn chế. Các đăng kiểm viên có những tồn tại, hạn chế trong quá trình kiểm định phương tiện gồm Nguyễn Tấn Đạt, Hòa Quang Thắng, Lê Quý Cường, Nguyễn Anh Phúc, Trần Văn Thuật. Tại Cục ĐKVN, Thanh tra Bộ GTVT chỉ rõ sự buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát kịp thời để xảy ra các tồn tại, hạn chế liên quan đến hoạt động đăng kiểm phương tiện thủy nội địa. Trách nhiệm thuộc về lãnh đạo Cục ĐKVN phụ trách công tác đăng kiểm phương tiện thủy nội địa và Trưởng phòng Tàu sông thuộc Cục ĐKVN. |
Tháng 1/2024, Bộ Công an đã phát đi thông tin về kết quả điều tra mở rộng về các sai phạm, tiêu cực liên quan hoạt động đăng kiểm thủy nội địa xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, các Chi cục Đăng kiểm. Theo đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP HCM đã ra Quyết định khởi tố 06 bị can là lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam, nguyên là lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam, lãnh đạo và cán bộ Phòng Tàu sông, Cục Đăng kiểm Việt Nam. Các bị can bị khởi tố về hành vi sai phạm liên quan hoạt động đánh giá, cấp đánh giá năng lực cho các cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi phương tiện thủy nội địa. Như vậy, liên quan đến các sai phạm, tiêu cực trong lĩnh vực đăng kiểm thủy nội địa, đến tháng 1/2024 Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP HCM đã khởi tố tổng cộng 35 bị can về các tội “Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Môi giới hối lộ, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Lợi dụng chức vụ quyền trong khi thi hành công vụ”. |