Lễ hội văn hóa dân gian đường phố năm 2016 được tổ chức nhằm khơi dậy đạo lý uống nước nhớ nguồn đối với công lao dựng nước và giữ nước của các vua Hùng, tôn vinh các giá trị văn hóa của vùng Đất Tổ,…
Tin nên đọc
Toàn cảnh buổi Lễ dâng hương Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3
Đền Hùng (Phú Thọ): Thác người đổ về hành hương ngày Giỗ Tổ
Lễ hội Giỗ tổ Hùng Vương 2016: Không có ăn xin
Độc giả bức xúc về văn hóa đi Lễ hội Đền Hùng của giới trẻ
“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng Ba...”
Từ ngàn đời nay, Giỗ Tổ Hùng Vương đã in đậm trong cõi tâm linh của người dân đất Việt. Dù ở phương trời nào, người Việt Nam đều nhớ về ngày này, đều hướng về vùng đất cội nguồn của dân tộc.
Nơi đây chính là điểm hội tụ văn hóa tâm linh của dân tộc Việt Nam, là nơi mọi con dân đất Việt tưởng nhớ, tôn vinh công lao các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước. Đây cũng là biểu tượng của khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam.
Nhân ngày Giỗ tổ Hùng Vương, trong không khí vui tươi, triệu triệu đồng bào hướng về vùng đất Tổ đã diễn ra các hoạt động sôi nổi là Lễ hội văn hóa dân gian đường phố 2016 với rất nhiều chương trình đặc sắc ý nghĩa, tôn vinh những giá trị văn hóa lâu đời vùng đất Tổ.
Với hơn 30.000 du khách tham dự, gần 2.000 diễn viên chuyên nghiệp và không chuyên, Lễ hội văn hóa dân gian đường phố đã khiến không ít du khách “choáng ngợp” về quy mô, cùng sự chuẩn bị kỳ công của ban tổ chức.
|
Lễ hội văn hóa dân gian đường phố năm 2016 nhằm khơi dậy đạo lý uống nước nhớ nguồn với công lao dựng nước và giữ nước của các vua Hùng,... |
Mở màn chương trình là những màn múa lân và múa sư tử đặc sắc của những người con đất Tổ, họ đến từ nhiều địa phương trong tỉnh như phường Gia Cẩm, xã Sông Lô và múa rồng của nhóm Rồng Đông Đô…
Tiếp đó là những màn biểu diễn tập thể, xe mô hình với nhiều biểu tượng gắn liền với truyền thuyết Vua Hùng, là những “Sản vật” của địa phương mà chẳng nơi nào có, được chính những “Nghệ sĩ đường phố” thể hiện lại một cách chân thực nhất, sống động.
Ngoài ra, tiết mục lái xe mô hình mang biểu tượng “Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” đã gợi cho du khách nhiều hoài niệm về thủa đầu dựng nước, giữa nước.
|
Lễ hội có sự tham dự của hơn 30.000 du khách, gần 2.000 diễn viên chuyên nghiệp và không chuyên. |
Sau giây phút hoài niệm về những ngày sơ khai, hình ảnh cha Lạc Long Quân – mẹ Âu Cơ đã tái hiện với sự tích trăm trứng nở trăm người con.
Truyền thuyết lịch sử là thành tố quan trọng đối với tiến trình xây dựng của mỗi quốc gia, dân tộc. Đối với dân tộc Việt Nam, truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ (hay Cha Rồng - mẹ Tiên) có ý nghĩa vô cùng đặc biệt trong suốt chiều dài lịch sử, dựng nước và giữ nước.
Đây là một trong những phản ánh về thời đại Hùng Vương, thời đại mở đầu lịch sử dân tộc, thời kỳ đỉnh cao của nền văn minh cổ xưa của cha ông.
|
Xe mô hình mang biểu tượng “Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” đã gợi cho du khách nhiều hoài niệm về thủa đầu dựng nước, giữa nước. |
Câu chuyện Bánh Chưng - Bánh Giày được kể lại bằng những hình ảnh từ những chiếc xe mô hình nhắc lại đến câu chuyện sự tích “quốc thực” - loại bánh tượng trưng cho “Trời tròn - đất vuông” được gắn với tục thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.
Hai loại bánh này còn gắn với câu truyện huyền sử về lòng hiếu thảo của chàng hoàng tử Lang Liêu thời Hùng Vương dựng nước, sâu xa hơn là ý chí vượt khó, cần cù khẩn hoang, mở cõi, khẳng định chủ quyền đất nước Việt Nam.
Đó là những sản vật giản dị, đậm đà hương vị Việt, ẩn chứa các giá trị văn hóa, tâm linh và còn mang ý nghĩa triết lý nhân sinh sâu sắc.
|
Bức tranh toàn cảnh của Việt Trì nói riêng, Việt Nam nói chung hôm nay đang vẽ nên hình ảnh của một đất nước năng động, trẻ trung, tràn đầy sức sống mới. |
Những sản vật, lễ hội của mảnh đất Phú Thọ cũng được tái hiện với loài cá tiến vua Anh Vũ nức tiếng, hay lễ hội cướp bông - ném chài, lễ Tịch Điền của bà con nông dân.
Quê hương vùng đất Tổ còn khởi sinh ra một “đặc sản” khác là Hát Xoan hay còn gọi là “Khúc Môn Đình” (hát cửa đình), là lối hát thờ thần, tương truyền có từ thời các vua Hùng cũng đã được tái hiện lại trong lễ hội.
Ngoài việc hát Xoan để thờ cúng các vua Hùng, Thành hoàng làng và cầu mùa màng tốt tươi, sức khỏe,… từ thuở xa xưa, người Văn Lang còn coi đây là hình thức để nam nữ giao duyên.
Bức tranh toàn cảnh của Việt Trì nói riêng, Việt Nam nói chung hôm nay đang vẽ nên hình ảnh của một đất nước năng động, trẻ trung, tràn đầy sức sống mới. Đất vua Hùng tụ nhân, tụ thủy, tụ linh đã không phụ công người. Hai từ “nguồn cội” là nơi mỗi người Việt Nam hướng tới, nghĩ tới cũng đều trải qua nhiều cảm xúc.