Quá trình khai báo, cựu Chủ tịch FLC khẳng định: “Bị cáo chưa bao giờ có mục đích chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư”. Theo ông Quyết, việc mua lại doanh nghiệp và thành lập doanh nghiệp là để làm về lĩnh vực xây dựng.
Ngày 23/7, phiên tòa xét xử ông Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch Cty CP Tập đoàn FLC (Tập đoàn FLC) và 49 bị cáo khác về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Thao túng thị trường chứng khoán”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán” tiếp tục diễn ra.
|
Các bị cáo trong phiên toà. |
Bị cáo chưa bao giờ có mục đích chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư
Trả lời HĐXX, bị cáo Trịnh Văn Quyết nói “tôn trọng cáo trạng, đồng ý với cáo trạng”. Theo lời khai của ông Quyết, ông là người chỉ đạo Doãn Văn Phương (cựu TGĐ Tập đoàn FLC) mua lại Cty Green Belt – tiền thân của Cty cổ phần xây dựng FLC Faros, mua với giá bao nhiêu, ông Quyết không nhớ. Ông Quyết thừa nhận những nội dung nêu trong cáo trạng là đúng.
Quá trình khai báo, cựu Chủ tịch FLC khẳng định: “Bị cáo chưa bao giờ có mục đích chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư”. Theo ông Quyết, việc mua lại doanh nghiệp và thành lập doanh nghiệp là để làm về lĩnh vực xây dựng.
“Bị cáo luôn mong muốn có một công ty xây dựng để làm xây dựng cho Tập đoàn FLC. Nếu phát triển hơn nữa thì làm xây dựng cho các công ty ngoài hệ thống FLC”, ông Quyết nói và cho biết, đến thời điểm trước khi bị bắt, ông đã làm được việc đó.
|
Cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết. |
Trước khi dừng lời, ông Quyết nói: “Hành vi của bị cáo như nào, cáo trạng đã mô tả. Bị cáo chấp nhận mọi phán quyết của HĐXX”. Trong vụ án này, ông Quyết bị truy tố về 2 tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Thao túng thị trường chứng khoán”.
Theo cáo trạng, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo thực hiện việc mua Cty Faros, quyết định chỉ đạo góp vốn khống, sử dụng vốn góp khống để thực hiện việc nâng khống, sử dụng vốn góp khống của Cty Faros, đăng ký công ty đại chúng, đăng ký chứng khoán và niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE, bán cổ phiếu ROS hình thành từ vốn góp nâng khống cho nhà đầu tư.
Ngoài ra, ông Quyết còn chỉ đạo thực hiện mở, quản lý, sử dụng các tài khoản chứng khoán, quyết định, chỉ đạo việc cấp khống tiền cho các tài khoản do Trịnh Minh Huế (em gái ông Quyết) quản lý sử dụng để thao túng 5 mã chứng khoán thu lợi bất chính.
Tại tòa, bị cáo Trịnh Thị Minh Huế khai về hành vi tăng vốn điều lệ Cty Faros. Theo lời khai của bà Huế, anh trai giao cho bà chuẩn bị hồ sơ và đưa hồ sơ cho người thân, người quen ký, nhờ họ đứng đứng tên cổ đông, nộp tiền, rút tiền.
Ở hành vi thao túng, bà Huế cũng khai thực hiện theo chỉ đạo của anh trai. “Anh Quyết bảo mượn chứng minh nhân dân (CMND) thì bị cáo làm rồi báo cáo lại. Khi nào anh Quyết bảo và đưa số điện thoại công ty chứng khoán thì bị cáo liên hệ mở tài khoản chứng khoán”, bà Huế nói.
Các hành vi khác bà Huế đều nói thực hiện theo lời ông Quyết. Khi cần mua bán chứng khoán, đầu ngày, ông Quyết sẽ nhắn tin, gọi điện báo dùng tài khoản nào, mua mã nào, giá bao nhiêu, bà Huế đặt lệnh như vậy.
Hàng ngày ông Quyết đều nhắn tin nhiều lần. Cứ khi nào nhận được tin nhắn thì bà Huế sẽ thực hiện đặt lệnh ngay.
Các tài khoản này thường có sẵn tiền để mua bán. Trường hợp không đủ tiền để đặt lệnh, thì theo lời ông Quyết, bà Huế sẽ liên hệ với bị cáo Trịnh Thị Thúy Nga (em gái ông Quyết) ở Cty chứng khoán BOS. Khi tài khoản được cấp đủ tiền, bà Huế sẽ đặt lệnh.
Với nhiều nội dung khác như tổng số tiền bán cổ phiếu ROS của Cty Faros qua sàn HOSE hay tiền bán sử dụng ra sao, số tài khoản thao túng chứng khoán… bà Huế đều khai do thời gian đã lâu không nhớ chính xác. Nhưng bà xác nhận các con số theo cáo trạng truy tố.
Gia đình sẽ dùng toàn bộ tài sản để khắc phục hậu quả
Trong buổi chiều, bà Lê Thị Ngọc Diệp (vợ của bị cáo Trịnh Văn Quyết) được Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân TP Hà Nội đặt nhiều câu hỏi về trách nhiệm dân sự.
Được biết, trước phiên toà diễn ra, ông Quyết đã tác động gia đình nộp khắc phục hậu quả với tổng số tiền hơn 210 tỷ đồng. Trong khi đó, bị cáo Trịnh Văn Quyết bị cáo buộc chỉ đạo bán cổ phiếu mã ROS của Công ty Faros, chiếm đoạt 3.600 tỷ đồng của các nhà đầu tư.
Trả lời trước toà, bà Lê Thị Ngọc Diệp cho biết, tài sản mà phong toả, kê biên trong gai đoạn điều tra vụ án đều là tài sản chung của vợ chồng. Bên cạnh đó, nhiều tài sản cũng đang được thế chấp để vay tiền tại một số nhà băng.
Bà Diệp cho biết, đồng ý dùng toàn bộ tài sản đó để khắc phục hậu quả, vì mong muốn của anh Quyết trong suốt quá trình bị tạm giam là bán tài sản, vay mượn người thân và bạn bè để khắc phục hậu quả vụ án này.
Bà Diệp cho biết tính đến ngày hôm nay (23/7), gia đình thực hiện mong muốn và nguyện vọng của bị cáo Quyết, tiếp tục huy động và vay mượn để nộp khắc phục thêm 25,1 tỷ đồng.