Ông Nguyễn Dung, tức Nguyễn Hữu Thân - người tham gia bảo vệ lễ đài Độc lập 2/9/1945 ở vườn hoa Ba Đình.
Tin nên đọc
11 người chết do TNGT trong ngày nghỉ lễ đầu tiên 2/9
Từ 2/9: CSCĐ Hà Nội không được dừng xe vi phạm lỗi không mang mũ bảo hiểm
Chủ tịch Hà Nội nói gì về không gian đi bộ Hồ Gươm?
Bức chân dung đầu tiên của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Một ngày đầu tháng 8 rực rỡ nắng vàng mấy năm về trước, tôi tới phố nhỏ Nam Ngư. Giữa những khách sạn, nhà hàng nhiều tầng là ngôi nhà cổ một tầng của ông Nguyễn Dung, tức Nguyễn Hữu Thân, ngày đầu cách mạng là đội viên Đội thanh niên xung phong thành Hoàng Diệu, rồi trình sát Sở Liêm phóng Bắc Bộ, bảo vệ lễ đài Độc lập 2/9/1945 ở vườn hoa Ba Đình - thời ấy chưa gọi là quảng trường. Chính vì thế mà trong nhà ông còn treo các bức ảnh chụp lễ đài Độc lập do ông bạn thân Nguyễn Bá Khoản, phóng viên, nghệ sĩ nhiếp ảnh, tặng.
Trước ngày trọng đại
Cuối tháng 8-1945, trên trang nhất các báo hàng ngày tại Hà thành, Ban tổ chức “Ngày Độc lập” cho đăng thông báo: “Ngày 2-9-1945, Chính phủ lâm thời sẽ làm lễ ra mắt quốc dân đồng bào, tuyên bố độc lập tại vườn hoa Ba Đình. Đồng bào nào có nhiệt tâm, muốn góp sức, góp của vào việc tổ chức ngày lễ lịch sử trọng đại này, xin mời đến hội quán Trí Tri ở phố Hàng Quạt gặp Ban tổ chức”.
Hôm sau, hội quán Trí Tri chật kín. Người ghi tên vào các công việc, người cho mượn những thứ cần thiết và từ chối không lấy giấy biên nhận, đều nói: Góp công sức vào nền độc lập nước nhà, sao lại lấy giấy biên nhận?
Sáng thứ bảy 1-9-1945, những anh em nhận nhiệm vụ tỏa đi ngay. Ông Phạm Văn Khoa, giáo viên Ngoại ngữ, sau này là nhà điện ảnh, tới ngay số nhà 22 phố Quang Trung, gặp GS, KTS Ngô Huy Quỳnh, truyền đạt yêu cầu cần làm gấp một lễ đài để hôm sau, chủ nhật 2-9-1945, Bác Hồ và Chính phủ lâm thời ra mắt quốc dân đồng bào. Yêu cầu là lễ đài phải giản dị mà trang nghiêm, đủ chỗ đứng cho khoảng ba chục người.
Theo yêu cầu của ông Quỳnh, ông Khoa lại tới phố Hàng Đào, Hàng Ngang, đề nghị các chủ hiệu bán vải cho mượn những tấm vải đỏ, vải vàng, rồi đến phố Hàng Hành gặp bác Quyến, chủ xưởng mộc, mượn gỗ xà, gỗ ván và cử những thợ bạn giỏi để cùng KTS Quỳnh, hoạ sĩ Đệ dựng và trang trí lễ đài.
Ông Nguyễn Hữu Đang, Trưởng ban tổ chức, cũng vận động được 40 anh em trong Hội Truyền bá quốc ngữ tới giúp việc. Ông Nguyễn Dực, chủ hiệu sửa chữa radio Hàng Bài, mắc micro trên lễ đài, hệ thống loa phóng thanh quanh vườn hoa Ba Đình và các phố lân cận, thường trực dưới gầm lễ đài, theo dõi dòng điện, tiếng loa.
Ông Trần Kim Xuyến, Đổng lý văn phòng Bộ Tuyên truyền, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, ông Lưu Văn Lợi, Trần Lê Nghĩa… phụ trách việc thông tin, làm các khẩu hiệu theo ba thứ tiếng Việt, Nga, Anh bằng giấy trang kim dán trên băng rôn đỏ treo quanh lễ đài. Công nhân nhà máy điện Yên Phụ đưa ánh sáng điện tới nơi thi công lễ đài suốt đêm. Ông Quản Liên cùng đội quân nhạc tập dượt gấp những bài hành khúc hùng tráng.
Lại nói về KTS Quỳnh, sau khi nhận nhiệm vụ, ông vội vã đạp xe đến Ba Đình để quan sát thực địa và xác định sẽ đặt lễ đài trên thảm cỏ xanh hình tròn lớn ở giữa vườn hoa mênh mông.
Đúng trưa, ông vẽ xong ba mẫu thiết kế và cấp trên đồng ý dùng mẫu có dựng cột cờ ở giữa và hai lư hương đặt hai bên, trên bệ cao. Lễ đài làm xong vào trước rạng đông 2-9-1945, mặt hướng về đường Điện Biên Phủ bây giờ và hoàn thành trong thời gian rất ngắn, chỉ khoảng 15 giờ đồng hồ.
Lễ đài cao chừng 4m, cấu trúc theo hình bệ cột cờ thành Thăng Long xưa, bốn mặt hình thang, khung gỗ, gần hết diện tích phủ vải đỏ gấp từng nếp, ở giữa có ngôi sao vàng lớn, phía trên cùng phủ vải vàng, bốn mặt trang trí những đường võng bằng vải đỏ, ở mỗi điểm tiếp giáp tết bông hoa lớn.
Hai mặt hai bên có bệ cao phủ vải đỏ, giữa có ngôi sao vàng, trên bày lư hương lớn bằng gỗ, bên trong đặt đỉnh đồng, việc đốt trầm hương do mấy bô lão sở tại chuyên trách. Các phụ lão ở ngoại thành còn mang cả chiêng, trống đến.
Đứng dưới lễ đài
Khoảng một đại đội thanh niên gồm Giải phóng quân, trinh sát và tự vệ chiến đấu được cử bảo vệ lễ đài. Các anh đứng nghiêm, dàn theo vòng tròn lớn của hai bậc thềm xi măng rộng khoảng 3m, quay mặt ra phía ngoài, tay phải áp vào khẩu súng lục đeo bên sườn, ở tư thế sẵn sàng chiến đấu. Ngày đầu cách mạng nên trang phục chưa thống nhất: người vận trang phục thể thao mùa hè, người mặc quần áo dài, áo sơ mi xắn tay là thẳng nếp, người mặc quân phục bảo an binh màu vàng, đội mũ cát.
Trong nhà ông Dung còn một tấm ảnh đen trắng, ghi hình trong số hai chục trinh sát đến làm nhiệm vụ, có ông đứng ở hàng đầu bên phải, diện sơ-mi-dét, quần soóc, bít tất dài trắng, giày da hai màu, đội mũ phớt nâu vẫn còn giữ đến bây giờ, tay cầm khẩu Browning 7,65, khẩu súng sau này nhiều lần theo ông lập chiến công, trở thành trinh sát giỏi.
Đứng sau là mấy anh bạn người Hà Nội trước Tổng khởi nghĩa đều là đội viên Đội TNXP thành Hoàng Diệu: Nguyễn Xuân Nho - học sinh trường Bưởi, nổi tiếng là trinh sát thuộc Hà Nội như lòng bàn tay, Nguyễn Cao - bạn thân từ hồi ở trường tiểu học, Lê Văn Thủy, Ngô Văn Sơn công nhân.
Ngày Độc Lập tổ chức vào buổi chiều để buổi sáng nhân dân ngoại thành và các tỉnh lân cận kịp về dự. Bà con thổi cơm, thổi xôi nắm đem đi và đi thành đoàn từ lúc nửa đêm. Từng dòng người Hà Nội, vận trang phục mùa hè màu trắng, theo những con đường Phan Đình Phùng, Cửa Bắc, Điện Biên, Hoàng Diệu, Hoàng Hoa Thám, Quán Thánh đổ về vườn hoa Ba Đình, xếp thành từng khối.
Nhiều cụ, nhiều ông bà đội khăn, mặc trang phục truyền thống, tay che ô, hoặc phe phẩy cái quạt giấy. Số đồng bào có mặt ước trên 50 vạn người. Một chiều thu đẹp. Một biển người chưa từng thấy. Một rừng cờ đỏ sao vàng và biểu ngữ.
14h, đoàn xe ô tô của Bác Hồ và các vị trong Chính phủ lâm thời rời Bắc Bộ Phủ, có các chiến sĩ bảo vệ đi xe đạp hộ tống hai bên. Đoàn xe đi qua Tràng Tiền, Hàng Khay, Tràng Thi, Cửa Nam, Điện Biên, lên vườn hoa Ba Đình ngập nắng thu vàng. Nhân dân đổ ra hai bên đường vỗ tay, vẫy chào nhiệt liệt.
Đoàn xe ô tô tiến vào phía sau lễ đài, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời bước lên lễ đài, trong tiếng reo mừng như sấm dậy. Cuộc mít tinh bắt đầu. Đội quân nhạc cử hành trọng thể hành khúc “Tiến quân ca” của nhạc sỹ Văn Cao. Trên lễ đài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đội mũ cát, mặc lễ phục kaki, râu đen, mắt sáng, lần đầu ra mắt đồng bào.
Trước máy phóng thanh, Người đọc Tuyên ngôn Độc lập bất hủ: “Hỡi đồng bào cả nước. Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được.
Trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc…”. Bác ngừng lại, hỏi: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Cả biển người đồng thanh: “Có.. ó…ó…” và khi Người đọc xong Tuyên ngôn Độc lập, tiếng hô vang “Việt Nam muôn năm”, “Tự do muôn năm”, “Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm” tưởng như không dứt.
Từ ngày ấy, những trinh sát người Hà Nội lại cùng với nhân dân cả nước đi vào hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Sau 2 cuộc chiến, ông Dung về lại Hà Nội, công tác trong ngành thương mại và ra đi ở tuổi 85, mang theo những ký ức về Ngày Độc lập hào hùng.