Liên tục xảy ra tai nạn với xe đạp điện
Thời gian qua, nhu cầu sử dụng xe đạp điện ở học sinh và người lớn tuổi tại các địa phương rất nhiều. Kéo theo đó là tình trạng xảy ra các vụ tai nạn liên quan đến xe đạp điện để lại hậu quả nghiêm trọng.
Hiện trường vụ tai nạn ở ngã ba Lộc An. |
Mới đây, vào sáng 25/11, vào 6h, một nữ sinh đi xe đạp điện lưu thông qua ngã ba Lộc An trên QL51 (huyện Long Thành, Đồng Nai) đã xảy ra va chạm với xe đầu kéo. Hậu quả nữ sinh ngã xuống đường, tử vong tại chỗ.
Cách đây không lâu, vào ngày 18/11, một nam sinh 13 tuổi tên N.H.A.K (13 tuổi, học sinh lớp 8/12, Trường trung học cơ sở Tân Phong, thành phố Biên Hòa, Đồng Nai) cũng đã bị tử vong sau khi va chạm với xe tải trên đường Đồng Khởi đoạn ngã ba Trảng Dài. Thời điểm xảy ra tai nạn giao thông, em K điều khiển xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm đã chạy từ làn bên trong (gần vỉa hè) cắt ngang đầu xe tải đi thẳng dẫn tới tai nạn giao thông.
Ngoài ra vào ngày 16/4, trên đường Trần Hưng Đạo đoạn qua thị trấn Định Quán (huyện Định Quán, Đồng Nai) xe tải biển số 70C-096.78 va chạm với xe đạp điện do em N.N.T (nữ sinh lớp 9/6, Trường trung học cơ sở Ngô Thời Nhiệm) điều khiển khiến em này tử vong tại chỗ.
Một vụ tương tự cũng đã xảy ra vào 21/3 tại đường nội bộ khu dân cư Quân đoàn 4, phường Tân Phong (thành phố Biên Hoà) một nam sinh lớp 8 (14 tuổi) cùng bạn đi xe đạp điện thì va chạm với một ô tô 4 chỗ đi cùng chiều. Vụ va chạm khiến hai cháu đi xe đạp điện ngã xuống đường. Lúc này, một xe tải đi theo chiều ngược lại không kịp xử lý đã tông nam sinh lớp 8 khiến nạn nhân tử vong tại chỗ, bạn đi cùng may mắn thoát nạn.
Theo nhiều người dân phản ánh, thực tế hiện nay khi lưu thông trên đường họ phải né học sinh chạy xe đạp điện vì các em chạy rất ẩu, thiếu quan sát, vô tư tạt đầu xe khác, nguy cơ mất ATGT rất cao. Do thiếu kỹ năng nên khi xảy ra các tình huống các em lại chưa thể xử lý trong khi tốc độ xe điện khá nhanh. Điều đó dẫn đến các vụ tai nạn nguy hiểm.
Tuyên truyền nâng cao ý thức tham gia giao thông cho học sinh
Anh Nguyễn Văn Hoàng, ngụ huyện Long Thành cho biết, hiện nay việc đi lại bằng xe đạp điện rất phổ biến nhất là ở trẻ em học cấp hai, cấp ba. Tuy nhiên tốc độ xe khá nhanh nên nguy cơ mất ATGT.
Dù xe đạp điện có tốc độ cũng khá cao nhưng nhiều người vẫn vô tư không đội mũ bảo hiểm. |
Nhiều học sinh chạy xe qua đường rất ẩu, vượt ẩu, bọc đầu xe khác, đội nón bảo hiểm, chạy tốc độ nhanh… nên tình trạng va quẹt nhẹ giữa xe đạp điện, xe máy xảy ra nhiều. “Tiện lợi thật khi các cháu tự đi học nhưng cha mẹ cũng nên theo dõi, quan sát để đảm bảo an toàn cho các con”, anh Hoàng nói.
Tương tự chị Mai Thị Linh ngụ huyện Nhơn Trạch cho rằng xe đạp điện thuận lợi cho các cháu đi lại nhưng ít nhất các cháu phải đủ lớn mới có thể xử lý các tình huống.
“Không thể phó mặc cho con với chiếc xe điện có thể chạy với tốc độ nhanh, rất nguy hiểm. Các cháu học sinh thời gian qua vẫn đang chạy xe rất vô tư, dàn hàng hai hàng ba trên đường, không đội nón bảo hiểm, sang đường vô tội vạ nên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn”, chị Linh nói.
Trên thực tế, hiện nay xe đạp diện do không đòi hỏi giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe cũng như độ tuổi quy định nên thực tế việc kiểm soát loại phương tiện này vẫn còn khó khăn. Do đó, các đơn vị chức năng, các trường đã trực tiếp tuyên truyền đến phụ huynh, dặn dò con em để hướng dẫn con em điều khiển xe đạp điện an toàn, nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông.
Sở Giáo dục và đào tạo Đồng Nai cũng đã có các chỉ đạo đối với Phòng giáo dục và các trường. Trong đó xác định công tác giáo dục ATGT trong trường học là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để bảo vệ các em trước hiểm họa tai nạn giao thông. Tuyên truyền các em về các tình huống khi lưu thông trên đường, ý thức chấp hành luật giao thông như phải đội mũ bảo hiểm, chạy xe đúng phần đường làn đường, lái xe khi đủ tuổi có bằng lái…
Thời gian qua lực lượng chức năng tại các địa phương cũng tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý các vi phạm ở lứa tuổi học sinh để nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông.
Tags: