Luật Thi hành án dân sự (THADS) đã cho phép một số trường hợp hoãn thi hành án. Tuy nhiên, thực tiễn nhiều địa phương khá lúng túng khi áp dụng quy định để giải quyết các trường hợp cụ thể. Nắm bắt khó khăn từ cơ sở, Tổng cục THADS đã hướng dẫn cách xử lý nhưng giải pháp căn cơ hơn thì tới đây phải tính toán thật kỹ.
|
Ảnh minh họa. |
Điểm g khoản 1 Điều 48 Luật THADS quy định về hoãn thi hành án trong trường hợp: Việc chuyển giao quyền và nghĩa vụ thi hành án theo quy định tại Điều 54 của Luật này chưa thực hiện được vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan. Trong khi đó, khoản 2 Điều 54 Luật THADS quy định: Trường hợp người được thi hành án, người phải thi hành án là cá nhân chết thì quyền, nghĩa vụ thi hành án được chuyển giao cho người khác theo quy định của pháp luật về thừa kế.
Hướng dẫn nội dung trên, tại điểm a khoản 3 Điều 4 của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan bao gồm: đương sự chết mà chưa xác định được người thừa kế. Còn tại điểm b khoản 1 Điều 15 của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định: Trường hợp chưa xác định được người thừa kế thì cơ quan THADS thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết tại nơi có tài sản, trụ sở UBND cấp xã nơi có tài sản trong thời gian 03 tháng, kể từ ngày thông báo, niêm yết để người thừa kế biết, liên hệ và thực hiện nghĩa vụ thi hành án của người phải thi hành án để lại; hết thời hạn này mà không có người khai nhận thừa kế thì cơ quan THADS xử lý tài sản để thi hành án.
Như vậy, các quy định của pháp luật trong trường hợp này là chưa thống nhất với nhau, cơ quan THADS phải hoãn thi hành án hay tiếp tục xử lý tài sản trong trường hợp chưa xác định được người thừa kế thì thực tiễn mỗi địa phương xử lý một khác. Thậm chí, có địa phương còn đề nghị bổ sung quy định trường hợp người thứ ba bảo lãnh chết nhưng chưa xác định được người thừa kế.
Cục THADS tỉnh Nghệ An cũng phân tích, trong trường hợp trên nếu ra quyết định thu hồi quyết định thi hành án đối với người phải thi hành án đã chết và ban hành quyết định thi hành án mới đối với người thừa kế là không phù hợp. Bởi vì, khi không xác định được người thừa kế thì đồng nghĩa là không xác định được đối tượng phải thi hành án mới, do đó nếu thu hồi sẽ làm mất hiệu lực của quyết định thi hành án ban đầu. Do vậy, Cục đề nghị sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 Điều 15 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP như sau: “Trường hợp người phải thi hành nghĩa vụ về thanh toán tiền đã chết mà có để lại tài sản nhưng chưa xác định được người thừa kế hoặc không có người thừa kế để thực hiện nghĩa vụ THADS thì cơ quan THADS vẫn tiếp tục tổ chức thi hành án theo nội dung quyết định thi hành án đã ban hành”.
Theo Tổng cục THADS, trong trường hợp chưa xác định được người thừa kế, cơ quan THADS ra quyết định hoãn thi hành theo điểm g khoản 1 Điều 48 Luật THADS. Bởi trong trường hợp không xác định được người thừa kế thì cơ quan THADS không thể chuyển giao quyền và nghĩa vụ thi hành án, nếu phải áp dụng biện pháp cưỡng chế thì trên thực tế không thể áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với người đã chết.