Đơn giản hóa thủ tục hành chính, chú trọng đối với lĩnh vực thuế, hải quan tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện.
Nhằm triển khai các nhiệm vụ Chính Phủ, Thủ tướng Chính phủ giao về cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC), cắt giảm điều kiện kinh doanh tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, thời gian qua, Bộ Tài chính đã ban hành các chương trình, kế hoạch với các nhiệm vụ cụ thể gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị, hướng dẫn các đơn vị tổ chức triển khai một cách đồng bộ và toàn diện đối với tất cả các lĩnh vực.
|
Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính. Ảnh: Phạm Hùng / Báo Kinh tế & Đô thị |
Cải cách hành chính ngày càng đi vào chất lượng
Bộ Tài chính xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật có quy định thủ tục hành chính (TTHC) theo hướng kiểm soát chặt chẽ việc ban hành TTHC, đánh giá tác động TTHC đầy đủ kết hợp với nghiên cứu cắt giảm, đơn giản hóa TTHC chú trọng đối với lĩnh vực thuế, hải quan tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện.
Cụ thể, Bộ Tài chính đã ban hành 20 Quyết định công bố 258 TTHC thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính, trong đó đã sửa đổi, đơn giản hóa 141 TTHC và bãi bỏ 20 TTHC; đề xuất đơn giản hóa đối với 90 TTHC liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tài chính.
190/370 điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tài chính cũng được cắt giảm, đơn giản hóa, đạt 51,4% theo yêu cầu của Chính phủ.
Trên cơ sở đó, Bộ đã kiến nghị sửa đổi 6 Luật và 16 Nghị định của Chính phủ liên quan đến điều kiện kinh doanh nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Bộ Tài chính cũng phê duyệt phương án cắt giảm chế độ báo cáo định kỳ thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tài chính, trong đó đề xuất cắt giảm 122/443 báo cáo, đơn giản hóa 208/443 báo cáo, xây dựng lộ trình đảm bảo 100% báo cáo được thực hiện theo phương thức điện tử.
Bộ Tài chính đã tập trung nguồn lực tài chính nhà nước để giải quyết các nhiệm vụ quan trọng, đúng với chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực cải cách tài chính công, sử dụng tập trung nguồn lực cho các ưu tiên chiến lược với chính sách nhất quán, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực tài chính nhà nước.
Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực hải quan
Tính đến hết tháng 8/2018, đã có 11 Bộ, ngành tham gia Cơ chế một cửa quốc gia với 68 TTHC được kết nối; đã xây dựng, vận hành hệ thống quản lý, giám sát hải quan tại cảng biển, cảng hàng không; triển khai chính thức đề án thu thuế điện tử và thông quan 24/7 tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN).
Với mục tiêu của ngành Hải quan đến 2020 là 100% các TTHC liên quan đến quản lý nhà nước đối với hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) quá cảnh; người và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh được thực hiện thông qua Cơ chế một cửa quốc gia.
Đến năm 2020, công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK được thực hiện theo nguyên tắc chỉ kiểm tra tại cửa khẩu đối với các mặt hàng tác động đến an toàn xã hội, an ninh quốc gia, môi trường đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, phải kiểm dịch hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân.
Đối với các mặt hàng khác, việc kiểm tra về chất lượng, hợp chuẩn, hợp quy chuyển sang hậu kiểm hoặc dựa trên đánh giá mức độ tuân thủ của DN, mức độ rủi ro của hàng hóa theo từng thời kỳ và phải dựa trên hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể; trường hợp không thể ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật thì phải có phương pháp kiểm tra công khai, minh bạch.
Riêng trong năm 2018, Bộ Tài chính cùng các Bộ, ngành phấn đấu hoàn thành kết nối 138 TTHC thông qua, trong đó hoàn thành ít nhất 130 TTHC theo Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP ngày 15/05/2018 của Chính phủ.
Phấn đấu giảm tỷ lệ các lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành xuống dưới 15%; Rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm và thủ tục kiểm tra chuyên ngành.
Ứng dụng Công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính thuế
Trong những năm qua, toàn ngành Thuế đã tập trung, thống nhất thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị về cải cách thủ tục hành chính.
Đặc biệt là việc triển khai quyết liệt, có hiệu quả các Nghị quyết của Chính phủ và của Bộ Tài chính về nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh, được xã hội, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức Quốc tế ghi nhận và được Chính phủ đánh giá cao.
Có được kết quả như trên không thể không kể đến những nỗ lực trong việc ứng dụng những thành tựu của công nghệ thông tin vào mọi hoạt động của ngành Thuế. Cung cấp nhiều dịch vụ cơ bản cho người nộp thuế qua nền tảng giao dịch điện tử
Tổng cục Thuế đã chú trọng cung cấp dịch vụ công trực tuyến thông qua mạng Internet với số lượng TTHC được cung cấp trực tuyến là 123/298 đạt mức 3 trở lên. 63 Cục Thuế và Tổng cục Thuế đều đã có trang thông tin điện tử cung cấp đầy đủ thông tin thuế cho người dân, doanh nghiệp.
Đến nay, Tổng cục Thuế đã cung cấp 7 nhóm dịch vụ công từ mức độ 3 trở lên gồm: Kê khai hóa đơn qua mạng, Kê khai sử dụng biên lai phí, lệ phí qua mạng, Khai thuế qua mạng, Nộp thuế điện tử, eTax Service, Hoàn thuế điện tử, Hệ thống cấp mã chống giả hóa đơn.