Đây là nội dung được Đại biểu Hoàng Ngọc Định - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang nêu trong phiên thảo luận ở hội trường Quốc hội về dự án Luật Nhà giáo. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp.
Trong sáng nay (20/11), tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà giáo.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp.
Điều hành nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, hôm nay ngày 20/11 là Ngày Nhà giáo Việt Nam, Quốc hội dành trọn phiên họp buổi sáng để thảo luận về dự án Luật Nhà giáo.
Phiên họp được truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam để cử tri và Nhân dân theo dõi.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, đây là sự trân trọng của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi đến các thế hệ Nhà giáo và Ngành Giáo dục – những người đã và sẽ đóng góp to lớn cho sự nghiệp trồng người vẻ vang và cao quý.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ lòng tri ân sâu sắc và gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các nhà giáo lão thành, các vị đại biểu Quốc hội đã và đang làm việc trong ngành giáo dục cùng gần 1,6 triệu nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trên mọi miền của Tổ quốc.
|
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp. Ảnh quochoi.vn |
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, dự án Luật Nhà giáo lần đầu được xây dựng là dự án luật điều chỉnh về đối tượng liên quan đến nhiều luật chuyên ngành.
Phạm vi điều chỉnh của dự án luật khá rộng, liên quan đến số đông viên chức là nhà giáo tại các cơ sở giáo dục công lập chiếm tới 2/3 tổng biên chế sự nghiệp của cả nước và đội ngũ ngày càng đông đảo các nhà giáo tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập, thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri.
Trong mối quan tâm chung nhằm thể chế hóa, tạo bước đột phá mạnh mẽ trong thực hiện quan điểm, chủ trương của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra đã rất tâm huyết, trách nhiệm trong nghiên cứu xây dựng và thẩm tra dự án luật.
Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã nhiều lần cho ý kiến về dự án luật.
Tại phiên thảo luận tổ cũng đã có 90 lượt ý kiến phát biểu của các vị đại biểu Quốc hội.
Tại thảo luận sáng nay, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị các vị đại biểu Quốc hội quan tâm 8 vấn đề được nêu trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục.
Trong quá trình thảo luận, đoàn Chủ tịch sẽ mời Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu ý kiến làm rõ thêm các vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm.
Tại phiên thảo luận sáng nay, Đại biểu Hoàng Ngọc Định - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang nêu quan điểm bổ sung quy định nhà giáo được nhà nước hỗ trợ tiền thuê nhà ở khi công tác tại vùng có điều kiện khó khăn.
|
Đại biểu Hoàng Ngọc Định - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang nêu quan điểm tại kỳ họp. Ảnh: quochoi.vn |
Quan tâm đến quy định về chính sách tiền lương, phụ cấp đối với nhà giáo, đại biểu Hoàng Ngọc Định cho biết, tại điểm c khoản 1 Điều 27 dự thảo luật quy định nhà giáo là người dân tộc thiểu số và nhà giáo ở một số ngành nghề đặc thù được ưu tiên trong chế độ tiền lương và phụ cấp cao hơn so với các nhà giáo khác.
Đại biểu cho rằng, việc ưu tiên đối với người dân tộc thiểu số là chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, tuy nhiên đối với người dân tộc thiểu số nói chung đã có nhiều chế độ ưu tiên trong học tập, đào tạo, bồi dưỡng và tuyển dụng.
Việc quy định nhà giáo là người dân tộc thiểu số có chế độ tiền lương và phụ cấp cao hơn so với các nhà giáo khác là chưa phù hợp.
Các nhà giáo có cùng trình độ chuyên môn, cùng năng lực như nhau, cùng công tác trong môi trường như nhau, hoàn thành khối lượng công việc như nhau nhưng lương của nhà giáo là người dân tộc thiểu số tại sao lại cao hơn.
Điều này sẽ tạo ra sự bất bình đẳng về lao động và trái với các quy định của pháp luật về lao động hiện hành; đề nghị các cơ quan soạn thảo cân nhắc kỹ nội dung này.
Tại khoản 2 Điều 28 dự thảo luật quy định: nhà giáo được bảo đảm chỗ ở tập thể, các điều kiện thiết yếu hoặc được thuê nhà ở công vụ theo quy định của luật nhà ở khi đến công tác tại vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Đại biểu cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay trên toàn quốc còn thiếu khoảng 11.000 nhà ở công vụ giáo viên; nhiều công trình nhà ở tập thể, nhà công vụ đã xuống cấp, hư hỏng hoặc rất tạm bợ, chật hẹp.
Đối với các địa phương không có nhà ở công vụ, nhà ở tập thể hầu hết giáo viên phải đi thuê nhà ở tư nhân.
Để bảo đảm điều kiện nhà ở, tạo điều kiện cho nhà giáo yên tâm công tác, tâm huyết và trách nhiệm với nghề, đại biểu đề nghị ban soạn thảo tiếp tục xem xét nghiên cứu bổ sung tại điểm a khoản 2 Điều 28 dự thảo luật theo hướng bên cạnh việc quy định nhà giáo được bảo đảm chỗ ở tập thể đủ các điều kiện thiết yếu, hoặc được thuê nhà ở công vụ theo quy định của Luật Nhà ở; đề xuất bổ sung quy định nhà giáo được nhà nước hỗ trợ tiền thuê nhà ở khi đến công tác ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Cũng trong phiên thảo luận sáng nay, Đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông: Cân nhắc quy định về bảo lưu chế độ, chính sách trong điều động nhà giáo.
|
Đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông: Cân nhắc quy định về bảo lưu chế độ, chính sách trong điều động nhà giáo. Ảnh: quochoi.vn |
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Dương Khắc Mai tán thành cao với sự cần thiết ban hành Luật Nhà Giáo. Góp phần hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu cho biết, điểm a khoản 5 Điều 21 về bảo lưu chế độ, chính sách trong điều động nhà giáo quy định, trường hợp điều động nhà giáo giữa các cơ sở giáo dục công lập, nếu chế độ, chính sách ở vị trí công tác cũ cao hơn chế độ, chính sách ở vị trí công tác mới thì được bảo lưu các chế độ, chính sách của vị trí công tác cũ trong thời hạn tối đa là 36 tháng.
Đại biểu đề nghị cân nhắc việc bảo lưu chế độ, chính sách của vị trí công tác cũ trong thời hạn tối đa 36 tháng, vì cần phải tương đồng với chính sách về cán bộ, công chức, viên chức.
Bên cạnh đó, nhà giáo đã có nhiều chính sách ưu đãi theo dự thảo Luật hiện nay.
Đại biểu đề nghị bảo lưu chế độ, chính sách trong thời hạn 6 tháng hoặc hơn, nhưng không phải là tối đa 36 tháng.
Bên cạnh đó, một số quy định về bảo lưu chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức hiện hành được quy định bằng Nghị định của Chính phủ. Do đó, để phù hợp, đảm bảo tính thống nhất trong các quy định, đảm bảo không luật hóa các quy định thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Bộ, ngành, đại biểu đề nghị giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.
Ngoài ra, đại biểu đề nghị nghiên cứu, rà soát các quy định trong dự thảo luật. Nội dung nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì giao Chính phủ quy định, không đưa các nội dung không thuộc thẩm quyền của Quốc hội vào luật.
Về chính sách tiền lương, phụ cấp đối với nhà giáo, đại biểu tán thành cao với việc lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang, bậc lương hành chính sự nghiệp.
Đại biểu đề nghị việc xếp lương cao nhất trong bậc lương phải đi kèm với chất lượng của nhà giáo, bởi tầm quan trọng, vai trò quyết định của hệ thống giáo viên đối với nâng cao chất lượng giáo dục có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế.
|
Toàn cảnh Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV. Ảnh: quochoi.vn |
Đưa ra ý kiến cần đồng bộ trong các quy định về quản lý nhà giáo, Đại biểu Trần Văn Thức - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đưa ra quan điểm, đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã rất nghiêm túc, trách nhiệm, dành nhiều thời gian để tổ chức các hội nghị, hội thảo, cầu thị lắng nghe, tiếp thu, chỉnh lý nhiều lần để hoàn thiện Luật Nhà giáo.
Đại biểu cho biết, dự thảo Luật đã thể chế hóa được quan điểm, chủ trương của Đảng về vị trí, vai trò của đội ngũ nhà giáo trong sự nghiệp phát triển đất nước.
Các quan điểm, chủ trương xuyên suốt của Đảng qua các kỳ đại hội đều nhất quán trong việc xác định lực lượng nhà giáo là yếu tố quan trọng, cốt lõi, có vai trò quyết định đến chất lượng giáo dục và đào tạo.
Đồng thời, khẳng định rõ là cần tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về giáo dục và đào tạo, tháo gỡ những điểm nghẽn, đặt ra yêu cầu cần sớm xây dựng Luật về nhà giáo.
Về thực trạng hệ thống pháp luật hiện nay, các nhà giáo trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân đang chịu sự điều chỉnh của 6 luật gồm: Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Bộ luật Lao động, Luật Giáo dục, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Giáo dục đại học.
Tuy nhiên, các nội dung về quản lý nhà giáo giữa các luật chưa thực sự đầy đủ và đồng bộ.
Mặt khác, một số bất cập phát sinh trong công tác quản lý nhà nước về nhà giáo hiện nay và việc kiến tạo các chính sách phát triển đội ngũ đột phá cho sự phát triển, nâng tầm quản lý nhà giáo về mặt lý luận cũng như thực tiễn, không thể quy định chung trong các luật hiện hành nói trên.
Theo đại biểu, cả về quan điểm, chủ trương của Đảng lẫn sự quan tâm của xã hội đều xác định vị trí, vai trò quan trọng hàng đầu của Nhà giáo, nhưng thực tế, hệ thống pháp luật sau thời gian dài vẫn chưa có luật riêng về nhà giáo.
Do đó, việc ban hành Luật Nhà giáo là hết sức cần thiết, vừa đáp ứng được yêu cầu thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển đội ngũ nhà giáo, vừa phù hợp với điều kiện thực tế về xây dựng hệ thống pháp luật của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.