Làm việc với lãnh đạo Bộ Công Thương để kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hôm qua (14/11), Bộ trưởng- Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng đã truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Công Thương giải trình, làm rõ thêm nhiều vấn đề, trong đó đặc biệt chú ý vấn đề cơ cấu tổ chức bộ máy và công tác cán bộ.
|
Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ làm việc tại Bộ Công Thương. |
Phải lựa chọn cán bộ đủ tiêu chuẩn
Tại buổi làm việc, Tổ công tác truyền đạt ý kiến của Thủ tướng với 8 vấn đề mà Bộ Công Thương phải làm rõ, giải trình và báo cáo lại Thủ tướng.
Đó là vấn đề cơ cấu tổ chức bộ máy; hiệu quả hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty lớn của Bộ Công Thương, nhất là một số dự án thua lỗ; vấn đề phản ứng chính sách và xây dựng thương hiệu hàng hóa Việt Nam; việc cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước khỏi những lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ; đẩy mạnh các giải pháp cải cách, hoàn thiện thể chế, tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh; công tác quản lý thị trường, chống hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại; vấn đề môi trường liên quan tới các dự án nhiệt điện, thủy điện; xây dựng chiến lược phát triển năng lượng.
Trong 8 vấn đề trên, Tổ công tác nhấn mạnh đến vấn đề cơ cấu tổ chức bộ máy và công tác cán bộ. “Với một Bộ có số lượng công chức, viên chức và người lao động rất lớn như Bộ Công Thương thì vấn đề cơ cấu, sắp xếp lại, hiệu quả các các đơn vị trực thuộc cũng cần phải được xem xét - đặc biệt vấn đề tinh giản biên chế. Thời gian qua, các cơ quan cũng đã kiểm tra công tác tiếp nhận, sử dụng, đề bạt, điều động, luân chuyển cán bộ ở Bộ Công Thương. Công tác cán bộ có vấn đề, Bộ cần nghiêm túc xem xét, rút kinh nghiệm từ nhiệm kỳ trước”- Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ nói.
Thủ tướng cũng nhắc nhở Bộ Công Thương khi cử tham tán thương mại ở nước ngoài phải chọn cán bộ bảo đảm tiêu chuẩn. “Việc cử lái xe sang làm tham tán thương mại, nếu có, phải xem xét kỹ. Một nhiệm vụ lớn như thế, một vị trí quan trọng như vậy thì phải lựa chọn cán bộ đủ tiêu chuẩn, nếu sang đó quan tâm việc riêng hơn việc chung thì không ổn”- Bộ trưởng Mai Tiến Dũng truyền đạt.
Liên quan tới các dự án nhiệt điện, thủy điện, Thủ tướng lưu ý Bộ Công Thương cần hết sức quan tâm xử lý sớm những băn khoăn của người dân địa phương khi phát triển thủy điện. Bên cạnh đó là vấn đề ô nhiễm tại các Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân, Duyên Hải, việc cấp phép xả thải tại các dự án như Formosa.
Làm rõ vai trò, trách nhiệm trong các dự án thua lỗ
Tại cuộc làm việc, Tổ công tác cũng cho rằng dư luận hiện đang rất quan tâm tới hiệu quả hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty lớn của Bộ Công Thương, nhất là một số dự án thua lỗ. Bởi vậy Tổ trưởng Tổ công tác đã đề nghị “phải làm rõ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư với các dự án này ra sao? Phương án xử lý, tháo gỡ, bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn vốn nhà nước thế nào?”.
Giải trình trước Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, những nội dung Thủ tướng nêu là những vấn đề lớn, vừa có tính chiến lược, vừa là những bức xúc lâu nay, đồng thời cho biết, nhiều nội dung sẽ được ông báo cáo giải trình trước Quốc hội tại phiên chất vấn sắp tới.
Vị Bộ trưởng này cũng khẳng định: Bộ đã nỗ lực triển khai cả 486 nhiệm vụ được giao, trong đó 286 nhiệm vụ đã hoàn thành (đúng hạn 222, quá hạn 64); 187 nhiệm vụ đang triển khai trong thời hạn. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn một số khó khăn ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện. Do vậy, đến nay Bộ vẫn còn 13 nhiệm vụ đã quá thời hạn được giao nhưng chưa hoàn thành.
Đối với những khuyết điểm trong công tác bổ nhiệm cán bộ, ông Trần Tuấn Anh thừa nhận đây là “bài học sâu sắc”, đồng thời cho biết, hàng loạt công việc đã được Bộ rà soát, đánh giá và cơ quan này sẽ sớm triển khai theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Về tình trạng cử lái xe đi làm cán bộ tham tán ở nước ngoài, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết: “Thực tế qua kiểm tra tại Bộ Công Thương hoàn toàn không có chuyện này”. Người đứng đầu ngành Công Thương cũng cam kết, cơ quan này sẽ tái cơ cấu bộ máy, cán bộ tại các đơn vị trực thuộc, trong đó có cơ quan thương vụ ở nước ngoài, tinh thần là đổi mới thực chất.
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đã yêu cầu Bộ Công Thương giải trình 13 nhiệm vụ quá hạn chưa hoàn thành, nêu rõ nguyên nhân, những khó khăn, vướng mắc trong triển khai - (nếu có) - và thời gian dự kiến hoàn thành. Tổ công tác sẽ tổng hợp, báo cáo đầy đủ các nội dung này tại phiên họp Chính phủ.