Nhiều doanh nghiệp đầu tư dự án tại Khu kinh tế (KTT) Nhơn Hội (tỉnh Bình Định) đang “khóc ròng” vì dùng cát san lấp nhưng bị áp giá cát tô.
Các văn bản đồng ý, biên bản nghiệm thu đều thể hiện cát san lấp
Theo phản ánh của 4 doanh nghiệp, gồm: Công ty Cổ phần Dịch vụ giải trí Hưng Thịnh Quy Nhơn, Công ty TNHH Phát triển hạ tầng Quy Nhơn, Công ty TNHH Lạc Việt Quy Nhơn, Công ty Cổ phần Tư vấn và đầu tư Pegasus Bình Định, trong quá trình thi công dự án tại KKT Nhơn Hội, do thiếu nguồn vật liệu san lấp mặt bằng nên các doanh nghiệp này đã gửi văn bản đến UBND tỉnh Bình Định, Ban Quản lý KKT tỉnh Bình Định xin chủ trương khai thác cát san lấp trong KKT Nhơn Hội.
Trên cơ sở văn bản của các doanh nghiệp, Ban Quản lý KKT tỉnh Bình Định đã ra các văn bản, gồm: Văn bản số 159 ngày 17/2/2020 về việc vận chuyển cát thừa từ Khu công nghiệp Nhơn Hội (Khu B) đến đổ tại dự án Khu du lịch Hải Giang Merry Land; Văn bản số 596 ngày 13/5/2021 về việc gia hạn thời gian vận chuyển cát thừa từ lô M3, Khu công nghiệp B đến đổ tại dự án Khu du lịch Hải Giang Merry Land; Văn bản số 875 ngày 21/6/2022 về việc khai thác, vận chuyển cát để thi công dự án Khu đất ở phía Nam đường trục KKT nối dài tại lý trình Km2+400; Văn bản số 1302 ngày 7/9/2022 về việc điều chỉnh địa điểm khai thác, vận chuyển cát để thi công dự án Khu đất ở phía Nam đường trục KKT nối dài tại lý trình Km2+400.
|
Nhiều doanh nghiệp có dự án tại KKT Nhơn Hội “kêu cứu” vì dùng cát san lấp nhưng bị áp giá cát tô. |
Ngoài ra, Ban Quản lý KKT tỉnh Bình Định còn ra các văn bản, gồm: Văn bản số 740 ngày 27/5/2022 về việc tiếp nhận cát thừa của công trình hạ tầng kỹ thuật khu dân cư Đông suối Cả, xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn; Văn bản số 1790 ngày 17/11/2022 về việc xem xét, giải quyết kiến nghị của Công ty TNHH Lạc Việt Quy Nhơn liên quan đến vận chuyển cát, đất, đá thừa san lấp mặt bằng dự án; Văn bản số 650 ngày 10/5/2022 về việc khai thác, vận chuyển cát để thi công dự án Khu phức hợp du lịch sinh thái Pegasus Bình Định. Tất cả các văn bản nêu trên đều nêu rõ nội dung là vận chuyển cát thừa.
Cũng theo các doanh nghiệp, tại các biên bản kiểm tra hiện trường cũng như biên bản nghiệm thu khối lượng, Ban Quản lý KKT tỉnh Bình Định đều nêu rõ là san lấp tại đồi cát hiện trạng. Do đó, cát này là cát san lấp.
Tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản lại áp giá cát tô
Điều đáng nói, dù các văn bản nêu trên cũng như các biên bản kiểm tra hiện trường, biên bản nghiệm thu khối lượng đều thể hiện cát san lấp nhưng Hội đồng tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản lại áp giá cát tô. Cách tính này khiến các doanh nghiệp “khóc ròng”.
Do đó, trong tháng 8 vừa qua, các doanh nghiệp nêu trên đã có văn bản gửi UBND tỉnh Bình Định đề nghị xem xét lại việc tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.
Đến ngày 6/9, Ban Quản lý KKT tỉnh Bình Định ra Văn bản số 1430 về việc giải quyết kiến nghị của các doanh nghiệp liên quan đến tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (cát) để san lấp mặt bằng các dự án tại KKT Nhơn Hội.
Tại văn bản này, Ban Quản lý KKT tỉnh Bình Định cho rằng, việc tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được xác định trên cơ sở căn cứ vào trữ lượng khoáng sản, chủng loại khoáng sản và chất lượng khoáng sản thực tế đã khai thác (loại khoáng sản trong Bảng giá tính thuế tài nguyên theo Quyết định số 80/2023/QĐ-UBND ngày 16/12/2023 của UBND tỉnh), thực hiện theo Nghị định số 67/2019/NĐ-CP ngày 31/7/2019 của Chính phủ quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Việc doanh nghiệp xin cát để san lấp mặt bằng là mục đích sử dụng của doanh nghiệp, không phải là cơ sở để tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản… Do đó, kiến nghị của các doanh nghiệp là không có cơ sở để xem xét, giải quyết.
Theo Phụ lục I - Bảng giá tính thuế tài nguyên của Quyết định số 80/2023, giá tính thuế tài nguyên của cát san lấp là 70 nghìn đồng/m3, còn cát tô là 200 nghìn đồng/m3. Như vậy, nếu phải trả tiền theo giá cát tô, các doanh nghiệp phải trả gần gấp 3 lần.
|
Khu vực Ban Quản lý KKT tỉnh Bình Định đồng ý cho Công ty Cổ phần Dịch vụ giải trí Hưng Thịnh Quy Nhơn khai thác cát để san lấp mặt bằng. |
Thấy quyền lợi của mình chưa được đảm bảm, trong tháng 9 vừa qua, các doanh nghiệp tiếp tục có văn bản gửi UBND tỉnh Bình Định kiến nghị việc tính cấp quyền khai thác cát trong KKT Nhơn Hội.
Đến ngày 4/10, UBND tỉnh Bình Định ra Văn bản số 7834 về việc giải quyết kiến nghị của một số đơn vị liên quan tiền cấp quyền khai thác cát trong KKT Nhơn Hội. “Chủ tịch UBND tỉnh giao Ban Quản lý KKT căn cứ các quy định của pháp luật Nhà nước xem xét xử lý, giải quyết trả lời các đơn vị”, văn bản nêu rõ.
Luật sư nói gì?
Liên quan đến vấn đề trên, luật sư Nguyễn Doãn Hồng - Giám đốc Công ty Luật quốc tế Đà Nẵng và cộng sự cho biết, theo quy định tại Điều 5 Nghị định 67/2019/NĐ-CP ngày 31/7/2019 của Chính phủ, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được xác định căn cứ vào giá tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Giá tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được xác định trên cơ sở giá tính thuế tài nguyên theo quy định của pháp luật về thuế tài nguyên tại thời điểm tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.
Đồng thời, tại Khoản 2 Điều 8 Nghị định 67/2019/NĐ-CP cũng quy định việc thẩm định, phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được thực hiện đồng thời trong quá trình tiếp nhận, thẩm định hồ sơ cấp phép khai thác khoáng sản.
Như vậy, để xác định tiền cấp quyền khai thác khoáng sản thì cần xác định loại khoáng sản, giá tính thuế tài nguyên của khoáng sản đó tại thời điểm tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (tức thời điểm tiếp nhận, thẩm định hồ sơ cấp phép khai thác khoáng sản).
“Đối với trường hợp của những doanh nghiệp nói trên, có thể thấy thời điểm những doanh nghiệp này được UBND tỉnh Bình Định cấp phép khai thác cát là từ năm 2020 - 2022. Tuy nhiên, đến năm 2024, UBND tỉnh Bình Định mới ban hành quyết định về việc phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cát làm vật liệu xây dựng thông thường tại KKT Nhơn Hội và căn cứ vào Quyết định số 80/2023 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2024) là chưa phù hợp về thời gian theo quy định của pháp luật”, luật sư Hồng cho biết.
Về xác định loại cát mà các doanh nghiệp được quyền khai thác để tính giá tính thuế tài nguyên, luật sư Hồng cho rằng, căn cứ xác định không phụ thuộc vào mục đích sử dụng cát của doanh nghiệp hay xác định chủ quan của UBND tỉnh Bình Định, mà cần phụ thuộc vào chất lượng theo tiêu chuẩn để xác định loại cát là cát san lấp hay cát xây dựng (cát xây, cát tô).
Tuy nhiên, ngay từ đầu các doanh nghiệp nói trên đều có văn bản xin điều phối, khai thác cát san lấp và được UBND tỉnh Bình Định chấp thuận. Do đó, UBND tỉnh Bình Định cần phải xác định loại cát cấp cho các doanh nghiệp này khai thác là cát san lấp mới phù hợp với các văn bản chấp thuận đã ban hành; đồng thời phải có trách nhiệm bố trí khu vực khai thác cát san lấp cho doanh nghiệp.
Luật sư Hồng cũng cho rằng, UBND tỉnh Bình Định nên ban hành quyết định về việc phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo đúng thời hạn theo quy định của pháp luật. Đây là cơ sở để các doanh nghiệp có thể lường trước và biết được loại cát mình khai thác là loại cát gì và tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là bao nhiêu để quyết định việc khai thác hay không khai thác.
“Việc UBND tỉnh Bình Định cấp phép cho các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trước nhưng không xác định rõ là loại khoáng sản gì và ban hành quyết định về việc phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản sau khi các doanh nghiệp đã khai thác xong là chưa rõ ràng, chưa đảm bảo đến quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp”, luật sư Hồng nói.
Các doanh nghiệp đang mong chờ cách giải quyết thấu tình đạt lý của lãnh đạo UBND tỉnh cũng như cơ quan chức năng tỉnh Bình Định để đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp. Có như vậy, môi trường đầu tư tại KKT Nhơn Hội nói riêng, tỉnh Bình Định nói chung sẽ ngày một tốt hơn, từ đó thu hút nhiều hơn nữa các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.