Từng gây nhiều lùm xùm về việc giao đất vàng cho doanh nghiệp nhưng chỉ thu được rất ít vào ngân sách nhà nước, sau gần chục năm triển khai, đến nay Chủ đầu tư Dự án Khu biệt thự cao cấp xã Quảng Cư (nay là phường Quảng Cư) TP Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa triển khai xây dựng theo quy định.
Theo những thông tin PV thu thập được, Dự án đầu tư Khu biệt thự cao cấp xã Quảng Cư (nay là phường Quảng Cư), TP Sầm Sơn có quy mô diện tích 67.100m2 phía tây bắc giáp đường Thanh Niên cũ, phía đông nam là mặt tiền đường Hồ Xuân Hương ven biển với chiều dài hàng trăm mét do Công ty TNHH điện tử Tin học Viễn thông EITC làm chủ đầu tư.
UBND tỉnh Thanh Hóa đánh giá là “khu đất có lợi thế thương mại cao”, có vị trí đắc địa trung tâm bãi biển Sầm Sơn, được coi là đất vàng, gần quảng trường biển. Giá trị thị trường mặt đường Hồ Xuân Hương khu vực này hiện đang được giao dịch hàng trăm triệu đồng/m2.
|
Quyết định phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 Khu nhà ở và dịch vụ cao cấp Quảng cư được ký từ năm 2016. |
Vậy nhưng trước đó, mở đầu cho việc thực hiện dự án, ngày 21/7/2010, ông Chu Phạm Ngọc Hiển – khi đó là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký Quyết định số 2506 phê duyệt giá sàn đấu thầu dự án. Theo đó, dù được xác định là “khu đất có lợi thế cao về thương mại” trong khi “phần lớn là đất trồng cây phi lao”, nghĩa là phần đền bù, giải phóng mặt bằng sẽ rất thuận lợi nhưng giá sàn được đưa ra… quá bèo, chỉ 3,1 triệu đồng/m2. Mức giá này đã bao gồm chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng. Như vậy, giá đất thực sự chỉ chưa đến 2 triệu đồng/m2.
Đáng nói, dù tổng thể dự án có quy mô 67.100m2, nhưng nhà đầu tư chỉ phải trả tiền cho phần diện tích đất ở là 35.529,8m2, chiếm 52,9% diện tích, phần diện tích khác như đất giao thông nội bộ và quanh khu vực thuộc dự án không phải trả tiền.
|
Dự án Khu biệt thự cao cấp Quảng Cư nhìn từ trên cao, nhà đầu tư sau khi trừ tiền giải phóng mặt bằng chỉ phải nộp vào ngân sách 12,4 tỉ đồng. |
Với cách tính này, nhà đầu tư nếu trúng, chỉ phải trả hơn 110,9 tỉ đồng (bao gồm tiền giải phóng mặt bằng) cho 90 lô biệt thự, mỗi lô diện tích gần 400m2 với đường nội bộ và các công trình công cộng nội khu khác.
Đất vàng, giá bèo như vậy nhưng khi tổ chức đấu thầu, cũng như nhiều dự án khác trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, “chìa khóa vàng” là Điểm b, khoản I, mục I phần thứ hai Thông tư 03/2009/TT-BKH lại được đem ra áp dụng.
Theo đó, dù bán hồ sơ rộng rãi nhưng cuối cùng, chỉ có 01 nhà đầu tư tham gia đấu thầu là Công ty TNHH Điện tử - tin học – viễn thông EITC (Công ty EITC), có địa chỉ tại số 39 Lê Lợi, phường Trường Sơn, TP. Sầm Sơn tham gia. Theo thông tư 03/2009 nói trên, UBND tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện chỉ định nhà đầu tư là Công ty EITC (?!).
Tiếp đến ngày 21/11/2010, ông Trịnh Văn Chiến – thời điểm đó là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa (sau đó ông Chiến làm Chủ tịch UBND tỉnh rồi Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa) đã ký Quyết định số 3338 phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư và xác định giá trị đền bù, giải tỏa là 48 tỉ đồng.
Số tiền sử dụng đất Công ty EITC phải nộp (bao gồm giải phóng mặt bằng) chính là giá sàn UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt là hơn 110,9 tỉ đồng. Với 48 tỉ đồng tiền giải phóng mặt bằng được xác định thì nhà đầu tư chỉ phải nộp vào ngân sách 62,9 tỉ đồng.
|
Hiện trạng dự án mới triển khai các hạng mục như đường, vỉa hè khuôn viên cây xanh mà chưa thấy chủ đầu tư xây dựng được bất kỳ căn biệt thự nào. |
Nhiều người cho rằng, nếu được đấu thầu với nhiều nhà đầu tư tham gia thì số tiền thu vào cho ngân sách sẽ cao hơn gấp nhiều lần.
Không dừng ở đó, số tiền nộp ngân sách tiếp tục bị giảm. Bởi đến ngày 25/9/2014, ông Nguyễn Đình Xứng – thời điểm đó là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký Quyết định số 3147 phê duyệt kết quả đàm phán thương thảo điều chỉnh hợp đồng thực hiện dự án.
Theo Quyết định này, tổng số tiền sử dụng đất được xác định lại là hơn 120,7 tỉ đồng, trong đó, kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được xác định lên tới 108,2 tỉ đồng chứ không phải 48 tỉ đồng như trước đó.
Như vậy, số tiền sử dụng đất nhà đầu tư phải nộp vào ngân sách chỉ là hơn 12,4 tỉ đồng (120,7 – 108,2) cho 90 lô biệt thự nói trên. Một cái giá được cho là quá rẻ mạt cho 90 lô biệt thự ở “đất vàng”. Với vị trí đất vàng này, nhà đầu tư sau khi làm xong hạ tầng có thể thu về hàng nghìn tỉ đồng so với giá thị trường ở thời điểm hiện tại.
Tại Quyết định 3338 của UBND tỉnh Thanh Hóa nói trên, nhà đầu tư là Công ty EITC có trách nhiệm xây dựng hoàn thành đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật và phần thô các công trình nhà biệt thự cao cấp theo mặt bằng quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thời gian triển khai lập và hoàn thành dự án không quá 3 năm tính từ ngày ký hợp đồng.
Vậy nhưng cho đến cuối năm 2021, dự án dù đã được đầu tư làm đường nội bộ, trồng cây xanh nhưng chưa thực hiện xây dựng các công trình như đã được phê duyệt.
Tiếp đến ngày 11/10/2021, UBND tỉnh Thanh Hóa đã đồng ý với đề xuất của Công ty EITC, cho phép gia hạn thực hiện hợp đồng chậm nhất đến ngày 15/11/2023.
Đến ngày 29/12/2023 UBND tỉnh Thanh Hoá tiếp tục ban hành văn bản số 19795 về việc gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng đầu tư dự án có sủ dụng đất Khu biệt thự cao cấp xã Quảng Cư, TP Sầm Sơn.
Nhưng ghi nhận thực thế cho thấy, ngoài những hạng mục đã được Công ty TNHH điện tử Tin học Viễn thông EITC tiến hành làm từ trước như làm hệ thống hạ tầng thì đến nay vẫn chưa thấy căn biệt thự nào được chủ đầu tư triển khai như chủ trương đầu tư.
|
Văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hoá về việc kiểm tra, cung cấp thông tin cho Báo Pháp luật Việt Nam. |
Liên quan đến nội dung này, ngày 1/8/2024 UBND tỉnh Thanh Hoá đã có Công văn số 11085/UBND-VX do ông Hoàng Văn Thi, Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh Thanh Hoá ký gửi Sở Tài nguyên và Môi trường về việc kiểm tra và cung cấp thông tin theo đề nghị của Báo Pháp luật Việt Nam.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị có liên quan căn cứ theo quy định của pháp luật, căn cứ chức năng nhiệm vụ kịp thời kiểm tra, xác minh làm rõ nội dung và cung cấp thông tin trả lời Báo Pháp luật Việt Nam. Đồng thời báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh kết quả kiểm tra, xác minh và những nội dung vượt thẩm quyền theo quy định.
Vậy Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hoá, Sở Tài chính tỉnh Thanh Hoá nói gì về việc tỉnh Thanh Hoá giao đất cho Công ty TNHH điện tử Tin học Viễn thông EITC có dấu hiệu thấp hơn giá thị trường và dự án chậm tiến độ suốt nhiều năm nay.
Hiện nay cả ông Trịnh Văn Chiến nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá, Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Thanh Hoá và ông Nguyễn Đình Xứng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá người trực tiếp ký các Quyết định lựa chọn nhà đầu tư, điều chỉnh hợp đồng tại dự án khu biệt thự cao cấp Quảng Cư cho Công ty TNHH điện tử Tin học Viễn thông EITC đều bị cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hoá ra Quyết định khởi tố bị can, khám xét nơi ở và áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú về tội "Vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí" theo Điều 219 Bộ luật Hình sự vì có liên quan đến dự án tại dự án Hạc Thành Tower cho Công ty Cổ phần Sông Mã với đơn giá 21.000.000 đ/m2 (mức giá này được xác định từ năm 2009), gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước số tiền 55.870.162.500đ. |
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.