Ngư lộc là một xã ven biển của huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa). Trong thời kỳ phong kiến, Ngư Lộc được biết đến với cái tên Làng Diêm Phố.
Ngư Lộc từng là xã có mật độ dân số cao nhất cả nước 36.000 người/km2 (năm 2009), người dân nơi đây sinh sống trong diện trong diện tích chỉ 0,37 hecta. Do đất chật người đông, đã xảy ra những câu chuyện dở khóc dở cười ở vùng biển nghèo này.
Nơi đây là làng ngư nghiệp điển hình của tỉnh Thanh Hóa, với sự đa dạng của các phương thức đánh cá và chế biến hải sản, cũng như truyền thống văn hóa đặc sắc. Nhưng, Ngư Lộc hội tụ quá nhiều yếu tố độc nhất: Mật độ dân số đông nhất, diện tích thấp nhất, không có đất nông nghiệp, không có đất mai táng… những cái “nhất” này là điều chả ai mong muốn.
Phiên bản mới của "phố cổ Hà Nội"
Vùng biển Diêm Phố luôn gây ấn tượng cho những ai lần đầu đặt chân tới. Những ngôi nhà lớn, nhà bé nằm san sát nhau nhìn muốn ngộp thở. Với diện tích 0,37 hecta, sau khi trừ đi diện tích phục vụ cho trường học, công sở, bệnh xá… thì quỹ đất giành cho 3.300 hộ dân còn lại rất ít. Xem ra, nơi đây còn chật hẹp ở cả phố cổ Hà Nội.
|
Căn nhà rộng khoảng 20m2 này là nơi sinh sống của 12 thành viên gia đình chị Thơm. |
Đất chật, nhiều gia đình có hàng 3-4 thế hệ cùng chung sống. Ở thôn Bắc Thọ, gia đình chị Lê Thị Thơm có tới 12 thành viên sống trong diện tích chỉ 20m2.
Dường như diện tích trong nhà quá chật, từ trẻ em đến người lớn đều túa ra đường: họp chợ ngay ven đường, mở hàng quán ven đường, chế biến thủy sản ven đường, vui chơi ven đường… khiến cho các con đường đã chật lại nay lại càng hẹp hơn bao giờ hết.
“Ở mãi cũng quen. Nhà nghèo đất chặt phải chịu thôi. Giờ mấy đứa lớn trong nhà đi làm ăn xa nên bớt đông rồi, tết chúng về là một nhà người. Chỉ ngồi thôi cũng đã đụng nhau” – chị Thơm tỉ tê.
|
Đây là bếp + nơi tắm giặt siêu nhỏ của gia đình bà Nghi |
Chuyện cả gia đình sống chen chúc nhau trong một căn nhà khoảng chục m2, hay 3,4 hộ gia đình cạnh nhau dùng chung một nhà vệ sinh là điều hết sức bình thường của người dân nơi đây.
Khôi hài hơn, những gia đình không có đất xây nhà vệ sinh thì phải đăng ký đi... nhờ nhà hàng xóm. Nếu là ban đêm thì “xả” thẳng ra biển. Bà Đặng Thị Nghi, một hộ dân ở thôn Nam Vương, Ngư Lộc giãi bày: “Nhà được 14m2, chỉ đủ chỗ chui ra chui vào của 5 người, tính toán mãi tôi để ra được tí cái “sẹo” 1m2 để làm chỗ nấu nướng và tắm giặt luôn. Ban ngày chẳng may muốn đi vệ sinh thì chạy về nhà mẹ đẻ cách đây khoảng 2km”.
Vâng, đi 2km chỉ để phục vụ nhu cầu tối thiểu nhất của cuộc sống. Chuyện thật mà như bịa và chỉ có ở nơi đây!
Các hộ dân nơi đây phần nhiều có diện tích từ 8-30m2, có hàng trăm gia đình đang phải sống trong cảnh chật hẹp như gia đình chị Thơm và bà Nghi.
Câu chuyện nhiều gia đình chung nhau một nhà vệ sinh tưởng chừng chỉ có ở Thủ đô. Ít ai ngờ được rằng, ngay tại miền biển nghèo Hậu Lộc lại đang tồn tại một phiên bản khác của Phố cổ Hà Nội.
Đất chật người đông, nhà cửa nằm san sát nhau như nêm với đủ kiểu nhà từ thấp đến cao, siêu mỏng siêu méo... Là vùng đông dân nhất nước, lại là xã nông thôn nghèo, nhưng điều kỳ lạ là mua được đất ở Ngư Lộc còn khó khăn và đắt đỏ hơn cả thành phố.
Tại những chỗ trung tâm và giáp biển lên tới hàng trăm triệu một m2. Nhiều gia đình không thể mua được đất đành phải chấp nhận để con cái đi làm ăn xa và lập gia đình sinh sống trên vùng đất khác.
Mặc dù là vùng nông thôn nhưng nơi đây tuyệt nhiên vắng bóng cây xanh. Trên các con đường bê tông chỉ rộng 1-2m có đủ các loại xe ô tô, xe ba gác, gắn máy, xe đạp, người đi bộ… nhộn nhịp, tấp nập người qua lại không khác gì ở thành phố lớn đông đúc.
Đường làng ngõ xóm giờ học sinh tan tầm rơi vào tình trạng tắc nghẽn giao thông. Vào ngày lễ tết, lượng người đi học và làm ăn từ ở khắp nơi trở về khiến cho câu chuyện giao thông nơi đây bị tắc nghẽn nghiêm trọng chẳng khác gì ở Thủ đô.
Ông Sửu, một hộ dân thôn Nam Vương cho biết: “Ngày tết hiếm người dám đi xe máy, tôi đi bộ mà mất cả tiếng mới về đến nhà hơn 1km”.
Đói nghèo hoành hành
Các con đường nơi đây chỉ rộng 1m, xe máy đi ra phải lùi bước nhường đường cho người đi vào. Có đôi khi người đi xe đạp phải khiêng xe sát tường cho xe máy chạy qua. Đường phố đã chật lại sâu hun hút chẳng khác gì thành phố. Nơi rộng nhất dẫn vào trung tâm xã chỉ khoảng 3m cũng là nơi họp chợ nên luôn trong tình trạng kín người qua lại.
Thiếu thốn đất sinh sống nên xã không còn diện tích để tập kết rác. Tình trạng nhiều người dân thả rác ra biển, cộng với thói quen phóng uế bừa bãi làm cho môi trường biển bị ô nhiễm trầm trọng.
Ông Thảo, một hộ dân khác cho biết thêm: “Nhà nào sinh vài đứa con trai càng khổ hơn, phải lo mua đất xây nhà trong khi xã toàn dân nghèo. Mua được miếng đất làm hết đời chưa đủ”.
Đất đai đắt đỏ là vậy, trong khi đó đa số các hộ dân sinh rất đông con, với tâm lý sinh con trai để bám biển mưu sinh. Đa số những gia đình nghèo không có tiền cho con đến trường, bọn trẻ sẽ được học ở lớp học tình thương của cô giáo Thông trong xã.
|
Trẻ em vui chơi bên những đống rác ven biển. |
Trẻ em trong những ngày hè và sau buổi tan học không có nơi vui chơi. Chúng ra bờ biển, chơi trên những đống rác thải sinh hoạt. Số trẻ em bị mắc các bệnh về mắt, đường ruột, mụn nhọt… không ngừng tăng lên hàng năm.
Điều đáng ngại nữa là xã không có diện tích phục vụ dân sinh, không có đất cấp nhà ở cho dân, mở rộng giao thông, không có đất làm nghĩa trang. Có thôn không còn diện tích để xây nhà văn hóa thôn, công sở của xã, bệnh xá, trường học thiếu quỹ đất để xây dựng…
Đất cho người sống đã khó, đến lúc chết cũng không có chỗ chôn cất. Cả xã chỉ có một nghĩa trang nhưng trong tình trạng quá tải, phải chôn cất nhờ các xã hàng xóm là Hưng Lộc, Minh Lộc. Chưa tính đến hàng năm còn có những người làm ăn ở nơi khác đưa về quê mai táng. “Dân Ngư Lộc phải dùng nhờ nghĩa địa của các xã bên gần 100 năm nay rồi”, ông Nguyễn Văn Ngữ, Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc cho biết.
Có người chua chát nói, lúc sống, thiếu đất đã phải "nhờ" đủ thứ. Đến lúc chết, chỗ đất chôn còn vẫn phải nhờ.
Ông Ngữ cho biết thêm: “Công sở xã, trường học, nhà văn hóa cho các thôn đang bị quá tải. Vừa qua, có Nghị quyết quy hoạch đô thị Diêm phố nhưng không thể thực hiện được, vì không có đất. Cách duy nhất bây giờ là lấn biển thì mới mong cải thiện được tình hình”.
PV phapluatplus đã ghi lại một số hình ảnh về cuộc sống sinh hoạt của người dân trên đất Diêm Phố:
|
Những ngõ nhỏ chỉ rộng khoảng 1m vẫn bị dân lấn chiếm trưng bày hàng hóa. |
|
Đường nhỏ, dân đông, ngày tết không tắc đường... mới lạ. |
|
Học sinh bắt đầu giờ tan trường. |
|
Buổi sáng, phụ nữ đi buôn bán... |
|
... buổi chiều thì chế biến thủy sản. |
|
Biển Ngư Lộc đang "kêu cứu" bởi lượng lớn rác sinh hoạt của người dân đổ ra biển. |