Dân đi “địu” (tìm trầm) không phải lúc nào cũng may mắn trúng được “hàng” để rồi nhanh chóng đổi đời, mà bên cạnh đó có những người đã bỏ mạng nơi rừng cao núi sâu. Những giọt nước mắt của người vợ, người mẹ khóc thương cho người chồng, người con hôm nay đã minh chứng phần nào cho những cay đắng của một đời trầm phu..
|
Ông Sơn kể chuyện với PV. |
Trong cái nắng hanh vàng của một ngày đầu tháng tư ở mảnh đất Vạn Phú, con đường làng nhỏ hẹp đưa chúng tôi tìm đến gia đình của quả phụ Lê Thị Tâm. Khi biết chúng tôi tìm đến gia đình để viết về cuộc đời thăng trầm của chồng bà, bà không muốn tiếp vì sợ quá khứ đau thương hiện về.
Nhưng rồi qua những lời trò chuyện và sự đồng cảm của chúng tôi, bà Tâm bắt đầu kể về cuộc đời đau thương và kém may mắn của cuộc đời mình.
Nước mắt khi mộng đổi đời tan vỡ
Sinh ra trong một gia đình thuần nông nghèo khó, là con út trong nhà, nhưng khi các anh chị đều dựng vợ gả chồng và đi làm ăn xa nên một mình bà phải mò cua bắt ốc để bán lấy tiền nuôi cha mẹ già.
Khi đến tuổi trưởng thành, bà cùng một số chị em tìm vào Khánh Hòa để mưu sinh bằng nghề buôn bán hàng rong.
Trên chuyến xe chiều, bà gặp một người đàn ông tên là Nguyễn Văn Hồng (SN 1948) đang trên đường từ Nha Trang về Vạn Phú. Cảm mến tính tình hiền lành của anh Hồng, nên chị đã đem lòng yêu thương. Tình cảm của hai người nhanh chóng đơm hoa kết quả bằng một đám cưới nhỏ vào một ngày cuối tháng 6/1972.
Tưởng rằng hạnh phúc sẽ mỉm cười với vợ chồng bà, nào ngờ sau khi sinh đứa con gái đầu lòng thì bất hạnh lại ập đến. Vì đứa con bị sinh thiếu tháng nên thường xuyên đau ốm phải nằm viện.
Trong lúc này thì người cha chồng cũng lâm bệnh nặng mà qua đời. Mọi khó khăn chồng chất lên đôi vai của hai vợ chồng bà.
Cũng đúng lúc này, ông Hồng thấy những người hàng xóm trúng trầm có nhiều tiền nên cũng bàn với vợ quyết liều một phen đi tìm trầm.
Nghĩ là làm, ông chạy vạy mượn tiền hàng xóm để lên đường làm nghề phu trầm. Cay đắng thay, những người trong làng vì thấy vợ chồng anh nghèo khó nên không ai dám đưa tiền cho mượn.
Tưởng rằng như thế là cùng đường, nào ngờ vài ngày sau đó có một người ở thôn bên sang ứng cho ông 1 triệu đồng để lấy vốn đi tìm trầm.
Nhưng trước khi đưa tiền, người đó có thỏa thuận với vợ chồng bà Tâm rằng nếu tìm được trầm thì về bán cho người này chứ không được bán ai khác, nếu không thì sẽ đền bù gấp trăm lần số tiền ứng ban đầu này.
Cầm tiền trong tay, ông Hồng ra chợ mua thức ăn khô và 1 túi xách rồi về nhà chuẩn bị lên đường. Cũng trong ngày hôm đó, vợ chồng anh tìm sang những Bầu địu trong làng để xin gia nhập đoàn. Được sự đồng ý của Bầu địu, anh trở về từ biệt vợ con để lên đường.
“Đêm hôm đó hai vợ chồng nói chuyện thì ông ấy bảo rằng vợ con cứ ở nhà đợi chờ tin vui, mình may mắn là sẽ thoát cảnh nghèo khó thôi. Tưởng rằng có thể được đổi đời, nào ngờ đó là lần cuối cùng tôi được nói chuyện với ông ấy”, bà Tâm chua chát kể lại.
“Đổi đời đâu không thấy chứ thấy khổ hơn trăm bề. Từ ngày chồng tôi ra đi là 2 mẹ con chỉ biết vay mượn tiền để mua cơm mắm ăn qua ngày. Ngày nào cũng cầu mong rằng chồng sớm được trở về thôi chứ chẳng mong chi giàu có như lúc trước nữa.
Mọi hy vọng dường như bị dập tắt khi tôi nghe những người đi cùng đoàn với chồng về kể lại là ông ấy đã bị bắn chết, không trở về được nữa. Lúc này tôi như người mất hồn, ngã khụy xuống đất. Giá như ngày xưa biết đi tìm trầm nguy hiểm đến thế này thì tôi đã ngăn ông ấy rồi.
Giờ thì bất hạnh càng thêm chồng chất, ngay cả xác của ông ấy mà tôi cũng không được đưa về để chôn cất đàng hoàng. Nhưng thân đàn bà yếu ớt như tôi biết tìm ông ấy ở đâu bây giờ.
Nghe đâu ông ấy bị bắn chết ở khu rừng Khánh Xương (thuộc tỉnh Đắk Lắk), sợ rằng lúc ấy tôi đi tìm thì lại bị bắn chết như chồng thì ai chăm sóc đứa con nhỏ của tôi”, bà Tâm không cầm được nước mắt kể lại.
|
Bà Tâm đau xót sau ngày chồng mất. |
Những ngôi mộ địu xa xứ
Theo lời ông Nguyễn Trọng Sơn (người đi chung đoàn với anh Hồng) kể lại, sau khi đoàn gồm 8 người tìm đến khu rừng Khánh Xương (thuộc huyện M’Đăk, tỉnh Đắk Lắk) thì bị một đoàn người ở địa phương sấn tới đánh túi bụi.
Vì không quen với địa hình rừng núi ở đây nên cả đoàn tìm cách bỏ chạy mỗi người một hướng hòng thoát thân.
Sáng hôm sau, khi đoàn tìm lại được nhau nhưng không thấy anh Hồng về trại nên đã chia nhau đi tìm. Khi đi sâu vào rừng, cách vị trí hôm qua gặp đám người địa phương không xa, mọi người hốt hoảng khi thấy anh ấy đang nằm bất tỉnh trên một vũng máu.
Sau khi kiểm tra kĩ vết thương thì mọi người xác định anh bị người khác bắn chết bằng súng hơi.
Vì núi rừng xa, lại không muốn để vợ con nạn nhân biết nên người Bầu trưởng quyết định cho lấp đất chôn cất anh ngay tại khu rừng đó. Nhìn thấy cảnh này, nhiều người trong đoàn không còn tâm trí để đi trầm nữa nên lũ lượt kéo nhau về nhà.
Cũng theo như ông Sơn cho biết, chuyện chết chóc đối với những phu trầm là quá bình thường, bởi đó chính là rủi ro của việc mong đổi đời.
“Đã quyết định dấn thân vào cái nghề phu trầm là phó mặc số phận cho trời đất rồi”, ông Sơn nói. Cũng theo ông Sơn, có người vì không chịu được thời tiết khắc nghiệt ở trong rừng sâu núi cao nên sinh ra đau ốm rồi chết. Cũng có người đi kiếm trầm bị rắn cắn giữa rừng nên không cứu kịp.
Ngoài những nguy hiểm rình rập từ thiên nhiên thì dân “địu” còn gặp họa do chính những con người gây ra. Nhiều phu trầm từ khi tìm đến địa bàn khác để tìm kiếm trầm thì bị dân địa phương xua đuổi, đánh đập thậm chí bị bắn chết như trường hợp của ông Hồng.
Thường trong cùng đoàn “địu” thì không bao giờ xảy ra chuyện tranh chấp nội bộ. Khi một người phát hiện được ở đâu có trầm thì gọi những người trong đoàn với mình lại để cùng nhau khai thác. Người nấu ăn hay người đào trầm thì cũng được ăn chia sòng phẳng như nhau.
Tuy nhiên, việc đoàn này phát hiện được nơi có trầm quý thì những đoàn khác lại sang tranh giành, dẫn đến những cuộc đâm chém. Ai cũng muốn được sở hữu món “lộc rừng” nên kết cục là có nhiều người uổng mạng sau những cuộc ẩu đả.
Thế nhưng đáng sợ nhất đối với những phu trầm là bọn “xã hội đen” chuyên trấn cướp, nếu không cướp được gì thì sẵn sàng nổ súng để giết người một cách vô tội vạ.
Thường thì những “tay anh chị” này tập trung ở những đoạn đường mà phu trầm thường hay đi qua, trên tay lăm lăm những con dao và khẩu súng AK.
Trong những năm cuối của thập niên 80, tại những khu rừng ở An Khê (Gia Lai), Núi Lửa (Đắk Lắk), Khánh Xương (Khánh Hòa)... đều có những dân “anh chị” tập trung. Và không ít phu trầm đã bỏ mạng dưới tay bọn chúng chỉ vì không có tiền để đóng “bảo kê”.
“Những người trai trẻ vong mạng trên con đường phu trầm ngày một nhiều thêm. Những giọt nước mắt đau thương của những những người thân cũng không thể vơi đi theo thời gian. Nhưng khi đã vào nghề thì chấp nhận may rủi với nghề. Đã đành là khi may mắn thì có thể đổi đời sau một đêm, nhưng chuyện đó cũng giống như đánh bạc bằng chính mạng sống của mình.
Chỉ thương cho những đứa con phải sống thiếu đi tình thương của cha, những người vợ phải gánh trên đôi vai mình thêm những nhọc nhằn. Dù vẫn biết là chết chóc luôn kề cạnh bên mình, nhưng chưa một người dân địu nào đủ dũng cảm để vứt bỏ đi cái mộng đổi đời đã ăn sâu vào máu”, ông Sơn tâm sự trong nỗi chua chát…