Nếu các bệnh viện chậm cải tiến chất lượng, môi trường, cảnh quan thì sẽ mất dần bệnh nhân, đồng nghĩa với việc mất nguồn thu để tồn tại
Tin nên đọc
Tân dược nhập lậu tràn lan: Sức khỏe người dân đi về đâu?
Đồng hành cùng thực phẩm sạch: "Xúc Xích và Sức khỏe"
Trăng tròn ảnh hưởng đến sức khỏe con người như thế nào?
Chuyên gia sản phụ khoa khuyên Phụ nữ 30 nên quan tâm đến sức khỏe nội tiết
Tại hội nghị CLB Giám đốc bệnh viện (BV) các tỉnh phía Bắc do Bộ Y tế vừa tổ chức, người đứng đầu ngành y tế một lần nữa nhấn mạnh thông điệp các BV cần nghiêm khắc về vấn đề thái độ ứng xử của nhân viên y tế, đồng thời yêu cầu phải đổi mới toàn diện theo hướng xanh - sạch - đẹp.
“Nhiều người kỳ lắm”
Theo tiêu chí chất lượng BV do Bộ Y tế ban hành, người bệnh được sử dụng buồng vệ sinh sạch sẽ và đầy đủ các phương tiện là một trong những yêu cầu để chấm điểm BV.
Cơ sở y tế đạt điểm tối đa (mức 5) là những nơi có buồng vệ sinh có giấy vệ sinh, bồn rửa tay, nước rửa tay, xà phòng, dung dịch sát khuẩn, gương, bảo đảm sạch sẽ, ít nhất một buồng vệ sinh cho 7-11 giường bệnh, ghi nhật ký các giờ làm vệ sinh...
Với hàng loạt yêu cầu này, không nhiều BV ở Việt Nam đạt được điểm tối đa. Trong khi việc sử dụng các nhà vệ sinh là nhu cầu sinh hoạt cá nhân tối thiểu và các phương tiện vệ sinh không bảo đảm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến công tác kiểm soát nhiễm khuẩn thì khảo sát ở rất nhiều BV lớn của Hà Nội, việc vào nhà vệ sinh luôn là nỗi khiếp đảm của không ít người.
Theo ghi nhận của phóng viên, trừ những tòa nhà mới được xây dựng, khu vực vệ sinh ở những BV cũ thường có diện tích hẹp, chỉ vài mét vuông với lượng người ra vào liên tục. Phần lớn nhà vệ sinh của BV bị xuống cấp nghiêm trọng, hư hỏng nhưng không được sửa chữa. Có những nơi, nhà vệ sinh bốc mùi đến mức phải nín thở khi vào.
“Lần đầu tiên bước vào nhà vệ sinh, tôi buồn nôn và ám ảnh đến mức không ăn nổi cơm nhưng vì phải điều trị ở đây nên cố chịu. Bất đắc dĩ mới phải bước chân vào nhà vệ sinh BV” - một bệnh nhân xạ trị ở BV K nói.
Theo một hộ lý BV K trung ương, dù mỗi ngày chị phải dọn tới 4-5 lần và liên tục nhắc nhở người bệnh nhưng hầu hết đều bỏ ngoài tai. “Nhiều bệnh nhân viện cớ phải truyền dịch nên tùy tiện đi vệ sinh ngay ở lối vào phòng vệ sinh. Do lượng bệnh nhân quá đông và phần nhiều ý thức rất kém nên dù được quét dọn thường xuyên nhưng nhà vệ sinh vẫn bị bốc mùi” - hộ lý này than thở.
|
Nhà vệ sinh Bệnh viện K trung ương xuống cấp nghiêm trọng Ảnh: Ngọc Dung |
BS Dương Đức Hùng, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp BV Bạch Mai, cho biết hầu hết người dân đều muốn khám chữa bệnh tại các BV hàng đầu, điều này dẫn đến quá tải BV. “Có những nơi, số lượng bệnh nhân gấp hàng chục lần khả năng đáp ứng của BV. Khu vệ sinh được xây dựng chỉ để đáp ứng nhu cầu sử dụng của 20-30 bệnh nhân nhưng mỗi người bệnh lại có thêm 2-3 thân nhân đi theo phục vụ. Tình trạng quá tải cộng với việc xây dựng cả trăm năm khiến BV xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu của người bệnh” - ông Hùng thừa nhận.
Tại BV Nhi Đồng 1 (TP HCM), số lượng bệnh nhân và thân nhân ở đây rất đông do đặc thù của một BV chuyên khoa nhi nên nhà vệ sinh cũng tương đối nhiều so với các BV khác, bao gồm một số khu lớn và một số buồng vệ sinh lẻ ở các khoa - phòng, tầng lầu.
Một khu vệ sinh lớn đề bảng “nhà vệ sinh miễn phí” ở khu vực nội trú, lượng người ra vào rất đông. Bên trong tuy sạch sẽ nhưng cũng khá “rối” do khu này hay bị thân nhân trưng dụng làm nơi tắm giặt nên những người “có nhu cầu” đành đứng đợi hoặc tìm nơi khác.
“Tôi lau dọn hoài nhưng nhiều người kỳ lắm, dùng xong không chịu dội nước hoặc cứ vứt rác lung tung nên việc dọn dẹp rất vất vả” - chị tạp vụ của BV bức xúc.
Trong khi chúng tôi đang nói chuyện với chị tạp vụ, một phụ nữ nhân lúc bảo vệ không để ý đã thản nhiên cho con trai tiểu vào... bồn cây. “Ở quê, tụi nhỏ “tưới cây” không hà, con nít mà” - người này chống chế.
Theo BS Lê Quang Thanh, Giám đốc BV Từ Dũ TP HCM, môi trường BV xanh - sạch - đẹp vốn là những phần không thể thiếu trong tiêu chí quản lý chất lượng, trong đó có thể kể đến những điều bắt buộc phải có như nhà vệ sinh sạch, hệ thống xử lý nước thải - rác thải y tế hiệu quả, có các mảng xanh.
“Khi xây các khu nhà mới, chúng tôi đã cố gắng thực hiện theo tiêu chí “nhà thông minh”, bao gồm các thiết kế lấy ánh sáng, không khí tự nhiên để thoáng mát hơn và sử dụng năng lượng mặt trời...” - BS Thanh thông tin.
Cần thời gian
Trước yêu cầu đổi mới theo mô hình xanh - sạch - đẹp, lãnh đạo nhiều BV cho rằng sẽ làm được nhưng cần thời gian. Với các khu nhà mới hoặc BV cơ sở 2 đã được đầu tư thì xây công viên, bãi cỏ, vườn hoa... trong khuôn viên là “chuyện nhỏ”.
Thế nhưng, với những BV cũ, đã xây hàng trăm năm lại nằm ở những khu vực “tấc đất tấc vàng” trong nội thành thì đó là chuyện xa xỉ.
“Giường cho bệnh nhân còn đang thiếu, phòng làm việc cho hàng chục nhân viên cũng chỉ 20-30 m2, cả trăm con người chung nhau cái nhà vệ sinh thì làm sao có chỗ trồng cây xanh, làm vườn hoa chiếm 5%-10% tổng khuôn viên BV” - lãnh đạo một BV ở Hà Nội băn khoăn.
PGS-TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế - cho rằng cải tiến chất lượng BV, hướng tới làm hài lòng người bệnh là việc mà các BV cần làm ngay khi giá dịch vụ y tế dần được tính đúng, tính đủ. Nếu BV chậm cải tiến chất lượng, môi trường, cảnh quan thì sẽ mất dần bệnh nhân, đồng nghĩa với việc mất nguồn thu để tồn tại.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, sau hơn 1 năm triển khai chương trình đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh, đến nay, thái độ phục vụ của cán bộ y tế đã có những thay đổi rõ rệt.
Số thời gian khám chữa bệnh tại các BV trung ương giảm được 50 phút, chất lượng khám bệnh có bước chuyển biến. Tuy nhiên, bà Tiến cho biết hiện cả nước chỉ có 3 BV tư đạt chứng nhận chất lượng y tế tầm quốc tế (JCI - Joint Commission International).
“Một trong những nguyên nhân khiến người bệnh ra nước ngoài điều trị là vì nơi đó xanh - sạch - đẹp từ drap trải giường, chỗ ăn uống, đặc biệt là nhà vệ sinh” - bà Tiến nói và đề nghị sớm công khai chất lượng các BV thông qua 83 tiêu chí cũng như đánh giá mức độ hài lòng của người bệnh qua các đợt kiểm tra.
Phải sạch toàn diện Theo nhiều lãnh đạo BV, việc một BV sạch không chỉ là ở nhà vệ sinh, sân vườn… mà còn cả trong những vấn đề liên quan đến công tác chuyên môn, nhất là khâu xử lý nước thải - rác thải y tế và kiểm soát nhiễm khuẩn. “Vừa qua, chúng tôi đã đầu tư nâng cấp hệ thống xử lý nước thải, bảo đảm nước thải y tế đạt loại A; công tác xử lý rác thải y tế cũng luôn được chú trọng. Có 2 khó khăn chính là bệnh nhân quá đông và nhiều khu nhà trong BV đã cũ, trong khi việc cải tạo, xây dựng thêm ở một BV công thì còn phụ thuộc vào vấn đề kinh phí. Tuy nhiên, nhà có thể cũ nhưng chắc chắn là phải giữ sạch sẽ vì điều này còn liên quan đến công tác chuyên môn” - BS Lê Thanh Chiến, Giám đốc BV Trưng Vương, nói. |