![]() |
Bệnh cúm mùa và những biến chứng vô cùng nguy hiểm. (Ảnh LVFH) |
Cúm mùa là bệnh truyền nhiễm đường hô hấp cấp tính, do Influenza virus lây nhiễm vào mũi, họng và phổi. Tại Việt Nam, cúm mùa thường lưu hành quanh năm, nhưng có xu hướng tập trung vào mùa Đông, Xuân. Các chuyên gia cảnh báo, đỉnh điểm mùa cúm có thể rơi vào khoảng tháng 2-4 và tháng 9-10 hằng năm.
Cúm mùa thường diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày. Tuy nhiên, bệnh có thể gây biến chứng hoặc tử vong ở nhóm người nguy cơ cao như người từ 65 tuổi trở lên, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người có bệnh lý nền,...
Các loại cúm phổ biến
Cúm A: Virus cúm A thường xuyên biến đổi và tạo ra nhiều biến chủng mới. Hiện nay, cúm đang được lưu hành là H1N1 và H3N2. Loại cúm này có khả năng lây lan nhanh và gây ra đại dịch cúm.
Cúm B: Giống như cúm A, virus cúm B có thể bùng phát gây bệnh theo mùa, tuy nhiên không gây ra những đợt lây nhiễm lớn.
Cúm C: Virus cúm C gây bệnh với triệu chứng hô hấp nhẹ hơn so với cúm A và cúm B.
Nguyên nhân gây bệnh
Thời tiết: Thời điểm giao mùa là lúc hệ miễn dịch suy yếu, dễ mắc bệnh. Nhất là thời điểm giao mùa thu – đông. Không khí lúc ẩm, lúc hanh khô khiến virus gây bệnh sinh sôi mạnh.
Lây từ người khác: Virus cúm lây lan qua giọt bắn trong không khí khi người bệnh ho, hắt hơi, truyền sang người lành và tồn tại trên các bề mặt, đồ vật là nguồn lây nhiễm chủ yếu.
Hệ miễn dịch: Người có hệ miễn dịch kém như người già, trẻ nhỏ, người mắc các bệnh mãn tính hoặc sử dụng thuốc ức chế miễn dịch cũng rất dễ bị cảm cúm.
Các triệu chứng của bệnh
Người bị nhiễm cảm cúm thường có các biểu hiện ớn lạnh, đổ mồ hôi, ho khan, viêm họng, nghẹt mũi, chảy nước mũi, đau đầu, mệt mỏi, khó thở, nôn mửa, tiêu chảy.
![]() |
Phân loại cảm cúm và cảm lạnh thông thường. (Ảnh: LVFH) |
Khi phát hiện mình và người thân nhiễm bệnh cần:
Hạn chế tiếp xúc với người xung quanh, đeo khẩu trang để hạn tránh lây nhiễm.
Vệ sinh mũi họng, rửa tay sạch, vệ sinh bề mặt xung quanh người bệnh.
Mở cửa sổ, tạo môi trường thoáng khí.
Người bệnh cần nghỉ ngơi, thư giãn, uống nhiều nước, ăn thức ăn mềm, ăn nhiều trái cây, rau xanh.
Không tự ý dùng thuốc chống viêm, kháng virus nếu không có chỉ định của bác sĩ. Nếu triệu chứng nặng nên đến cơ sở y tế để thăm khám, tư vấn và điều trị.
Đối tượng dễ mắc bệnh và biến chứng
Bất kể ai cũng có thể bị mắc cúm mùa, ngay cả những đối tượng khỏe mạnh, chưa từng có tiền sử mắc các bệnh mãn tính.
Các biến chứng nghiêm trọng do cúm mùa gây ra cũng có thể xảy ra ở mọi đối tượng từ trẻ em đến người lớn và các biến chứng này dễ dàng xảy ra hơn, gây ra tình trạng nghiêm trọng hơn ở nhóm đối tượng sau:
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, trẻ em chưa thiết lập đầy đủ hệ thống miễn dịch, cơ thể còn yếu nên sẽ gặp khó khăn hơn trong việc chống lại sự xâm nhập và tấn công của virus cúm.
Người già trên 65 tuổi, do bị ảnh hưởng bởi quá trình lão hóa mạnh mẽ nên hệ thống miễn dịch của những đối tượng này thường có xu hướng phản ứng lại các tác động tiêu cực do virus cúm gây ra kém hơn. Đặc biệt người già thường mắc kèm theo các bệnh nền khác nên nguy cơ mắc cúm cũng cao hơn và biến chứng nặng hơn.
Các đối tượng mắc bệnh mãn tính như tim mạch, tiểu đường, hen suyễn, rối loạn máu, bệnh thận mãn tính, đái tháo đường, bệnh thần kinh… khi mắc cúm có thể gia tăng gánh nặng bệnh tật, biến chứng cao hơn.
Các đối tượng bị suy giảm hệ miễn dịch như bệnh nhân đang dùng thuốc ức chế hệ miễn dịch, phụ nữ đang mang thai.
Các biến chứng thường gặp như: Nhiễm trùng xoang và tai; viêm phổi; viêm phế quản; viêm cơ tim; viêm não; viêm cơ, tiêu cơ vân; suy đa tạng; nhiễm trùng huyết; tình trạng mãn tính xấu đi.
Tags: