Sau gần hai ngày làm việc tích cực với nhiều trình bày và thảo luận chuyên sâu, ngày 6/3, tại tỉnh Ninh Bình, Hội thảo quốc tế “Lượng hoá giá trị Quần thể danh thắng Tràng An và Phát triển thương hiệu của điểm đến Di sản thế giới” đã khép lại với việc ký kết thông qua Thông cáo chung về Đề án Lượng giá giá trị kinh tế Di sản thế giới Tràng An, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của Quần thể Danh thắng theo hướng bền vững.
Phát biểu khai mạc, ông Jonathan Baker, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam bày tỏ vui mừng khi được tham gia cùng các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý Việt Nam và quốc tế đối thoại về “Lượng hoá giá trị Quần thể danh thắng Tràng An và Phát triển thương hiệu của điểm đến Di sản thế giới” nhằm định nghĩa lại cách nhận thức, đo lường và khai thác tiềm năng kinh tế của các di sản thế giới.
 |
Quang cảnh buổi Hội thảo. |
Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam khẳng định: Kể từ khi công bố dự án định giá kinh tế Tràng An vào tháng 10 năm 2024, chúng tôi đã có những bước tiến đáng kể trong việc biến tầm nhìn này thành hành động. Những gì bắt đầu như một ý tưởng đầy tham vọng giờ đã thành hiện thực thông qua nghiên cứu chuyên sâu, sự hợp tác của nhiều bên liên quan và những hiểu biết vô giá của địa phương. Nghiên cứu này xem xét những đóng góp kinh tế của Tràng An trên 4 khía cạnh chính, giúp hiểu rõ hơn về vai trò của di sản trong việc hỗ trợ sinh kế của người dân địa phương, sử dụng đất bền vững và khả năng phục hồi kinh tế lâu dài. Những phát hiện này không chỉ mang tính lý thuyết mà còn định hình tích cực các chính sách và chiến lược không chỉ ảnh hưởng đến tương lai của Tràng An mà còn đóng góp vào cuộc thảo luận toàn cầu về việc tích hợp bảo tồn di sản với phát triển bền vững.
 |
Ông Jonathan Baker, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo. |
Phát biểu chào mừng Hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc ghi nhận, đánh giá cao sự hợp tác của các nhóm chuyên gia liên ngành hàng đầu trong nước và các tổ chức uy tín quốc tế đã thực hiện Đề án quan trọng này theo các quy chuẩn quốc tế. Đồng thời khẳng định: Hội thảo nhằm tiếp tục nhận diện đầy đủ hơn về giá trị lịch sử, văn hoá, kinh tế, thương hiệu của di sản Tràng An, từ đó có những đề xuất giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy hiệu quả, góp phần phát triển du lịch di sản bền vững, khẳng định vị thế của Di sản Tràng An, của Hoa Lư-Ninh Bình trong hệ thống các đô thị di sản thế giới. Ninh Bình cũng là một trong những tỉnh tiên phong trong việc hiện thực hóa kinh tế di sản.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng mong rằng, thông qua Hội thảo sẽ nhận được nhiều ý kiến đóng góp, chia sẻ của các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh, các chuyên gia quốc tế để không chỉ giúp tỉnh Ninh Bình nhìn nhận, đánh giá một cách chính xác, đầy đủ, tổng thể các giá trị kinh tế, thương hiệu của một di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên thế giới tại Việt Nam thông qua đề án lượng giá này, mà còn từng bước xác lập cơ sở khoa học và thực tiễn cho vấn đề nghiên cứu giá trị kinh tế, thương hiệu của các khu di sản thế giới ở Việt Nam và trên thế giới.
 |
Ông Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư , Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình phát biểu chào mừng Hội thảo. |
Sau phiên khai mạc, Hội thảo Khoa học quốc tế tiếp tục với 2 phiên thảo luận: Khía cạnh kinh tế của di sản thế giới - bài học từ các mô hình toàn cầu và định hướng cho di sản thế giới Tràng An; Kinh tế du lịch và kịch bản phát triển bền vững cho di sản thế giới Tràng An và các khuyến nghị chính sách. Bằng cách phân tích cách di sản đóng vai trò vừa là khuôn khổ hướng dẫn vừa là mục tiêu cuối cùng cho phát triển, PGS.TS Phạm Quỳnh Hương, Trưởng Khoa Công nghiệp văn hóa và Di sản, Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội đề xuất: cần để di sản dẫn dắt phát triển thay vì phát triển dựa trên di sản thông qua việc thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa, cân bằng giữa bảo tồn và thương mại hóa, đảm bảo sự tham gia của cộng đồng địa phương và tạo ra các chính sách duy trì di sản trong khi thúc đẩy lợi ích kinh tế.
Ngoài ra, tại phiên thảo luận, các chuyên gia cũng đi sâu phân tích một số nội dung như: Lượng giá kinh tế và chiến lược chính sách cho bảo tồn; các chính sách ưu tiên và cơ hội mới cho phát triển bền vững tại di sản Tràng An; ứng dụng bản đồ GIS trong nghiên cứu lượng giá kinh tế di sản Tràng An... Sau gần hai ngày làm việc tích cực với nhiều trình bày và thảo luận chuyên sâu, Hội thảo đã thành công bước đầu với một số kết quả nghiên cứu chính.
Trong đó đã thông qua được phương pháp lượng giá giá trị kinh tế tổng thể của di sản; lượng giá được tổng giá trị kinh tế (TEV) của khu Di sản thế giới Quần thể danh thắng Tràng An có tổng giá trị ước tính 233 tỷ USD. Con số này được đo lường dựa trên nền tảng của 10 nhóm giá trị cốt lõi bao gồm: Giá trị giải trí; giá trị hệ thống cảnh quan karst; giá trị đa dạng sinh học; giá trị khảo cổ; giá trị rừng đặc dụng Tràng An; giá trị văn hóa đình, đền, chùa; giá trị văn hóa lễ hội; giá trị văn hóa nghệ thuật biểu diễn dân gian; giá trị đất ở có tác động mạnh mẽ từ di sản trong khu vực vùng lõi di sản và giá trị đất ở có tác động từ di sản trong khu vực vùng đệm di sản.
Hội thảo khép lại với việc ký kết thông qua Thông cáo chung về Đề án Lượng giá giá trị kinh tế Di sản thế giới Tràng An. Đây không chỉ là tổng hợp của những kết quả nghiên cứu, kinh nghiệm thực tiễn và khuyến nghị chính sách mà còn là cam kết chung trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của Quần thể Danh thắng theo hướng bền vững; là nền tảng để các bên liên quan tiếp tục hợp tác, thúc đẩy những chính sách thực tiễn, biến nghiên cứu thành hành động, thúc đẩy sự phát triển bền vững trong tương lai.