Nhiều bệnh viện vừa duy trì dịch vụ xe cấp cứu của mình, vừa ký hợp đồng với đơn vị vận chuyển bệnh nhân để thu về một khoản tiền “xếp lốt”.
Tại cổng Bệnh viện Quân y 103 ở Hà Đông, Hà Nội luôn có từ 2 đến 3 chiến sĩ bồng súng làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự. Thế nhưng, cách đây hơn 2 tháng đã vỡ lở một vụ việc nghiêm trọng, khiến dư luận bất bình.
Ngay giữa ban ngày, một tên côn đồ đã hành hung tài xế xe cứu thương ngoại tỉnh vào đón bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối mà bệnh viện trả về.
Sau khi người nhà bệnh nhân nộp tiền bảo kê cho kẻ côn đồ này thì xe cứu thương mới được ra khỏi bệnh viện.
|
Bảo kê xe cứu thương tại viện 103 đang khiến dư luận ồn ào, phẫn nộ. |
Ít ngày sau đó, ông Trần Viết Tiến, Giám đốc Bệnh viện Quân y 103 đã lên tiếng xin lỗi người dân.
“Trước hết bệnh viện xin nhận lỗi về trách nhiệm đảm bảo an ninh trật tự trong khuôn viên bệnh viện, nơi mà bệnh viện quản lý, đã làm ảnh hưởng đến sự an toàn, tâm lý của người bệnh và gia đình người bệnh. Bệnh viện xin khẳng định, không có một thỏa thuận nào giữa cá nhân, tổ chức của bệnh viện với cá nhân, tổ chức bên ngoài nào để bảo kê”, ông Tiến khẳng định chắc nịch.
Điều đáng nói, cách đây hơn 2 năm xảy ra vụ việc tương tự tại Bệnh viện Nhi Trung ương và lãnh đạo bệnh viện cũng phủ nhận tham gia bảo kê, tất cả là do nhân viên bảo vệ của Công ty AZ móc nối với bên ngoài!
Cũng tại Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Bạch Mai, từng xảy ra tình trạng nhân viên bảo vệ có hành vi ngăn cản xe taxi của các hãng khác nhằm bảo kê cho một hãng taxi "độc quyền" đón trả khách trong bệnh viện.
Theo tìm hiểu của phóng viên VOV, nhiều bệnh viện vừa duy trì dịch vụ xe cấp cứu của mình, vừa ký hợp đồng với đơn vị vận chuyển bệnh nhân hoặc hãng taxi nào đó để thu về một khoản tiền “xếp lốt”.
Từ đây nảy sinh những phức tạp, mâu thuẫn khi bệnh viện hoặc đơn vị liên kết tìm cách ép người bệnh sử dụng dịch vụ để tăng nguồn thu nhưng người dân lại lựa chọn dịch vụ phù hợp với mình.
Anh Nguyễn Hoàng Minh, ở Hà Đông, Hà Nội cho rằng: “Theo tôi các bệnh viện vẫn nên có dịch vụ vận chuyển bằng xe cứu thương nhưng không nên áp đặt cho người nhà bệnh nhân nhất thiết phải sử dụng dịch vụ của bệnh viện, mà hãy để người dân lựa chọn dịch vụ phù hợp. Như thế mới đảm bảo quyền lợi của bệnh nhân.”
Theo một số lãnh đạo bệnh viện ở Hà Nội, nếu không ký hợp đồng với đơn vị vận chuyển, bệnh nhân và người nhà sẽ bị bủa vây bởi xe cứu thương và taxi dù.
Mặt khác sẽ không thể chủ động được khi cần đến dịch vụ vận chuyển bệnh nhân vào ban đêm.
Tuy nhiên, vấn đề là số tiền bệnh viện thu về sau kí kết lại mỗi nơi một khác. Tại bệnh viện Bạch Mai có 2 hãng taxi được đỗ một số xe trong khuôn viên. Hàng tháng, mỗi đơn vị hỗ trợ bệnh viện 6 triệu đồng. Nhưng có những bệnh viện số tiền sau ký kết lên tới hàng chục triệu đồng mỗi tháng.
Ông Phạm Đức Huấn- Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết: “Không có sự độc quyền vì chúng tôi vẫn để các xe taxi khác tự do chở bệnh nhân đến bệnh viện, cũng như bệnh nhân không muốn đi hãng taxi ABC thì người ta có thể gọi hãng khác đến và các xe khác vẫn có quyền vào bệnh viện đón bệnh nhân. Tuy nhiên, các taxi đó không được dừng lâu trong bệnh viện. Lực lượng bảo vệ sẽ nhắc nhở các lái xe sau khi đón, trả khách phải nhanh chóng ra khỏi khuôn viên bệnh viện để tránh ùn tắc”.
Ông Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, từ tháng 10/2016, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn quản lý dịch vụ vận chuyển bệnh nhân, yêu cầu các cơ sở y tế chấn chỉnh, hủy bỏ những quy định nội bộ về hạn chế người nhà bệnh nhân lựa chọn dịch vụ vận chuyển người bệnh ra viện, xin về trong trường hợp không cần trợ giúp y tế.
Với các trường hợp chuyển viện hay cấp cứu cần sự trợ giúp y tế phải giải thích cho người nhà bệnh nhân cần sử dụng xe chuyên dụng. Việc ký kết hợp đồng vận chuyển bệnh nhân phải tiến hành đấu thầu công khai, minh bạch.
“Hiện nay ở một số bệnh viện có hiện tượng cò, ép người bệnh sử dụng dịch vụ và ép giá. Giữa đơn vị được cấp phép và đơn vị không chính thống cạnh tranh với nhau, thậm chí xảy ra những tiêu cực, tranh giành, sẽ rất khổ cho người bệnh, tạo nên tình trạng lộn xộn. Chính vì vậy bệnh viện phải kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ”, Thứ trưởng Tiến cho hay.
Thời gian qua, nhiều nơi đã buông lỏng việc kiểm tra, giám sát thực hiện các dịch vụ vận chuyển bệnh nhân tại bệnh viện nên mới để xảy ra những vụ côn đồ hoặc nhân viên bảo vệ ngăn cản xe cứu thương và taxi từ bên ngoài vào nhằm bảo kê cho một đơn vị, cá nhân nào đó. Rõ ràng bệnh viện không thể vô can.
Mặc dù Bộ Y tế đã có hướng dẫn quản lý những dịch vụ này, nhưng nếu bệnh viện nào tận thu, không thực sự quan tâm đến quyền lợi của người bệnh hoặc không giám sát chặt chẽ việc thực hiện các dịch vụ thì những sự việc không hay như vừa qua tại Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Quân y 103 vẫn có thể xảy ra.