Liên quan đến quy định về trình độ chuẩn của nhà giáo, tại Điểm c, Khoản 1 Điều 72 Luật Giáo dục năm 2019 nêu rõ: “Có bằng thạc sĩ đối với nhà giáo giảng dạy trình độ đại học; có bằng tiến sĩ đối với nhà giáo giảng dạy, hướng dẫn luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ.”
Theo quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 5, Điều 6 Thông tư 40/2020/TT-BGDĐT tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng, giảng viên phải có bằng thạc sỹ trở lên phù hợp với vị trí việc làm, ngành hoặc chuyên ngành giảng dạy.
Trở lại với trường hợp của trường Cao đẳng Kỹ nghệ II, theo thông tin bạn đọc phản ánh, ngày 4/8/2021, ông Bùi Văn Hưng có bản Đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Phó Giáo sư gửi Hội đồng giáo sư cơ sở (Đại học Thái Nguyên) ngành Quản lý giáo dục.
Theo đó, ông Hưng có bằng Đại học chuyên ngành Điện năm 2002; bằng Thạc sỹ chuyên ngành Tâm lý học và Thực hành hướng nghiệp năm 2009; bằng Tiến sỹ chuyên ngành Quản lý Giáo dục năm 2014.
Và đến năm 2022, ông Hưng được Chủ tịch Hội đồng giáo sư Nhà nước công nhận Phó Giáo sư ngành Giáo dục.
Theo tiêu chuẩn chức danh Phó giáo sư, người tham dự phải có 12 năm tham gia đào tạo, bồi dưỡng từ trình độ đại học trở lên (trong đó khai cụ thể ít nhất 6 năm học, có 3 năm học cuối liên tục tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ.
Về tiêu chuẩn chức danh Phó Giáo sư đã được quy định tại Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ: “Giảng viên đã có trên 10 năm liên tục làm nhiệm vụ đào tạo từ trình độ đại học trở lên tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ mà trong 03 năm cuối có thời gian không quá 12 tháng đi thực tập, tu nghiệp nâng cao trình độ thì thời gian này không tính là gián đoạn của 03 năm cuối.”
Ngoài ra, phải có ít nhất 06 năm, trong đó phải có 03 năm cuối liên tục tham gia đào tạo, bồi dưỡng từ trình độ đại học trở lên tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ.
Tại bản Đăng ký này, ông Hưng kê khai giảng dạy đại học cho các sinh viên học chuyên ngành Điện cho Trường Đại học Điện lực.
Như vậy, trong bản đăng ký này ông Hưng xin được phong Phó Giáo sư chuyên ngành Giáo dục, nhưng lại kê khai thời gian giảng dạy chuyên ngành Điện. Việc này được phản ánh là không phù hợp với quy định.
Được biết, Phó giáo sư Hưng được Viện nghiên cứu Quốc gia về lao động và Định hướng nghề nghiệp của Cộng hòa Pháp (Viện CNAM) cấp bằng thạc sỹ vào ngày 14/1/2010.
Đây là lớp học liên kết đào tạo giữa Viện CNAM với một trường đại học tại Hà Nội. Theo chương trình, các học viên học tập có phiên dịch và tham gia học tập 100% tại Việt Nam.
Phó Giáo sư Hưng nghiên cứa sinh tại một trường đại học ở Hà Nội, theo bảng đăng ký xét duyệt của Phó Giáo sư Hưng sử dụng chứng chỉ môn học sau đại học với nội dung “Đã học xong môn Anh văn tương đương trình độ C” do trường Đại học khoa học xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh cấp năm 2004.
Tại Điều 22 (Yêu cầu đào tạo về trình độ ngoại ngữ trước khi bảo vệ luận án) của Thông tư 10/2009/TT-BGDĐT (Ban hành quy chế đào tạo tiến sỹ) có nêu: Trước khi bảo vệ luận án, nghiên cứu sinh phải có (tối thiểu) chứng chỉ tiếng Anh TOEFL iBT 61 hoặc TOEFL ITP (nội bộ) 500 điểm hoặc IEL TS 5.0 trở lên hoặc tương đương.
Trình độ ngoại ngữ tương đương được xác định theo tiêu chuẩn B1, B2 của Khung Châu Âu Chung (Common Euroupean Framework – CEF, Phụ lục III).
Đặc biệt, theo phản ánh, đây là chứng nhận “Đã học xong môn Anh văn tương đương trình độ C” không phải là chứng chỉ, chứng nhận này có giá trị nội bộ cho học viên khi kết thúc môn học hoặc hết học phần.
Mặt khác, trong hồ sơ bằng cấp Phó giáo sư Hưng khai báo trong Sơ yếu lý lịch khoa học, Phó Giáo sư Hưng không hề khai báo một văn bằng nào được trường Đại học khoa học xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh cấp.
Ngoài ra, trong phần kê khai Kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ đã công bố (bài báo khoa học, báo cáo khoa học, sáng chế/giải pháp hữu ích, giải thưởng quốc gia quốc tế) của bản Đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Phó giáo sư, có 2 bài báo do ông Hưng xác nhận đã đăng trên Scopus tạp chí International Journal of Innovation, Creativity and Change (tạp chí này từ năm 2020 đã không nằm trong hệ thống Scopus).
Đồng thời, công trình đăng tải và xuất bản chương sách trên Nhà xuất bản Akinik đã được công bố là trang tạp chí không uy tín (giả mạo trang uy tín) và được cảnh báo trên toàn thế giới (https://scholarlyoa.com/list-of-predatory-publishers-2014/).
Liên quan đến sự việc, phóng viên đã liên hệ với ông Bùi Văn Hưng, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kỹ nghệ II để làm rõ thông tin bạn đọc phản ánh, nhưng không được bất cứ phản hồi nào.
Liên quan đến đơn phản ánh đối với ông Bùi Văn Hưng, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kỹ nghệ II, Ban Tuyên giáo Trung ương đã có công văn số 4803-CV/BTGTW gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc chuyển đơn thư.
Theo đó, sau khi nhận được đơn của cán bộ trường, công tác tại Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II, Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị Bộ Lao Động - Thương binh và Xã hội xem xét, chỉ đạo giải quyết theo thẩm quyền và thông báo cho Ban tuyên giáo biết kết quả giải quyết.
Với những điểm được cho là bất thường như trên, rất cần các cơ quan chức năng như Bộ Giáo dục & Đào tạo, Bộ Lao động Thương binh & Xã hội vào cuộc làm rõ.
Ngày 08/6/2012, Thanh tra Chính phủ có ban hành Kết luận 1376 về công tác quản lý nhà nước trong việc liên doanh, liên kết đào tạo đại học và sau đại học của Bộ Giáo dục & Đào tạo; việc liên doanh, liên kết đào tạo đại học và sau đại học của Đại học Quốc gia Hà Nội giai đoạn từ 2006 – 2010.
Tại bản kết luận này, Thanh tra Chính phủ đã nêu rõ: “Đối tượng tuyển sinh các chương trình liên kết đào tạo thạc sỹ chỉ yêu cầu tốt nghiệp đại học, không yêu cầu cùng khối ngành nhưng không yêu cầu học chuyển đổi, chương trình đào tạo thạc sỹ xét tuyển cũng không yêu cầu về trình độ ngoại ngữ. Những chương trình liên kết không tổ chức thi tuyển sinh là vi phạm tại Nghị định 18/2001/NĐ-CP và Thông tư số 15/2003/TT-BGD&ĐT”.