Những nội dung chính có trong bản tin: Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên tiếp tục leo thang; Lộ diện 2 ứng cử viên Tổng thống Pháp...
Tin 1: 100 ngày đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Donald Trump
|
100 ngày của Tổng thống Mỹ Donal Trump. (Ảnh: Reuters) |
Ngày 20/1, ông Trump thực hiện nghi thức tuyên thệ trong lễ nhậm chức của ông tại Điện Capitol ở thủ đô Washington để trở thành Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ cùng lời hứa về kế hoạch 100 ngày đầy tham vọng mà bản thân đã đề ra trong thời kì tranh cử.
Ngày 28/4, Tổng thống Donald Trump đã cán mốc 100 ngày nắm quyền đầu tiên tại Nhà Trắng. Trong 3 tháng cầm quyền, đã có rất nhiều sự kiện chưa từng có tiền lệ đã xảy ra tại Nhà Trắng dưới sự cầm quyền của của vị tổng thống này.
Ông đã để lại dấu ấn bằng một loạt chính sách gây tranh cãi, những tuyên bố đáng chú ý và cả những quyết định làm chấn động chính trường thế giới, với mục tiêu biến khẩu hiệu “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” thành hiện thực.
Trong hơn 3 tháng đầu tiên cầm quyền, ông Trump đã đưa ra hàng loạt các biện pháp hành pháp là lập pháp mới mang dấu như: tạo ra hơn 500 000 việc làm, giảm 61% số vụ vượt biên trái phép, ký 30 văn bản hành pháp, bổ sung 28 đạo luật vào bộ luật hiện hành..
Ông Trump đã quyết định xây dựng tường biên giới với Mexico, rút khỏi hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, hạn chế nhập cảnh đối với công dân 7 nước có người Hồi giáo chiếm đa số, thay thế chương trình bảo hiểm y tế Obamacare. Đó là những đề xuất đáng chú ý và gây tranh cãi nhất của ông Trump trong 100 ngày cầm quyền đầu tiên.
Sự thay đổi lớn nhất giữa cam kết tranh cử và triển khai thực tế triển khai chính sách đối ngoại của ông Trump đó là khi tranh cử, ông sẽ thực hiện chủ trương “Nước Mỹ là trên hết”, giảm cam kết, hỗ trợ với các đồng minh bên ngoài, đe dọa rút khỏi công việc quốc tế mà Mỹ vẫn tham gia, nhưng thực tế, trong 100 ngày đầu cầm quyền, ông Trump lại có một số động thái nhằm ra tăng sự can dự trong các công việc ở bên ngoài như không kích Syria, thả bom Afghanistan, quan điểm cứng rắn với Trung Quốc đã chuyển sang mềm dịu hơn, chính quyền ông Trump không còn đánh giá thấp vai trò của khối Nato như trước…
Tin 2: Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên tiếp tục leo thang
|
Triều Tiên tổ chức phô diễn sức mạnh hỏa pháo. (Ảnh: AFP) |
Ngày 25/4, Triều Tiên đã tổ chức màn phô diễn sức mạnh hỏa pháo hoành tráng để kỷ niệm 85 năm ngày thành lập quân đội, giống như một thông điệp đáp trả cảnh báo của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Đích thân nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã giám sát cuộc tập trận. Những khẩu pháo dùng cho chiến tranh trên bộ như lời nhắc nhở rằng Seoul và căn cứ Mỹ dễ dàng trong tầm ngắm.
Mỹ đã liên tiếp phản ứng, bắt đầu các cuộc tập trận hải quân chung với Hàn Quốc và Nhật Bản trong khu vực. Nước này cũng đã điều cụm tàu tấn công do hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson dẫn dầu tới bán đảo Triều Tiên .
Hôm 26/4, Nhà Trắng tổ chức một cuộc họp về Triều Tiên, yêu cầu toàn bộ các thành viên Thượng viện có mặt, cùng với Ngoại trưởng Rex Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng.
Trước đó, hôm 24/4, khi gặp gỡ các đại sứ Liên Hợp Quốc tại Nhà Trắng, ông Trump kêu gọi họ hãy cấm vận mạnh tay hơn nữa với Triều Tiên.
Căng thẳng quanh Triều Tiên đã leo thang nhanh chóng kể từ khi ông Trump lên nhậm chức. Bình Nhưỡng tiếp tục theo đuổi tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa để có thể phóng một quả bom tới đất Mỹ, bất kể ông chủ mới của Nhà Trắng tuyên bố hiện trạng này là "không thể chấp nhận được".
Tổng thống Trump hiện đang nỗ lực hết sức để thúc ép Trung Quốc gây áp lực lên Triều Tiên. Ông thậm chí tuyên bố Washington sẽ "tự xử lý" Bình Nhưỡng bất kể Bắc Kinh có tham gia hay không.
Hôm 25/4, Triều Tiên ra thông điệp đáp trả, lên án chính quyền Trump "lố bịch và liều mạng" vì đã có những bước đi mà "theo tình hình hiện tại trên bán đảo Triều Tiên thì chưa đủ để kích hoạt ngòi nổ chiến tranh tổng lực".
Thông điệp này nêu rõ "nguồn cơn buộc Triều Tiên phải có vũ khí hạt nhân" chính là việc Mỹ muốn cô lập nước này với quốc tế bằng "đe dọa hạt nhân" suốt hơn một nửa thế kỷ qua.
Tin 3: Lộ diện 2 ứng cử viên Tổng thống Pháp
|
Emmanuel Macron và Marine Le Pen sẽ cùng vào vòng 2 cuộc bầu cử Tổng thống Pháp. (Ảnh: France24) |
Vòng đầu cuộc đua vào điện Elysée kết thúc hôm 23/4 vừa qua với kết quả ông Macron dẫn đầu với số phiếu 24,01% và bám đuổi sát nút là bà Marine Le Pen với số phiếu 21,30%.
Ông Macron, sinh năm 1977, từng là bộ trưởng kinh tế dưới thời Tổng thống Francois Hollande. Tuy ít kinh nghiệm, nhưng ông lại giành được khá nhiều sự ủng hộ trong cuộc chạy đua vào Điện Elysees. Ông Macron khẳng định mục tiêu của ông là hàn gắn sự chia rẽ của nước Pháp trong mối quan hệ với EU. Nếu đắc cử, ông sẽ trở thành vị tổng thống trẻ nhất trong lịch sử Pháp.
Đối thủ với kết quả sít sao của ông Macron là bà Marine Le Pen, 48 tuổi, vốn chủ trương chống người nhập cư và "hờ hững" với Liên minh châu Âu (EU). Bà Le Pen đã hối thúc xét lại quan hệ giữa Pháp và EU và kêu gọi trưng cầu dân ý về đàm phán với EU.
Hai ứng cử viên tổng thống Pháp là ông Emmanuel Macron và bà Marine Le Pen đang ra sức đẩy mạnh chiến dịch vận động tranh cử khi quỹ thời gian trước vòng 2 cuộc bầu cử ngày càng thu hẹp.
Tin 4: Bài phát biểu trị giá 400.000 USD của cựu Tổng thống Mỹ Obama
|
Cựu tổng thống Mỹ Barack Obama lần đầu phát biểu kể từ khi miễn nhiệm. (Ảnh: AP) |
Truyền thông Mỹ đưa tin, ông Obama đã nhận lời làm diễn giả tại một hội thảo về chăm sóc sức khỏe do Cantor Fitzgerald, một ngân hàng đầu tư từng mất hơn 2/3 nhân viên trong vụ khủng bố 11/9/2001, tổ chức. Bài phát biểu được trả thù lao tới 400.000 USD.
Thù lao cho bài phát biểu của ông Obama gần gấp đôi thù lao 225.000 USD mà cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton nhận được từ 3 bài phát biểu cho Goldman Sachs năm 2015.
Trong suốt 2 nhiệm kỳ của mình, ông Obama được cho là “không có cảm tình” với giới tài chính phố Wall. Ông chỉ trích việc các lãnh đạo ngân hàng được hưởng thu nhập quá cao, trong khi phố Wall bị cho là nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 gây rúng động thị trường tài chính toàn cầu.
Nhiều chuyên gia đã chỉ trích việc ông Obama nhận lời phát biểu tại phố Wall, cho rằng động thái này sẽ hủy hoại mọi thứ mà ông vẫn tin.
Tin 5: Động đất mạnh tại Philippines, nhà cửa sập ngổn ngang
|
Động đất 7,2 độ richter ở Philippines. (Ảnh: Reuters) |
Sáng 29/4, một trận động đất mạnh đã làm rung chuyển thị trấn Sarangani và các khu vực khác ở đảo Mindanao, Philippines khiến nhà chức trách phải phát cảnh báo sóng thần.
Theo Viện nghiên cứu núi lửa và Địa chấn Philippines (Phivolcs), động đất xảy ra ở khu vực ngoài khơi Sarangani vào khoảng 4h23 sáng, ở độ sâu 57km.
Trung tâm cảnh báo sóng thần Thái Bình Dương ban đầu thông báo động đất có cường độ 7,2 độ richter, nhưng Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ (USGS) sau đó nói động đất mạnh 6,8 độ richter.
Phivolcs đã phát cảnh báo sóng thần, yêu cầu người dân tránh xa các khu vực bờ biển. Trung tâm cảnh báo sóng thần Thái Bình Dương cũng cảnh báo có sóng thần nguy hiểm ở Philippines và Indonesia trong phạm vi 300km tính từ tâm chấn.
Philippines nằm trên "Vành đai lửa Thái Bình Dương" - nơi thường xảy ra động đất và núi lửa phun. Năm 1990, một trận động đất mạnh 7,7 độ richter đã cướp đi gần 2.000 mạng người ở miền bắc nước này.