Liên quan đến việc ông Lường Tuấn Anh - Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên ký Quyết định “Buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả” thay vì phải ra Quyết định “Xử phạt vi phạm hành chính (XPVPHC)” đối với ông Chang A Cháng xây dựng công trình trái phép trên đất quy hoạch rừng phòng hộ. Một chuyên gia pháp lý cho rằng, Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa ký quyết định như vậy là chưa đúng quy định.
|
Trụ sở UBND huyện Tủa Chùa. |
Minh chứng việc ban hành văn bản chưa đúng
Lý giải vấn đề, khi trao đổi với PV Báo Pháp luật Việt Nam, luật sư Nguyễn Văn Thông, Văn phòng luật sư Hà Trọng Đại, Đoàn luật sư Hà Nội cho rằng, chiếu theo Mục 7 Mẫu 15 ban hành kèm theo Nghị định 118/2021/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật XLVPHC thì phải ghi cụ thể lý do không ra quyết định XPVPHC theo các trường hợp quy định tại các Điểm a, b, c, d Khoản 1 Điều 65 Luật XLVPHC sửa đổi, bổ sung năm 2020.
Cụ thể, Điều 65 Luật XLVPHC quy định những trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính như sau: a) không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong những trường hợp sau đây (Trường hợp quy định tại Điều 11 của Luật này): Thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong tình thế cấp thiết; thực hiện hành vi vi phạm hành chính do phòng vệ chính đáng; thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất ngờ; thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất khả kháng; người thực hiện hành vi vi phạm hành chính không có năng lực trách nhiệm hành chính; người thực hiện hành vi vi phạm hành chính chưa đủ tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 của Luật này.”
b) không xác định được đối tượng vi phạm hành chính; c) hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 6 hoặc hết thời hạn ra quyết định xử phạt quy định tại khoản 3 Điều 63 hoặc khoản 1 Điều 66 của Luật này quy định thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, trừ các trường hợp sau đây:
Vi phạm hành chính về kế toán; hóa đơn; phí, lệ phí; kinh doanh bảo hiểm; quản lý giá; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; xây dựng; thủy sản; lâm nghiệp; điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước; hoạt động dầu khí và hoạt động khoáng sản khác; bảo vệ môi trường; năng lượng nguyên tử; quản lý, phát triển nhà và công sở; đất đai; đê điều; báo chí; xuất bản; sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh hàng hóa; sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả; quản lý lao động ngoài nước thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm. Vi phạm hành chính về thuế thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
c) Trong thời hạn được quy mà cá nhân cố tình trốn tránh, cản trở việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính thì thời hiệu được tính lại kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
Bên cạnh đó, thời hạn xử phạt căn cứ theo Khoản 3 Điều 63 Luật XLVPHC về việc không chuyển hồ sơ vụ vi phạm để xử phạt hành chính quy định: Thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 30 ngày, kể từ ngày nhận được các quyết định quy định tại khoản 1 Điều này kèm theo hồ sơ vụ vi phạm. Trong trường hợp cần xác minh thêm quy định tại khoản 2 Điều này thì thời hạn tối đa không quá 45 ngày.
Căn cứ theo Khoản 1 Điều 66 Luật XLVPHC quy định về thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính được quy định như sau: Đối với vụ việc không thuộc trường hợp quy định tại điểm b và điểm c khoản này, thời hạn ra quyết định xử phạt là 07 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính; vụ việc thuộc trường hợp phải chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 10 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 63 của Luật này;
Đối với vụ việc mà cá nhân, tổ chức có yêu cầu giải trình hoặc phải xác minh các tình tiết có liên quan quy định tại Điều 59 của Luật này thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 01 tháng, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính;
Đối với vụ việc thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản này mà đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp, cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 02 tháng, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính.
Cá nhân vi phạm hành chính chết, mất tích, tổ chức vi phạm hành chính đã giải thể, phá sản trong thời gian xem xét ra quyết định xử phạt; chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm theo quy định tại Điều 62 của Luật này.
Như vậy, theo Khoản 4 Quyết định số 756/QĐ-KPHQ ngày 12/6/2023 về việc “Buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả” ghi lý do là ngày 08/5/2023 của UBND thị trấn Tủa Chùa lập Biên bản vi phạm hành chính; ngày 9/5/2023 thị trấn Tủa Chùa có tờ trình; đến ngày 31/52023 UBND huyện Tủa Chùa mới nhận được tờ trình.
Sau đó, UBND huyện Tủa Chùa kết luận là hết thời hạn ra Quyết định “Xử phạt vi phạm hành chính” theo Khoản 1 Điều 66 Luật XLVPHC sửa đổi, bổ sung năm 2020.
Tuy nhiên, với 3 hành vi vi phạm của ông Chang A Cháng theo Biên bản số 01/BB-VPHC lập hồi 8h30 ngày 8/5/2023 thì số tiền ông Cháng phải nộp phạt là 25,5 triệu (không áp dụng hình thức tăng nặng hay giảm nhẹ, đảm bảo đúng nguyên tắc áp dụng mức phạt tiền của luật).
Như vậy, trường hợp này ông Chang A Cháng được thực hiện quyền “yêu cầu giải trình” theo quy định của Luật XLVPHC vì số tiền phạt lớn hơn 15 triệu đồng theo “Khoản 1 Điều 61 Luật XLVPHC”. Do đó, phải áp dụng Điểm b Khoản 1 Điều 66 “thời hạn ra quyết định xử phạt là 1 tháng kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính”.
Theo luật sư Nguyễn Văn Thông, căn cứ vào các quy định nêu trên thì vụ việc này “không thuộc những trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính”.
Do đó, việc ban hành Quyết định “Buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả” của Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa là chưa đúng.
Theo Luật XLVPHC trường hợp này Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa phải ban hành Quyết định “Xử phạt vi phạm hành chính” đối với ông Chang A Cháng theo mẫu 02 ban hành kèm theo Nghị định 118/2021/NĐ-CP của Chính phủ với số tiền 25,5 triệu đồng.
Thêm nữa, căn cứ theo Khoản 1, Khoản 6, Khoản 10 Điều 12 Luật XLVPHC về những hành vi bị nghiêm cấm quy định: Giữ lại vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để xử lý vi phạm hành chính; xác định hành vi vi phạm hành chính không đúng, áp dụng hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả không đúng, không đầy đủ đối với hành vi vi phạm hành chính.
|
Quyết định 756/QD-KPHQ ngày 12/6/2023 của UBND huyện Tủa Chùa do ông Lường Tuấn Anh ký về việc "Buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả" đối với ông Chang A Cháng đang gây ra nhiều thắc mắc, nghi vấn của dư luận. |
Mức xử phạt cho người ban hành văn bản chưa đúng quy định
Liên quan đến trách nhiệm của người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính sẽ căn cứ theo Khoản 2 Điều 16 Luật XLVPHC quy định: Người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính mà sách nhiễu, đòi, nhận tiền, tài sản của người vi phạm, dung túng, bao che, không xử lý hoặc xử lý không kịp thời, không đúng tính chất, mức độ vi phạm, không đúng thẩm quyền hoặc vi phạm quy định khác tại Điều 12 của Luật XLVPHC và quy định khác của pháp luật thì tuỳ theo tính chất, mức độ vị phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thêm nữa, căn cứ theo Điều 59 Luật XLVPHC sửa đổi, bổ sung năm 2020 quy định trường hợp vụ việc đã được lập biên bản vi phạm hành chính nhưng sau đó, cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phát hiện ra những sai sót trong biên bản vi phạm hành chính đã lập thì có thể lập biên bản xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính theo quy định để sửa đổi hoặc thu hồi, hủy bỏ… Nhưng với trường hợp vụ việc này đến giờ đã hết thời hạn, không thể ban hành quyết định thay thế được nên không thể thu hồi được số tiền xử phạt.
Từ sự việc trên có thể thấy, vai trò của đội ngũ cán bộ làm tham mưu là rất quan trọng, đặc biệt là sự chủ quan, cẩu thả trong việc ký quyết định này đã phần nào làm ảnh hưởng trực tiếp tới công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn huyện Tủa Chùa.
Nhất là với việc áp dụng luật chưa đúng quy định và ban hành quyết định chưa đúng sẽ làm thất thu cho ngân sách Nhà nước số tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính.
Dư luận thắc mắc, đối với sự việc như trên thì ngoài hình thức bị xử lý kỷ luật theo quyết định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính thì trách nhiệm của người đứng đầu địa phương như thế nào?
Đặc biệt là với tỉnh còn nhiều khó như tỉnh Điện Biên nói chung và huyện Tủa Chùa nói riêng, rồi tính nghiêm minh của pháp luật sẽ như thế nào khi nhìn từ vụ việc này, mà cấp có thẩm quyền ban hành văn bản xử lý vi phạm chưa đúng với thực tế sự việc.
Dưới góc độ pháp lý, căn cứ theo quy định tại Điều 23, Điều 24, Điều 25 Nghị định số 19/2020/NĐ-CP của Chính phủ về Kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính thì người ký quyết định ban hành văn bản phải chịu hình thức xử lý kỷ luật ở khung khiển trách hoặc cảnh cáo.
Báo Pháp luật Việt Nam đề nghị UBND tỉnh Điện Biên chỉ đạo các ngành chức năng vào cuộc, thanh kiểm tra công tác công vụ đối với lãnh đạo UBND huyện Tủa Chùa, nếu phát hiện vi phạm cần xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.