Trồng rừng và chế biến gỗ là một ngành kinh tế mũi nhọn của huyện Yên Thế, tuy nhiên, do nhu cầu mở rộng nhà xưởng phát triển sản xuất mà không ít cơ sở để xảy ra hiện tượng vi phạm luật đất đai. Cần có một cơ chế “đặc thù” hướng dẫn để các cơ sở sản xuất khắc phục vi phạm, hoàn thiện mô hình sản xuất theo quy định của pháp luật.
Trồng rừng và chế biến gỗ là ngành kinh tế mũi nhọn
Huyện Yên Thế (Bắc Giang) có hơn 16 nghìn ha rừng và đất lâm nghiệp, chiếm 50% diện tích tự nhiên, do đó phát triển kinh tế mũi nhọn là trồng rừng gắn với chế biến gỗ.
Từ định hướng đó, những năm qua huyện Yên Thế thực hiện nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển trồng rừng gắn với chế biến gỗ, mang lại thu nhập cao cho người dân địa phương.
|
Chế biến gỗ mang lại nhiều lợi ích kinh tế và xã hội tại huyện Yên Thế. |
Hiện nay toàn huyện có hơn 100 cơ sở chế biến gỗ, chuyên thu mua gỗ rừng trồng trên địa bàn để chế biến, xuất bán đi thị trường trong nước và xuất khẩu, mạng lại giá trị sản xuất lâm nghiệp toàn huyện đạt hơn 300 tỷ đồng/năm.
Huyện đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ khuyến khích người dân phát triển trồng rừng kết hợp với chế biến gỗ, từng bước nhân rộng.
Khuyến khích các hộ đưa giống cây keo lai vào trồng rừng vừa cải tạo đất và đã nâng gấp đôi giá trị thu nhập một chu kỳ.
Để tạo đột phá thúc đẩy kinh tế rừng, từ năm 2018, huyện Yên Thế đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững.
Mục tiêu là ứng dụng khoa học công nghệ chăm sóc rừng trồng, trồng mới rừng sản xuất trên 2,3 nghìn ha và khai thác chế biến khoảng hơn 200 nghìn m3 gỗ.
Đồng thời triển khai phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn quốc tế, giúp doanh nghiệp ký các đơn hàng xuất khẩu với lợi nhuận cao hơn 10-30% so với trước.
Đơn cử, xã Tam Tiến còn có 35-40 mô hình phát triển kinh tế rừng cho thu nhập cao, trung bình mỗi lao động có thu nhập từ 6-8 triệu đồng/tháng, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động trong và ngoài địa phương.
Ngoài ra, ở các xã Canh Nâu, Xuân Lương, Đồng Vương, Tiến Thắng, Đông Sơn… cũng tập trung phát triển trồng rừng, kết hợp với chế biến gỗ. Vì thế, hiện nay, gần như 100% gỗ sau khi khai thác được các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn huyện thu mua để chế biên ngay tại địa phương.
Do đó, rất nhiều hộ kinh tế cá thể, doanh nghiệp nhờ phát triển trồng rừng, chế biến gỗ mà đem lại thu nhập cao và tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động.
Cần có cơ chế “đặc thù” tháo gỡ vướng mắc
Thời gian gần đây, thực hiện Kế hoạch số 84/KH-UBND ngày 08/4/2024 của UBND huyện về Tập trung cao điểm xử lý dứt điểm các vi phạm pháp luật về đất đai theo Chỉ thị số 19-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, không để phát sinh vi phạm mới mà không được xử lý triệt để; trong đó, một số cơ sở sản xuất chế biến gỗ tại các xã Đồng Vương, Xuân Lương, Tam Tiến... do nhu cầu mở rộng sản xuất nên đã có những hoạt động xây dựng, mở rộng nhà xưởng dẫn tới vi phạm quy định pháp luật về đất đai.
|
Cần cơ chế “đặc thù” tháo gỡ cho các cơ sở sản xuất gỗ tại Yên Thế. |
Cần phải khẳng định việc tập trung xử lý những vi phạm về đất đai của cơ quan nhà nước là đúng đắn.
Tuy nhiên, do đặc thù, hiện nay huyện Yên Thế chưa có khu công nghiệp, cụm công nghiệp sản xuất tập trung đối với nghành chế biến và sản xuất gỗ, hơn nữa, phần lớn các cơ sở chế biến gỗ đều có lịch sử phát triển từ hộ kinh doanh cá thể gia đình, hoặc quy mô nhỏ lẻ, phân tán.
Do đó, trong quá trình phát triển, nhu cầu mở rộng sản xuất nên thường xuyên có hiện tượng “cơi nới” xưởng sản xuất, diễn ra trong nhiều năm và không liên tục, tuỳ thuộc vào điều kiện kinh tế và đơn hàng.
Đây là một thực trạng tồn tại ở hầu hết các xưởng sản xuất và chế biến gỗ tại một số khu vực tại huyện Yên Thế.
Vì thế, các hộ sản xuất kinh doanh mong muốn cơ quan chức năng có cơ chế “đặc thù” phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội tại địa phương, như có thể kéo dài thêm thời gian thực hiện kế hoạch, để các cơ sở tạm duy trì hoặc có hướng dẫn các hộ có thể chuyển đổi mô hình sản xuất, phù hợp với các quy định pháp luật... hoặc lộ trình khác để tạo điều kiện cho cơ sở vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, cũng như hoàn thiện mô hình sản xuất theo đúng các quy định của pháp luật.
Như trường hợp của anh G.H.V (chủ cơ sở chế biến gỗ ở xã Đồng Vương) cho biết, xưởng của anh hiện đang tạo công ăn việc làm cho khoảng 120 lao động, thu nhập trung bình khoảng 8 triệu đồng/tháng.
Do trước kia, xây dựng tự phát, phát triển từ mô hình hộ kinh doanh gia đình, từ nhu cầu phát triển sản xuất nên mỗi năm “cơi nới” một chút xưởng sản xuất.
Trong trường hợp phải ngay tức khắc tháo dỡ toàn bộ nhà xưởng thì chắc chắn anh V sẽ lâm vào cảnh phá sản vì khoản đầu tư lớn sẽ mất trắng, cùng hơn trăm người lao động hoàn toàn thất nghiệp.
|
Một xưởng sản xuất gỗ của cá thể hộ gia đình. |
Tương tự, là trường hợp của anh T, một chủ xưởng chế biến ở xã Đồng Vương, cho biết, xưởng của anh chỉ phát triển từ mô hình gia đình, có thường xuyên khoảng 20 lao động sản xuất.
Nếu trong trường hợp phải phá bỏ toàn bộ xưởng thì chắc chắn anh sẽ phá sản ngay tức khắc và lâm vào cảnh nợ nần vì tài sản đã cầm cố ngân hàng để vay vốn.
Nhiều người lao động đang làm việc tại xưởng của anh T có hoàn cảnh rất khó khăn, nếu xưởng phải ngừng hoạt động thì họ sẽ thất nghiệp và không có khả năng tìm việc làm mới.
Đứng trước thực trạng phải tháo dỡ hoàn toàn nhà xưởng nên rất nhiều chủ cơ sở đứng trước tình trạng “mất ăn, mất ngủ” vì lo lắng cả sự nghiệp sẽ tiêu tan, gây hệ luỵ rất lớn về kinh tế và xã hội.
Vì vậy, các hộ sản xuất mong muốn cơ quan quản lý nhà nước có cơ chế “đặc thù” để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn giúp các cơ sở chế biến có thời gian để khắc phục, hướng dẫn phù hợp quy chuẩn theo quy định của pháp luật, hoặc sớm có lộ trình để đưa các hộ sản xuất quy hoạch vào khu công nghiệp sản xuất tập trung.