Bà Võ Thị Minh ngụ Tổ 5, Tân Lộc, Phước Hòa huyện Tân Thành gửi đơn đến các cơ quan chức năng, khiếu nại về việc UBND huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giải phóng mặt bằng để xây dựng công trình KCN Phú Mỹ II mở rộng, đã bồi thường cho bà không đúng quy định pháp luật gây ảnh hưởng tới quyền lợi của gia đình bà.
Nguồn gốc đất rõ ràng
Theo như sự trình bày của bà Võ Thị Minh, năm 1992, ông Nguyễn Văn Lâm sinh năm 1945, thường trú tại ấp Hội Bài, xã Hội Bài (chú của bà Minh) cùng với Bà Minh đã làm đơn xin khai thác ruộng muối khoảng 3ha đất trảng và chà là, thuộc sự quản lý của UBND xã Phước Hòa, nay là xã Tân Phước huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
|
Bà Minh nghẹn ngào khi đứng bên mảnh đất mà lâu nay mình canh tác nay bị chính quyền cưỡng chế. |
Ngày 27/4/1992, ông Hoàng Tín Nghĩa cán bộ quản lý kinh tế của xã Phước Hòa khi đó đã ký và xác minh: “Đã xác minh cụ thể hiện trường khu vực xin khai phá ruộng muối phía tây giáp sông Mơ Nhái, diện tích 3 ha nằm phía trên, nguồn gốc là bãi hoang (chà là), không ảnh hưởng rừng đước. Khi có thu hoạch phải làm nghĩa vụ tại xã Phước Hòa”
Ngày 28/4/1992, ông Trần Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Phước Hòa đã ký và xác nhận “Qua đơn xin khai thác ruộng muối của đương sự, UBND xã thuận, giấy này có giá trị từ ngày ký”.
Ngày 12/8/1992, ông Cao Văn Tiến, Phòng quản lý ruộng đất, Huyện Tân Thành đóng dấu đỏ ký và xác nhận “Đồng chí Lâm có khai phá đất ngập mặn làm ruộng muối, đồng chí Lâm đã xin xã và được xã nhất trí tạm giao đất. Để sản xuất ổn định lâu dài đương sự còn phải có đơn xin huyện ra quyết định giao đất”.
Năm 1996, trong quá trình khai hoang để sản xuất ruộng muối, ông Nguyễn Văn Lâm vì lý do sức khỏe, nên đã có đơn xin giao lại cho bà Võ Thị Minh (là cháu ông Lâm), khai thác và làm nghĩa vụ thuế với nhà nước đã được chính quyền xã Phước Hòa xác nhận. Và cũng từ năm 1996 đến năm 2010, bà Minh canh tác ruộng muối và đã làm nghĩa vụ thuế với nhà nước.
Cần bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bà Minh
Theo như bà Võ Thị Minh trình bày, ngày 10/6/2009 Ban bồi Thường GPMB huyện Tân Thành và UBND xã Tân Phước có xuống khu vườn khai hoang của bà để lập Biên Bản kiểm kê, đất đai nhà cửa, cây trái, hoa màu. Có 3 hộ phát sinh nằm trên đất của bà Minh, đó là hộ bà Ngô Thị Ngọc, Trần Nam Anh, Nguyễn Ngọc Tuấn ngụ ở huyện Hóc Môn, TP HCM. Điều lạ là 3 hộ này lại có hợp đồng giao khoán với BQL Rừng phòng hộ. Và trong biên bản kiểm kê có ghi hộ Võ Thị Minh, bờ bao đất ruộng, cống thoát nước cùng với chòi lá và hoa màu khác.
|
Nhà lá dùng để làm kho chứa muối của gia đình bà Minh. |
Trên cơ sở đó, ngày 30 tháng 6 năm 2010 ông Dương Văn Lộc, Phó chủ tịch UBND huyện Tân Thành ký Quyết định số 3830/QĐ UBND phê duyệt phương án bồi thường cho hộ bà Võ Thị Minh để xây dựng KCN Phú Mỹ II mở rộng (đợt 3) xã Tân Phước, huyện Tân Thành. Cụ thể: Quyết định cho rằng đất nhà bà Minh là đất rừng phòng hộ, không có hợp đồng giao khoán số lượng 3.406,00m; không bồi thường.
Quyết định trên cũng chỉ rõ về hoa màu, là mặt nước nuôi tôm quảng canh, cùng với đó là bờ bao, cống thoát nước với tổng giá trị bồi thường hơn 27 triệu đồng. Tổng Công ty Đầu tư phát triển đô thị KCN Việt Nam làm chủ đầu tư chịu trách nhiệm chi trả.
Không đồng ý với những quyết định của UBND huyện Tân Thành trong việc áp giá đền bù quá vô lý và thiếu thuyết phục trên bà Minh đã làm đơn khiếu nại gửi các cấp chính quyền của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, UBND huyện Tân Thành nhằm làm rõ vì sao không bồi thường thỏa đáng cho bà trong diện tích mà bà khai hoang.
Ngày 16/6/2015, ông Dương Tấn Lộc Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Thành ký Quyết định số 1145/QĐ-UBND về việc giải quyết khiếu nại của bà Võ Thị Minh với nội dung: Phần đất thu hồi 3.406m2 có liên quan đến bà Minh là đất rừng phòng hộ, bà Minh không có hợp đồng khoán với BQL rừng phòng hộ tỉnh.Chủ tịch UBND huyện Tân Thành đã bác đơn khiếu nại của bà Minh.
Trước những tình tiết đầy mâu thuẫn nêu trên, Pháp luật Plus nhận thấy có một số vấn đề cần làm sáng tỏ trong việc bác đơn khiếu nại của bà Minh cũng như việc không nhìn nhận nguồn gốc đất của người nông dân này. Cụ thể:
Thứ nhất, phần đất 3.406m2 mà ông Lâm (chú của bà Minh) đã được xác nhận nguồn gốc là “bãi hoang (chà là), không ảnh hưởng rừng đước”. Vậy căn cứ cơ sở pháp lý nào mà UBND huyện Tân Thành lại khẳng định phần đất trên là đất rừng phòng hộ?
Thứ hai, việc bà Minh cho rằng, từ 1996 đến năm 2010 đã canh tác ruộng muối và đã làm nghĩa vụ thuế với nhà nước có được coi là cơ sở pháp lý để chứng minh về nguồn gốc sử dụng đất hợp pháp?
Thứ ba, cần làm rõ cơ sở pháp lý mà 3 hộ dân Trần Nam Anh, Ngô Thị Ngọc, Nguyễn Ngọc Tuấn trên lại có hợp đồng giao khoán chồng lấn lên mảnh đất khai hoang của bà Minh? liệu có sự khuất tất nào đằng sau việc giao khoán rừng phòng hộ hay không?
Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này.