Những thông tin chính: Hà Nội rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng còn tối đa 120 ngày, Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bình Định đến năm 2035,...
Hà Nội rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng còn tối đa 120 ngày
UBND TP. Hà Nội vừa yêu cầu các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã tiếp tục triển khai Chỉ thị số 08/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 13/3/2018 về việc thực hiện các biện pháp để rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan.
|
Thời gian cấp phép xây dựng tại Hà Nội được rút ngắn còn tối đa không quá 120 ngày. Nguồn ảnh: Internet |
Cụ thể, thời gian góp ý đối với đồ án thiết kế quy hoạch, thiết kế xây dựng giảm từ 10 ngày xuống còn 5 ngày; thủ tục thẩm duyệt phòng cháy, chữa cháy giảm từ 30 ngày xuống còn tối đa 20 ngày; thời gian giải quyết thủ tục kết nối cấp điện giảm từ 14 ngày xuống còn tối đa không quá 7 ngày; báo cáo Sở Xây dựng kết quả thực hiện trước ngày 15/6/2018.
Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bình Định đến năm 2035
Ngày 24/5, tại Hà Nội đã diễn ra Hội đồng thẩm định quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bình Định đến năm 2035. Chủ trì Hội đồng thẩm định có Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh.
Phạm vi nghiên cứu trên ranh giới hành chính toàn tỉnh Bình Định có diện tích tự nhiên 6.050 km2, gồm 11 đơn vị hành chính, 1 TP, 1 thị xã và 9 huyện. Tầm nhìn đến năm 2035 được xác định là vùng đô thị có vị trí quan trọng trong hệ thống đô thị quốc gia và khu vực Đông Nam Á, đóng vai trò là cửa ngõ vùng Tây Nguyên, tiểu vùng Mê Kông, một trong những trung tâm phát triển lớn của khu vực Nam Trung Bộ, có nền kinh tế phát triển theo định hướng kinh tế biển, dịch vụ, du lịch chất lượng cao, công nghiệp, nông nghiệp, công nghệ cao theo hướng hiện đại, xanh và bền vững.
Hà Nội sửa quy định về cấp phép xây dựng
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định 12/2018/QĐ-UBND về việc sửa đổi một số quy định chi tiết về cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn thành phố theo Quyết định số 20/2016/QĐ-UBND.
Theo đó, sửa đổi, bổ sung Điều 2 nguyên tắc cấp giấy phép xây dựng và Điều 5 giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất. Sửa đổi Điều 8 trách nhiệm của UBND cấp huyện. Bổ sung Điều 6 trách nhiệm của Sở Xây dựng, Điều 7 trách nhiệm của các Sở, ngành thành phố và Điều 11 trách nhiệm của chủ đầu tư.
Đối với quy định về nguyên tắc cấp phép xây dựng, cơ quan cấp giấy phép xây dựng sẽ phải đánh giá công trình đủ điều kiện cấp phép cần căn cứ trên ý kiến kết luận của các cơ quan có thẩm quyền tại các văn bản lưu trong hồ sơ.
Đà Nẵng: Dành 100 tỷ đồng cho người mua nhà ở xã hội
UBND thành phố Đà Nẵng vừa ban hành Công văn số 3288/UBND-KT về việc triển khai cho vay vốn mua nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Dự kiến, nguồn vốn cho vay này lên tới 100 tỷ đồng.
|
Một khu nhà ở xã hội ở thành phố Đà Nẵng. Nguồn ảnh: Internet |
Trong đó nguồn vốn từ Trung ương đã phân bổ về Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) - Chi nhánh Đà Nẵng là 50 tỷ đồng, 50 tỷ đồng còn lại thành phố Đà Nẵng có kế hoạch đối ứng trong năm 2018.
Ông Đoàn Ngọc Chung, Giám đốc NHCSXH – Chi nhánh Đà Nẵng cho biết, mức vay tối đa cho phép để mua nhà ở xã hội lên đến 80%/tổng giá trị căn hộ; mức vay để sửa chữa nhà ở là 70%/giá trị tài sản và 70%/giá trị dự toán kinh phí sửa chữa với lãi suất 4,8%/năm trong vòng từ 15-25 năm.
Xuất khẩu xi măng có thể sẽ "về đích" sớm hơn dự kiến
Theo số liệu từ Vụ Vật liệu Xây dựng (Bộ Xây dựng), dự kiến trong tháng 5/2018, sản phẩm xi măng tiêu thụ ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu đạt khoảng 10,23 triệu tấn. Nếu so với tháng trước đó, con số này đã tăng tới 1,46 triệu tấn, tương đương mức tăng 11% so với cùng kỳ năm 2017 và đạt 51% kế hoạch năm 2018.
Với sức tiêu thụ như nói trên, các chuyên gia trong lĩnh vực vật liệu xây dựng dự đoán ngành xi măng hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu như kế hoạch đề ra là tiêu thụ từ 83 – 85 triệu tấn trong năm 2018. Thậm chí còn có thể vượt chỉ tiêu kế hoạch này. Các chuyên gia cũng dự báo, xuất khẩu xi măng rất có thể sẽ "về đích" sớm khi mới chỉ trong 5 tháng đầu năm mà sản lượng tiêu thụ đã đạt 13,76 triệu tấn trong khi kế hoạch của cả năm là từ 18 – 19 triệu tấn.