Lô hàng 19 tấn nhãn chín muộn tại hai huyện Quốc Oai và Hoài Đức (TP Hà Nội) vừa lên đường “xuất ngoại” hôm 5/9, trong số đó có 18 tấn (vùng trồng nhãn ở Đại Thành, Quốc Oai) được Công ty CP Thương mại và Xuất nhập khẩu Green Path Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ, 1 tấn nhãn còn lại (vùng trồng nhãn xã Song Phương, Hoài Đức) sẽ được Công ty CP Otas Global xuất khẩu sang Ba Lan với mục đích quảng bá, giới thiệu sản phẩm.
|
Nhãn chín muộn Hà Nội. |
Việc xuất khẩu chuyến hàng đầu tiên đi Mỹ và châu Âu sẽ mở ra nhiều triển vọng cho các cây ăn quả đặc sản của Hà Nội, không chỉ có nhãn chín muộn.
Theo quy hoạch đến năm 2020, vùng sản xuất nhãn chín muộn được xây dựng và mở rộng tại các vùng ven sông Đáy, gồm xã Đại Thành (Quốc Oai) 200ha; xã An Thượng, Đông Lao, Song Phương (Hoài Đức) 250ha; xã Lam Điền, Thụy Hương (Chương Mỹ) 100ha. Hiện nay giống nhãn chín muộn tại Hà Nội chủ yếu gồm 2 giống nhãn HTM1 và HTM2 tập trung tại các huyện Quốc Oai, Hoài Đức và rải rác tại một số huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức, Ba Vì, Đan Phượng…
Theo Sở NN&PTNT TP Hà Nội, cơ quan này đã chứng nhận được 100 cây nhãn chín muộn đầu dòng, cung cấp hàng triệu mắt, cành ghép giống nhãn chín muộn cho các tỉnh bạn như Hưng Yên, Hải Dương, Hòa Bình, Vĩnh Phúc… Đặc biệt, tại xã Đại Thành có cây nhãn tổ trên 120 năm tuổi. Trong năm 2018, tổng diện tích trồng nhãn 1.722 ha, sản lượng ước tính đạt 25.000 tấn, trong đó có khoảng 600ha là nhãn chín muộn.
Năm 2018, năng suất nhãn chín muộn tăng vượt trội so với các năm trước, giá trị sản phẩm hàng hóa ước đạt 875 triệu đồng/ha, hiệu quả kinh tế ước đạt 575 triệu đồng/ha. Thương hiệu nhãn chín muộn của Hà Nội được trong và ngoài nước biết đến, các sản phẩm đã có mặt trên rất nhiều tỉnh thành trên cả nước. Các sản phẩm nhãn chín muộn hầu hết đều đã được các siêu thị, cửa hàng tiện ích trưng bày và bán với giá cao hơn từ 1,2 - 1,3 lần.
Như vậy, cùng với thanh long, vải, vú sữa, nhãn Việt Nam cũng dần trở thành loại quả quen thuộc với người Mỹ và các thị trường khó tính khác.