Kết quả một nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ vừa được công bố cho biết cứ 1 trong 3 loại thuốc mới được chấp thuận lưu hành ở nước này có vấn đề về an toàn sau khi được phép đưa ra thị trường.
|
Ảnh minh họa. |
Theo AFP, trong khuôn khổ nghiên cứu của Hiệp hội y khoa Mỹ (JAMA), các nhà nghiên cứu của trường Đại học Yale đã phân tích 222 loại thuốc mới được phê duyệt trong giai đoạn 2001 – 2010 và tiến hành theo dõi cho đến năm 2017.
Kết quả nghiên cứu cho thấy có đến 71 loại thuốc mới, tức 32% các loại thuốc trong diện nghiên cứu, có vấn đề về an toàn sau khi được chấp thuận lưu hành.
Trong đó có 3 loại thuốc đã bị thu hồi do các nguy cơ về sức khỏe bao gồm: Valdecoxib – một loại thuốc chống viêm, Tegaserod – thuốc dùng để điều trị hội chứng ruột kích thích và Efalizumab – một loại thuốc từng được dùng để điều trị bệnh vẩy nến.
Ông Joseph Ross – phó giáo sư về y học cộng đồng và dược học tại trường Đại học Yale – cho biết, hiện nay, hầu hết các thử nghiệm lâm sàng đối với các loại thuốc trước khi được cấp phép lưu hành ở Mỹ chỉ được thực hiện trên chưa đến 1.000 bệnh nhân trong thời gian 6 tháng hoặc ngắn hơn.
Vẫn theo vị Phó Giáo sư, kết quả nghiên cứu cho thấy dù việc phải rút các loại thuốc khỏi lưu thông hiếm khi xảy ra nhưng các nhà quản lý vẫn cần phải theo dõi thường xuyên về các dấu hiệu an toàn ở các loại thuốc mới được cấp phép lưu hành.
Vì kết quả nghiên cứu cho thấy có khả năng sự an toàn của bệnh nhân bị ảnh hưởng khi quá trình đánh giá mức độ an toàn với các loại thuốc thử nghiệm liên tục được đẩy nhanh tốc độ.