Yên Tử năm nay có nhiều xáo trộn. Đi Yên Tử tốn nhiều tiền hơn mọi năm. Các gian hàng của người dân địa phương bị đẩy ra ngoài vùng trung tâm.
Ngày 14/2 (tức mùng 7 Tết Bính Thân), ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã kiểm tra công tác chuẩn bị tổ chức lễ hội Yên Tử tại TP Uông Bí.
|
Ông Nguyễn Đức Long - Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo Uông Bí kiểm tra địa điểm tổ chức khai hội Yên Tử 2016. Ảnh: Báo Quảng Ninh. |
Theo báo cáo của TP Uông Bí, đến nay mọi công tác chuẩn bị cho lễ hội đầu năm tại Khu di tích Quốc gia Yên Tử (ngày 10 tháng Giêng) đã cơ bản hoàn tất. Theo đó, thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo chung cho các lễ hội, phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị, phòng ban chuyên môn để xây dựng kế hoạch khai mạc và đón khách trong những ngày lễ. Cùng với đó là tổ chức sắp xếp các khu dịch vụ, niêm yết giá, chú trọng đến công tác đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, tổ chức phân luồng và bố trí giao thông hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách về dự hội.
Để chuẩn bị cho Lễ hội Yên Tử năm 2016, Công ty CP Phát triển Tùng Lâm đã tổ chức, sắp xếp lại một số hạng mục, đầu tư và di chuyển 2 bãi đỗ xe ra vị trí mới. Thực hiện cải tạo một số tuyến đường dẫn vào khu di tích; lắp dựng pano tuyên truyền, giới thiệu về cảnh quan dọc 2 bên đường; tăng cường thêm các nhà vệ sinh công cộng và điểm thu gom rác… Đặc biệt, mùa lễ hội năm nay, các điểm dừng chân, khu nhà hàng và điểm bán đồ lưu niệm đã được xây mới, khang trang, đẹp đẽ hơn.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên Chất lượng Việt Nam, việc Công ty CP Phát triển Tùng Lâm tổ chức, sắp xếp lại một số hạng mục, đầu tư và di chuyển 2 bãi đỗ xe ra vị trí mới gây nhiều phiền toái cho du khách.
|
20.000 đồng cho quãng đường gần 2km. Lượt đi, lượt về là 40.000 đồng. Nhiều người cho rằng giá xe điện khá chát. |
Từ vị trí gửi xe, du khách nếu không muốn đi bộ quãng đường gần 2 km vào chân chùa thì phải mất thêm 20.000 đồng đi xe điện, hoặc không thì đi xe ôm vào trong.
Ngày mùng 6 Tết, trong tiết trời oi ả, phóng viên quan sát thấy có nhiều du khách, trong đó có không ít người già và trẻ em phải lếch thếch đi bộ gần 2 km vào chân chùa vì không có tiền đi xe điện và xe ôm.
Cảnh xe điện, xe ôm, người đi bộ có phần bát nháo, làm mất mỹ quan Yên Tử và chứa đựng nguy cơ tai nạn giao thông.Một vấn đề khác, trong khi nhiều chùa ở Uông Bí đã miễn phí tiền gửi xe thì Yên Tử chưa làm được điều này. Ngoài tiền gửi xe máy, ô tô, hầu hết du khách còn mất thêm tiền gửi mũ bảo hiểm.
“Tôi nói kẹp mũ bảo hiểm ở trong yên xe cũng được, mất tôi tự chịu nhưng người trông xe nhất định không cho, yêu cầu tôi phả gửi”, một du khách phàn nàn.
Nhiều người đánh giá thái độ phục vụ của nhân viên trông xe tại Yên Tử năm nay không ổn. Có người còn nói, bị cắt đứt quai mũ chỉ vì không chịu gửi mũ.
Một vấn đề nữa khá nhức nhối. Như những năm trước, đường vào chùa có nhiều gian hàng ăn uống, nông sản của người dân địa phương. Nhưng năm nay, khu này bị chuyển đi chỗ khác để nhường chỗ cho các nhà ăn, nghỉ hoành tráng của Công ty Phát triển Tùng Lâm.
|
Gian hàng của người dân Yên Tử bị chuyển đi, thay vào đó là các nhà hàng sang trọng của Công ty Tùng Lâm. |
“Vài trăm gian hàng của người dân địa phương bị chuyển đi, hầu hết được dựng tạm bợ. Trộm vía chứ chỉ cần một mồi lửa nhỏ thì cháy hết”, một người dân đang kinh doanh tại đây buồn bã nói.
Nhiều người lo ngại, Công ty CP Phát triển Tùng Lâm đang thực hiện “chiến dịch” tận thu tại nơi đất Phật.“Yên Tử giờ đi đâu cũng tiền”, chị Dung, một người dân ở Uông Bí phản ánh.
Trao đổi với phóng viên về việc chuyển bãi xe ra ngoài, gây bất tiện cho việc đi lại của du khách, ông Lê Trọng Thanh - phó Giám đốc Công ty CP Phát triển Tùng Lâm cho biết, việc chuyển bãi xe ra ngoài để xây khu văn hóa tâm linh đã được Chính phủ phê duyệt. Khu vực này kéo dài từ bãi gửi xe vào đến chân chùa.
"Tạm thời công trình chưa hoàn thành nên nhiều người thấy việc đi lại có phần bất tiện. Lúc xây xong thì khác, du khách sau khi gửi xe có thể đi xe điện hoặc đi bộ để tham quan khu văn hóa", ông Thanh giải thích.