Phút đón giao thừa, đầu xuân năm mới ở ngọn hải đăng Mũi Điện của những người làm nhiệm vụ bảo vệ điểm tiền tiêu của Tổ quốc luôn rất đặc biệt.
Không có người thân, bạn bè bên cạnh, không có pháo hoa rực rỡ đêm giao thừa… nhưng phút đón giao thừa, đầu xuân năm mới ở ngọn hải đăng Mũi Điện – nơi đón ánh bình minh đầu tiên trên đất liền Việt Nam - của những người làm nhiệm vụ bảo vệ điểm tiền tiêu của Tổ quốc luôn rất đặc biệt.
Mũi Điện - nơi đón ánh mặt trời đầu tiên trên đất liền của Việt Nam
Cách TP Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) 35km, men theo con đường Quốc lộ đi về hướng xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa quanh co một bên là núi, bên kia là biển, từ xa đã thấy ngọn hải đăng Mũi Điện (hay còn gọi là hải đăng Đại Lãnh) đứng sừng sững ở đầu phía đất nhô ra biển, cao vợi nổi bật trên nền trời.
Vượt qua khoảng 100 bậc thang leo núi, gặp anh Nguyễn Trọng Thạo (52 tuổi, nhân viên canh gác ngọn Hải đăng thuộc Công ty đảm bảo an toàn Hàng Hải Nam Trung Bộ) trong bộ quần áo xanh đang tỉa lại mấy nhành cây để chuẩn bị đón một mùa xuân Canh Tý.
Đã 4 năm kể từ khi được phân công gác đèn ở đây, anh Thạo chưa một lần được về quê ăn Tết cùng vợ và con. Tết đến, thấy gia đình mọi người sum vầy và dắt nhau đi chơi, đôi phút anh cũng thấy chạnh lòng.
“Tết ở đây đơn giản lắm, chỉ mấy cân giò và mấy cân thịt gà là anh em có Tết. Gà là trên này tự nuôi được. Rau, củ quả ở đây đặc biệt hiếm vì phải đi xuống núi vào trung tâm mới mua được. Anh em có tăng gia trồng rau nhưng thời tiết ở đây khắc nghiệt lắm, nước ngọt lại không có để tưới nên rau trồng chỉ chờ ông trời cho giọt nước mưa nào thì mới có nước để sống... Sau giao thừa, chúng tôi gọi điện về nhà cho bố mẹ, vợ con mà nước mắt cứ rơi trong lời chúc Tết đầu năm mới”, anh Thạo trải lòng.
Ở ngọn Hải Đăng Mũi Điện này, có 4 nhân viên cùng phân chia ra trực. Mỗi đợt Tết đến xuân về các anh phải ở lại canh gác trạm. Ban ngày, nhân viên nhà đèn huấn luyện chiến đấu như bộ đội. Ban tối, lính nhà đèn thức cùng với ánh sáng hải đăng. Bất kể mùa biển lặng hay mùa bão tố, khi ngọn hải đăng nhấp nháy, cũng là lúc lính nhà đèn vào ca.
“Nhiều đêm đứng dưới chân hải đăng nhớ nhà ứa nước mắt. Mùa biển lặng còn đỡ, khi biển động sóng lớn, mưa biển trút nước ầm ầm, lúc đó chúng tôi phải thay nhau trèo lên đỉnh để kiểm tra, thay ắc qui. Trong bất luận điều kiện nào, hải đăng không được tắt. Bởi đó là ánh sáng của chủ quyền quốc gia trên biển”- anh Thạo chia sẻ
Anh Thạo chia sẻ thêm: “Mình làm nghề gác đèn được hơn 20 năm rồi. Hồi trước làm ở Côn Đảo, Hà Tiên, Gành Đá Đĩa, mới chuyển về đây được 4 năm. Quê mình ở Hà Tĩnh nhưng cưới vợ và sinh con ở Bình Thuận. Đã lâu rồi mình không về nhà ăn Tết bên vợ con. Những ngày gần Tết thế này, nhớ vợ con da diết, song nhớ mấy cũng không được “đầu hàng”. Lính nhà đèn là vậy”- anh Thạo, nói.
Ở đây, cuộc sống của người công nhân gác đèn ấm áp và chan hòa như ở nhà mình. Đời sống vật chất cũng không thiếu thốn. Cực nhất là di chuyển nước và thức ăn lên trạm gặp nhiều khó khăn. Dịp Tết, có nhiều khách du lịch lên đây chụp ảnh và ngắm cảnh nên cũng rất vui vẻ. Lịch trực Tết được cắt cử rõ ràng làm 2 đợt. Lịch trực là sự luân phiên theo từng năm cho nhân viên.
Anh Huỳnh Xuân Phong (42 tuổi) chia sẻ: “Ngày Tết, chúng tôi chia làm 2 đợt trực, từ ngày 29 đến mùng 4 Tết âm lịch. Mỗi ca 8 giờ đồng hồ. Trực liên tục ngày đêm, đảm bảo đúng thông số kỹ thuật theo thông báo hàng hải. Tết là sum họp, nhưng chúng tôi vì nhiệm vụ không thể tham gia đón Tết cùng gia đình, nên cứ tưởng tượng ra không khí nơi quê nhà đã thấy ấm áp, rộn ràng..
Một mùa xuân nữa lại đến, Mũi Điện đã từng bước thay da đổi thịt theo thời gian, những người thợ nhà đèn cũng không gian khổ như ngày xưa, ngọn hải đăng thắp sáng giữa trời đêm bằng điện năng lượng mặt trời. Song ở nơi bao la biển trời ấy, những người lính thợ như con ong chăm chỉ, đang đêm ngày thầm lặng hi sinh tuổi thanh xuân của mình để mỗi ngọn hải đăng mãi mãi là mắt thần canh biển đảo Tổ quốc.
Ngọn hải đăng Mũi Điện được người Pháp xây dựng từ năm 1890. Tháp đèn hải đăng là một khối hình trụ thon đều, cao 26,5m so với nền tòa nhà và cao 110m so mặt nước biển. Ánh đèn từ ngọn hải đăng này có thể phát tín hiệu xa 27 hải lý. Sau một thời gian dài hoạt động gián đoạn, khoảng năm 1997 thì ngọn hải đăng này mới hoạt động trở lại bình thường. Lối để lên đến ngọn tháp là cầu thang gỗ có 110 bậc.