Bồi thường thiệt hại khi xe máy đâm vào xe ôtô dừng sự cố.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: LuatVietnam. |
Bạn đọc có tênNguyễn Đức Thọ, có địa chỉ tại huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang gửi email câu hỏi tới địa chỉ [email protected].
Pháp luật Plus xin trích đăng nội dung câu hỏi như sau: “Tôi có va chạm với 1 chiếc xe nâng. Cụ thể là khoảng 10 giờ có chiếc xe du lịch 7 chỗ bị hư giữa đường lưu thông. Sau đó mới gọi chiếc xe nâng lại nâng để sửa chữa. Vào lúc ấy tôi có say rượu và đã tông vào chiếc xe nâng đó. Cú va chạm quá mạnh làm tôi bất tỉnh tại chỗ và được người dân đưa đi cấp cứu.
Khoảng 7, 8 ngày sau tôi mới tỉnh dậy. Ba mẹ và người thân kể lại. Quả thật cú va chạm quá mạnh khiến tôi không còn nhớ gì về cái vụ tai nạn cả. Tôi không biết mình bị tai nạn ra sao nữa. Khi ba mẹ tôi ra đến nơi tôi bị tai nạn thì không có thấy báo hiệu gì cả.
Nhưng bây giờ tài xế xe cố ý nói là có báo hiệu và công an đã tiến hành điều tra vụ việc. Tôi bị thương rất nặng với sự đa chấn thương mặt. Hiện khuôn mặt tôi hoàn toàn bị biến dạng. Tôi còn nhiều cuộc phẫu thuật nữa với thiệt hại lúc bây giờ là 80 triệu đồng. Cho tôi hỏi là tôi có được bồi thường hay không?”
Tòa soạn Pháp luật Plus cùng các văn phòng luật xin trả lời câu hỏi:
Theo Khoản 3 và Khoản 4 Điều 18 Luật giao thông đường bộ năm 2008 có quy định về dừng xe, đỗ xe trên đường bộ như sau:
"3. Người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường bộ phải thực hiện quy định sau đây:
a) Có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết;
b) Cho xe dừng, đỗ ở nơi có lề đường rộng hoặc khu đất ở bên ngoài phần đường xe chạy; trường hợp lề đường hẹp hoặc không có lề đường thì phải cho xe dừng, đỗ sát mép đường phía bên phải theo chiều đi của mình;
c) Trường hợp trên đường đã xây dựng nơi dừng xe, đỗ xe hoặc quy định các điểm dừng xe, đỗ xe thì phải dừng, đỗ xe tại các vị trí đó;
d) Sau khi đỗ xe, chỉ được rời khỏi xe khi đã thực hiện các biện pháp an toàn; nếu xe đỗ chiếm một phần đường xe chạy phải đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm ở phía trước và phía sau xe để người điều khiển phương tiện khác biết;
đ) Không mở cửa xe, để cửa xe mở hoặc bước xuống xe khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn;
e) Khi dừng xe, không được tắt máy và không được rời khỏi vị trí lái;
g) Xe đỗ trên đoạn đường dốc phải được chèn bánh…”
Và tại Điều 19 Luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định về người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường phố phải tuân theo quy định tại Điều 18 của Luật này và các quy định sau đây:
"1. Phải cho xe dừng, đỗ sát theo lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi của mình; bánh xe gần nhất không được cách xa lề đường, hè phố quá 0,25 mét và không gây cản trở, nguy hiểm cho giao thông. Trường hợp đường phố hẹp, phải dừng xe, đỗ xe ở vị trí cách xe ô tô đang đỗ bên kia đường tối thiểu 20 mét.
2. Không được dừng xe, đỗ xe trên đường xe điện, trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế, chỗ dành riêng cho xe chữa cháy lấy nước. Không được để phương tiện giao thông ở lòng đường, hè phố trái quy định".
Như vậy, nếu việc đỗ xe của người lái xe nâng được xác định là hành vi dừng đỗ xe không đúng theo các quy định trên và gây ra tai nạn giao thông thì phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc phải chịu trách nhiệm hình sự và phải bồi thường cho người bị tai nạn theo quy định của pháp luật. Nhưng nếu việc dừng đỗ xe của người lái xe được xác định là không vi phạm pháp luật thì không phải chịu trách nhiệm về tai nạn của bạn, vì người lái xe trên không có lỗi trong việc gây ra tai nạn. Tuy nhiên, trường hợp này để xác định rõ yếu tố lỗi trong tai nạn thì cần thông tin cụ thể hơn. Bạn có đáp ứng đầy đủ điều kiện tham gia giao thông hay không, có hành vi gì khiến xảy ra tai nạn hay không. Việc xác định lỗi của hai bên sẽ phải căn cứ vào biên bản điều tra tai nạn giao thông, sơ đồ hiện trường tai nạn giao thông. Có các khả năng có thể xảy ra như sau:
* Trường hợp thứ nhất, thiệt hại xảy ra do lỗi của bạn. Khi đó bạn sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tài sản cho bên kia. Theo quy định tại Điều 589 Bộ luật dân sự 2015 thì thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm:
"1. Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng.
2. Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút.
3. Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.
4. Thiệt hại khác do luật quy định."
Theo đó, bạn sẽ có thể phải bồi thường thiệt hại cho phía bên kia, mức bồi thường thiệt hại sẽ do các bên tự thỏa thuận dựa vào quy định trên. Trường hợp không tự thỏa thuận được thì các bên có quyền khởi kiện dân sự tại Tòa án.
* Trường hợp thứ hai, thiệt hại xảy ra là hoàn toàn do lỗi của bên kia và bạn không có lỗi. Theo quy định tại Nghị quyết 03/2006/NQ- HĐTP Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì một trong những yếu tố để quy trách nhiệm bồi thường thiệt hại là phải có yếu tố lỗi từ phía người gây ra thiệt hại. Vì vậy, nếu bạn không có lỗi, vấn đề bồi thường thiệt hại sẽ do các bên tự thỏa thuận với nhau. Việc bồi thường sẽ căn cứ vào Điều 589, Điều 590 Bộ luật dân sự 2015, cụ thể:
Điều 589. Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm
Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm:
1. Tài sản bị mất, bị huỷ hoại hoặc bị hư hỏng;
2. Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút;
3. Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại;
4. Thiệt hại khác do luật quy định.
Điều 590. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm
1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;
d) Thiệt hại khác do luật quy định.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
* Trường hợp thứ ba, có lỗi của cả bạn và người lái xe nâng trong việc gây thiệt hại. Đối với trường hợp này thì theo quy định về nguyên tắc bồi thường thiệt hại tại Điều 585, Bộ luật dân sự 2015:
“4. Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.”.
Theo đó, cả bạn và người lái xe đều có phần trách nhiệm bồi thường đối với phần lỗi mà mình gây ra đối với thiệt hại. Mức bồi thường sẽ do các bên thỏa thuận, nếu không tự thỏa thuận được có thể gửi đơn yêu cầu Tòa án giải quyết.