Vụ việc hai thanh niên cướp bánh mì và một ít đồ ăn vặt trị giá 45 ngàn, bị cơ quan tố tụng truy tố tội hình sự, phải đứng trước mức án 3-10 năm tù đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Để có cái nhìn sâu hơn vụ việc trên, Phapluatplus.vn đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Đình Hải - Đoàn luật sư tỉnh Đồng Nai về việc này.
PV: Dư luận đang rất quan tâm về vụ việc này, theo luật sư căn cứ vào những hành vi nào mà cơ quan tố tụng đưa ra mức án được xem là nặng như vậy với 2 thanh niên?
|
Luật sư Nguyễn Đình Hải - Đoàn luật sư tỉnh Đồng Nai. |
LS Hải: Nếu nội dung vụ việc được báo chí đăng đúng như bản cáo trạng thì hành vi được mô tả của các bị can có dấu hiệu của tội “Cướp giật tài sản” được theo quy định tại Điều 136 BLHS. Theo bản cáo trạng thì VKS quận Thủ Đức đã truy tố hai bị can với tình tiết tăng nặng định khung được quy định điểm d khoản 2 Điều 136 BLHS đó là tình tiết “Dùng thủ đoạn nguy hiểm” với mức án là từ 3-10 năm tù.
PV: Cơ quan tố tụng cho rằng, việc dùng xe máy để đi cướp bánh mì trong trường hợp trên là “nguy hiểm” nên hai thanh niên mới bị truy tố như thế (Khoản 2, điều 136 Bộ luật Hình sự), còn nếu hai thanh niên mà chạy bộ thì sẽ có mức án nhẹ hơn, ông nghĩ thế nào?
LS Hải: Theo quy định tại tiểu mục 5.5 điểm 5 mục I của Thông tư liên tịch số 02/VKSTP-TATC-BCA-BQP-BTP ngày 25/12/2001 hướng dẫn áp dụng một số quy định tại chương XIV đối với các tội xâm phạm sở hữu của BLHS năm 1999 thì việc dùng thủ đọan nguy hiểm được quy định tại điểm d khoản 2 Điều 136 là nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của người bị hại hoặc của người khác như: Dùng mô tô, xe máy để thực hiện việc cướp giựt tài sản; Cướp giựt của người đang đi mô tô xe máy…
Do hai bị cáo sử dụng xe gắn máy để cướp ổ bánh mì nên cơ quan điều tra và VKS đã áp dụng văn bản hướng dẫn nêu trên để truy tố các bị can với tình tiết tăng nặng định khung được quy định tại điểm d khoản 2 Điều 136 BLHS. Mặc dù khi thực hiện hành vi cướp ổ bánh mì chỉ có 2 bị can sử dụng xe máy còn chủ tiệm (bị hại) thì không sử dụng xe mô tô, xe gắn máy. Tuy nhiên, VKS vẫn áp dụng quy định này để truy tố các bị can theo quy định tại điểm d khoản Điều 135 BLHS vì cho rằng việc dùng xe gắn máy để cướp giựt trong trường hợp này có thẻ gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của người khác.
Tôi cho rằng, ngay từ khi ban hành văn bản hướng dẫn nêu trên, các “Nhà hướng dẫn pháp luật” đã cứng nhắc khi liệt kê và coi mô tô, xe máy là “Thủ đọan nguy hiểm”. Bởi lẽ, theo từ điển tiếng Việt thì danh từ “Thủ đoạn” là để chỉ cách làm khôn khéo, thường là xảo trá, chỉ cốt sao cho đạt mục đích (ví dụ: Không từ một thủ đoạn nào). Như vậy, thủ đoạn ở đây thuộc về tư duy, suy nghĩ của con người và là một dạng phi vật thể, trong khi đó mô tô xe máy là những vật cụ thể, ở đây các nhà hướng dẫn luật đã nhầm lẫn giữa khái niệm vật chất và khái niệm về tư duy (phi vật thể) nên văn bản hướng dẫn này không thể áp dụng trong việc lựa chọn và quyết định hình phạt trong bất kỳ vụ án nào.
Công cụ được hiểu là vật sử dụng theo đúng công dụng của nó. Phương tiện phạm tội thì có khái niệm rộng hơn, có thể là công cụ có thể không phải là công cụ. Ví dụ: Công dụng thực tế của cái thang là giúp ta trèo lên các vị trí trên cao, nhưng nếu sử dụng cái thang này để trèo vào nhà người khác để ăn trộm thì cái tháng đó là phương tiện phạm tội chứ không còn nghĩa công cụ thông thường nữa. Trong một số trường hợp, công cụ phạm tội và phương tiện phạm tội được đồng hóa trên cùng một vật. Ví dụ: một người sử dụng chiếc xe máy để đâm vào người khác gây tai nạn thì chiếc xe đó vừa được coi là công cụ vừa được coi là phương tiện phạm tội.
Trong vụ án này chỉ có thể coi chiếc xe máy của các bị can là công cụ, phương tiện phạm tội nguy hiểm cho bị hại và người khác chứ không thể gọi là chiếc xe máy này là thủ đoạn nguy hiểm, gọi như thế là thiếu khoa học, nếu không nói là sai. Như vậy, ở tầm vĩ mô đã hướng dẫn sai nhưng cơ quan áp dụng pháp luật ở dưới không có phản hồi và tiếp tục áp dụng vào thực tế là bất cập và máy móc. Theo tôi, trong vụ án này VKS quận Thủ Đức áp dụng các hướng dẫn này để truy tố các bị can theo điểm d khoản 2 Điều BLHS là dập khuân, máy móc và trái pháp luật vì tình tiết này không có trong BLHS.
PV: Theo cáo trạng, một trong hai thanh niên là Nguyễn Hoàng Tuấn đang bị Công an huyện Củ Chi truy nã vì tội “trộm cắp tài sản”. Liệu mức án mà cơ quan tố tụng quận Thủ Đức truy tố hai thanh niên có phải là sự “cộng gộp” tội trước đó?
LS Hải: Một người chỉ có thể bị coi là có tội khi có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Theo nguyên tắc trên thì Nguyễn Hoàng Tuấn chưa bị coi là phạm tội “trộm cắp tài sản” vì vụ án mới chỉ khởi tố điều tra và chưa đến gia đoạn truy tố, xét xử. Việc Tuấn đã bị xử phạt hành chính trước đó chỉ là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm đối với tội “trộm cắp tài sản” chứ không liên quan đến tội “Cướp giựt tài sản”. Trong vụ án này, nếu có đủ dấu hiệu phạm tội của cả hai tội thì tòa án sẽ nhập hai vụ án để xét xử một lần và tổng hợp hình phạt chung cho cả hai tội chứ không có khái niệm “cộng gộp tội” trong tố tụng hình sự.
Xin cám ơn luật sư!