Sau gần 2 thập kỷ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quyết định giao đất và chấp thuận đầu tư xây dựng dự án hồ An Dương. Tiếc thay, cho đến nay, tất cả những ý tưởng “có cánh” về một khu đô thị văn minh, hiện đại chỉ nằm trên bản vẽ trước sự bất lực của chủ đầu tư.
|
Sau gần 20 năm được phê duyệt dự án, bởi nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân đến từ phía chính quyền địa phương, dự án khu đô thị An Dương biến thành đống hoang tàn, đổ nát, đẩy doanh nghiệp vào “thảm cảnh” đầu tư. |
Dự án khu đô thị mới biến thành “phế tích” hoang tàn
Là một trong những dự án xã hội hóa đầu tiên tại Hà Nội, theo quy hoạch, dự án hồ An Dương sẽ trở thành một khu đô thị kiểu mới của phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, do Công ty TNHH Xây dựng IDC (Công ty IDC) làm chủ đầu tư.
Như đã từng phản ánh trong số báo trước, vào tháng 9/1999, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 914/QĐ-TTg giao cho Công ty IDC đầu tư, xây dựng khu nhà ở, hạ tầng kỹ thuật, công trình công cộng kinh doanh và văn phòng làm việc trên toàn bộ diện tích 13.970 m2 đất. Trong đó, 8.400 m2 thuộc quyền quản lý của UBND quận Tây Hồ và 5.570 m2 còn lại được UBND phường Yên Phụ và các hộ dân quản lý, sử dụng.
Vậy nhưng, trong quá trình triển khai, vì nhiều nguyên nhân bất khả kháng liên quan đến điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật, cũng như sự thiếu quyết liệt từ phía chính quyền địa phương là UBND thành phố Hà Nội, UBND quận Tây Hồ và các Sở, ban, ngành trực thuộc khi không thực hiện giao đất tái định cư, không thành lập hội đồng giải phóng mặt bằng để lập ra phương án đền bù thiệt hại cho người sử dụng đất bị thu hồi theo quy định và thiếu cơ chế hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện dự án, dẫn đến thực trạng đau xót là dù chủ đầu tư đã tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng, nhưng đến nay dự án vẫn đang “đắp chiếu”, “trùm mền” vô thời hạn.
Thời gian triển khai dự án kéo dài hàng chục năm, không có vốn để duy trì, Công ty IDC buộc phải huy động nhiều nguồn vốn khác để trả vốn góp cho các cổ đông, chi trả lãi vay và bồi thường thiệt hại do không thực hiện dự án đúng cam kết. Công ty IDC bị lâm vào hoàn cảnh kiệt quệ về kinh tế, chịu áp lực tài chính nặng nề bởi phải vay mượn vốn nhiều nguồn khác nhau với lãi suất cao để duy trì bộ máy và trả các khoản nợ. Nay các khoản vay này đều đã quá hạn.
Còn một thực tế nữa là hạng mục san lấp hồ An Dương đã hoàn thành xong được gần 30 năm, hiện tại, tổng chi phí phát sinh mà Công ty IDC phải chi trả dành cho hạng mục san lấp ước tính phải vào khoảng 200 tỷ đồng. Trớ trêu thay, mặc dù UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức rất nhiều cuộc họp liên ngành để giải quyết và chỉ đích danh Sở Tài chính là đơn vị chủ trì tiến hành rà soát, báo cáo. Thế nhưng không hiểu vì lý do gì, “quả bóng” trách nhiệm cứ ngày ngày “đá qua, đá lại” giữa các cơ quan, đơn vị của Hà Nội mà chủ đầu tư vẫn chưa nhận được bất kỳ một khoản đền bù hạng mục san lấp hồ An Dương nào.
Không những thế, hậu quả của tình trạng “treo” dự án là sự xuất hiện của các khu ổ chuột, xóm liều, xóm nhảy dù, xóm ma giữa lòng đô thị. Đây thường là nơi trú ngụ của nhiều thành phần bất hảo, nghiện ngập, hút chích từ các tỉnh dạt về Hà Nội kiếm sống bằng những công việc lao động chân tay không ổn định, gây mất an ninh trật tự, tạo ra “điểm đen” về tệ nạn xã hội. Để tiện cho mọi sinh hoạt, ăn uống, ngủ nghỉ, những người này không ngần ngại lấn chiếm đất công hồ An Dương dựng những căn nhà tồi tàn, nhếch nhác, tạm bợ, rộng chừng 10m2 được lợp bằng mái bờ rô xi măng, quây tôn nham nhở, chắp vá bằng những mảnh gỗ và vải bạt, cửa kính vỡ nát. Hình thành các bãi tập kết phế liệu, thu gom rác thải, đồng nát, bốc mùi hôi thối khó chịu.
Chưa hết, hơn 72 nóc nhà của 72 hộ dân đang cố thủ tại đây hiện đã xuống cấp trầm trọng, nhưng không thể sửa chữa, cải tạo, không được cấp “sổ đỏ” vì đây đều là các trường hợp nằm trên đất dự án nên họ đành chấp nhận sống trong cảnh bí bách, tù túng suốt hàng chục năm qua. Sức sống hiện diện yếu ớt từ vài khu nhà ở mà Công ty IDC đã thực hiện được một phần trước đây là không đủ để hồi sinh một dự án. Nói chung, khu đô thị mới An Dương gần như trở thành “phế tích” hoang tàn.
Ban cán sự Đảng Hà Nội báo cáo “nóng” Thường trực Thành ủy
Ngày 21/6/2016, Ban cán sự Đảng UBND thành phố Hà Nội đã có Báo cáo số 185/BC-BCS gửi Thường trực Thành ủy Hà Nội về tình hình, kết quả chỉ đạo giải quyết những nội dung liên quan đến Công ty IDC.
Báo cáo của Ban cán sự Đảng UBND thành phố Hà Nội đã khái quát lại quá trình triển khai và việc thực hiện dự án san lấp hồ An Dương từ năm 1989 đến thời điểm hiện tại, trong đó có đoạn nêu rõ: “… Qua quá trình triển khai thực hiện đến này, Công ty chỉ giải phóng mặt bằng được 7.901m2 đất, phần diện tích còn lại khoảng 6.069m2 chưa giải phóng mặt bằng; một số diện tích đất mặt hồ đã san lấp trước đây bị lấn chiếm; hạ tầng kỹ thuật chưa hoàn thiện dẫn đến khó khăn cho chủ đầu tư và sinh hoạt của người dân. Do dự án chưa thực hiện xong nên một số chế độ tài chính liên quan đến chủ đầu chưa được giải quyết dứt điểm”.
Ngoài ra, báo cáo cũng nêu lên kiến nghị của Công ty IDC với mong muốn được hoàn trả 77 mảnh đất, mỗi mảnh có diện tích khoảng 60m2 trên địa bàn thành phố Hà Nội tương ứng với phần giá trị góp vốn của 77 cổ động khi tham gia dự án xây dựng nhà ở nhưng đến nay không được thực hiện. Đồng thời, thanh toán phần chi phí Công ty đã bỏ ra để giải phóng mặt bằng và san lấp nhưng không được giao đất thực hiện dự án với số tiền gốc là 1.113.310.505 đồng và tính lãi suất từ năm 1992 đến nay là: 20.990.377.435 đồng.
Đối với nội dung kiến nghị của Công ty IDC, báo cáo nêu rõ: “Ngày 06/01/2016, UBND thành phố có Thông báo số 04/TB-VP về việc thông báo ý kiến chỉ đạo của đồng chí Vũ Hồng Khanh - Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố giải quyết một số vụ việc tồn đọng kéo dài liên quan đến quản lý đất đai, dự án đầu tư sử dụng đất trên địa bàn quận Tây Hồ; trong đó đã giao nhiệm vụ cho các đơn vị thực hiện:
“(a) Giao Sở Quy hoạch Kiến trúc chủ trì cùng Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND quận Tây Hồ , Công ty TNHH Xây dựng IDC kiểm tra, rà soát toàn bộ diện tích đất thuộc phạm vi, ranh giới, diện tích đất đã giải phóng mặt bằng, diện tích đất chưa giải phóng mặt bằng, diện tích đất hồ bị lấn chiếm. Trên cơ sở quy hoạch được phê duyệt và hiện trạng quản lý sử dụng đất, đề xuất UBND thành phố báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh theo hướng: - Đối với diện tích đất đã giải phóng mặt bằng: Giao cho Công ty TNHH Xây dựng IDC tiếp tục sử dụng để thực hiện dự án theo quy định; - Đối với diện tích chưa giải phóng mặt bằng: Giao UBND quận Tây Hồ quản lý, thực hiện việc chỉnh trang khu dân cư theo quy hoạch. Diện tích phù hợp quy hoạch đất ở thì xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu nghĩa vụ tài chính theo quy định; phần diện tích đất nằm trong quy hoạch xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình công cộng phục vụ khu dân cư thì thu hồi hồi, hoàn thiện hoàn thiện hạ tầng xã hội và HTKT, đảm bảo khớp nối HTKT khu vực, yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy. Đối với diện tích đất do các hộ gia đình lấn chiếm đất hồ An Dương (sau khi san lấp), UBND quận Tây Hồ có trách nhiệm xử lý theo đúng quy định của Luật Đất đai. (b) Giao Sở Tài chính chủ trì cũng các Sở, ngành liên quan và UBND quận Ba Đình kiểm tra, xem xét đề nghị của Công ty TNHH Xây dựng IDC về việc hoàn trả kinh phí san lấp hồ An Dương (thực hiện từ năm 1990), báo cáo UBND thành phố xem xét. (c) Công ty TNHH Xây dựng IDC có trách nhiệm cung cấp hồ sơ, tài liệu cho Sở Tài chính để kiểm tra, xem xét theo quy định của pháp luật; đối với tiền sử dụng đất chủ đầu tư đã nộp ngân sách nhà nước theo Quyết định số 914/QĐ-TTg ngày 28/9/199 của Thủ tướng Chính phủ sau khi được phép điều chỉnh ranh giới diện tích đất thực hiện dự án và điều chỉnh quyết định giao đất thực hiện dự án của UBND thành phố sẽ chỉ đạo các Sở, ngành xem xét theo quy định của pháp luật”.
Đối với nội dung kiến nghị của Công ty TNHH Xây dựng IDC liên quan đến việc hoàn trả chi phí Công ty đã bỏ ra để giải phóng mặt bằng và san lấp, UBND thành phố giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, UBND quận Ba Đình rà soát báo cáo. Ngày 14/4/2016, Sở Tài chính, UBND quận Ba Đình đã báo cáo đề xuất UBND thành phố nguyên tắc, số tiền thanh toán hoàn trả chi phí Công ty TNHH Xây dựng IDC đã đầu tư san lấp hồ An Dương (thực hiện từ năm 1990) tại Tờ trình số 2479/TTrLN-STC-QLCS. Tuy nhiên do đây là nội dung tồn đọng nhiều năm, qua nhiều chế độ, chính sách, liên quan đến quy hoạch, quản lý sử dụng đất đai, nghĩa vụ tài chính của nhà đầu tư… Ngày 27/5/2016, UBND thành phố tiếp tục có công văn số 4307/VP-KT giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Quy hoạch Kiến trúc, UBND quận Tây Hồ rà soát toàn bộ diện tích đất thuộc phạm vi ranh giới được giao theo Quyết định 914/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, báo cáo kết quả thực hiện Thông bố số 04/TB-VP ngày 06/01/2016 của UBND thành phố Hà Nội và đề xuất giải quyết kiến nghị của Công ty TNHH Xây dựng IDC (Công văn số 26-2016/IDC-STC ngày 25/3/2016 của Công ty TNHH Xây dựng IDC. Trên cơ sở kết quả rà soát, đề xuất của các Sở, ngành, UBND quận Ba Đình, UBND thành phố tiếp tục báo cáo Thường trực Thành ủy).”
Tuy nhiên, đến nay, chủ đầu tư dự án san lấp hồ An Dương - Công ty IDC vẫn đang chờ đợi một cách giải quyết thấu tình, đạt lý từ phía UBND thành phố Hà Nội. Để vụ việc tránh đi vào lối cũ, theo kiểu “đá bóng” trách nhiệm, “ra văn bản cho xong… rồi để đấy”, Công ty IDC đề nghị Thường trực Thành ủy, Ban cán sự Đảng UBND thành phố Hà Nội, cùng các Sở, ngành liên quan sớm ban hành văn bản cần thiết nhằm khắc phục hậu quả làm tổn thất doanh nghiệp, tạo cơ chế thông thoáng giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho dự án khu đô thị mới An Dương được triển khai nhanh chóng và hoàn thành theo tiến độ mới đã được chủ đầu tư đặt ra.
Dưới đây là một số hình ảnh phóng viên ghi nhận tại thực địa:
|
Các khu ổ chuột, xóm liều, xóm ma “vô tư” nhảy dù trên đất lấn chiếm trước sự bất lực của chính quyền địa phương. |
|
Từ khi hạng mục san lấp hồ An Dương hoàn thành, nhiều người dân đổ về dựng lều, lán trại nhếch nhác, tạm bợ, biến nơi đây thành “điểm đen” về tệ nạn xã hội. |
|
Ngõ đi thành nơi tập kết phế liệu đồng nát, rác thải bốc mùi xú uế, gây ô nhiễm môi trường. |