Nhiều người còn cho rằng, bộ ảnh “mặc mà như không mặc này” chỉ mang tính phô bày thân thể và gợi dục một cách trơ trẽn.
Á hậu môi trường nhưng "bôi bẩn" môi trường
Cách đây không lâu, Marly Velásquez - ứng viên nặng ký của bang Antioquia (Colombia) đã bị tước cơ hội chinh phục ngôi vị cao nhất tại cuộc thi Rumbo a Miss Universo (tương tự Hoa hậu Hoàn vũ Colombia) vì bị phát hiện chụp ảnh khỏa thân nghệ thuật cho một tạp chí. Ngay sau khi thông tin này được công bố, người đẹp này đã lập tức gửi lời xin lỗi khán giả quê nhà trên trang cá nhân kèm lời cảm ơn vì đã ủng hộ cô.
Từ câu chuyện này nhiều người ngẫm đến sự việc ồn ào của Á hậu Thư Dung mới đây. Mặc dù bộ ảnh mặc yếm mỏng tang không nội y, phô bày ngồn ngộn da thịt và có những động tác ngả ngốn ở “Tuyệt tình cốc” - Đà Lạt không phải là ảnh khỏa thân nhưng nó lại khiến cho người xem cảm thấy hết sức phản cảm. Nhiều người còn cho rằng, bộ ảnh “mặc mà như không mặc này” chỉ mang tính phô bày thân thể và gợi dục một cách trơ trẽn.
|
Bộ ảnh gây xôn xao dư luận của Thư Dung và Quỳnh Nguyễn mới đây ở Đà Lạt. |
Điều đáng nói, một trong hai nhân vật chính của bộ ảnh lại là Thư Dung - Á hậu 2 của cuộc thi Hoa hậu Du lịch sinh thái quốc tế hay Hoa hậu Môi trường quốc tế (Miss Eco International) vừa kết thúc hồi tháng 4/2018. Trước đó, cô cũng từng giành ngôi vị Á quân cuộc thi Người mẫu Thời trang Việt Nam.
Theo Nghị Định số 69/2012/NĐ-CP đã được sửa đổi bổ sung vào ngày 15/3/2016 rõ ràng Thư Dung có dấu hiệu vi phạm. Phía đại diện Sở VH,TT&DL tỉnh Lâm Đồng cũng khẳng định vụ này phải xử lí vi phạm vì đây là hành vi phản cảm, trái thuần phong - mỹ tục, tác động xấu đến dư luận xấu.
Tuy nhiên, trong khi chờ các cơ quan chức năng có kết luận cuối cùng, nhiều người không hề thấy Thư Dung có bất kỳ biểu hiện nào về sự hối lỗi. Thậm chí, khi nhận được những lời chỉ trích từ phía dư luận, người đẹp này còn có những lời lẽ đầy thách thức trên trang cá nhân: “Sống ở đời, thích gì thì làm đó, hãy cứ sống tốt với bản thân mình bởi thanh xuân chỉ có một lần”. Mới đây, Thư Dung còn vô tư cười nói, hát hò... khi livestream trên trang cá nhân mà tuyệt nhiên không đưa ra bất kỳ lời xin lỗi nào về bộ ảnh đang gây tranh cãi.
Nhiều người đặt câu hỏi, một cô Á hậu của một cuộc thi nhằm nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường lại sẵn sàng bẻ cành thông làm cảnh để khoe thân hoặc thực hiện bộ ảnh dung tục bên một cảnh quan tuyệt đẹp của Đà Lạt thì sẽ góp phần bảo vệ môi trường hoặc kêu gọi mọi người bảo vệ môi trường kiểu gì? Không những vậy, khi sự việc xảy ra, cô Á hậu này còn không ý thức được hành động của mình mà lại tỏ ra thách thức thêm dư luận. Liệu cô có đáng được xem là một trong 3 người có vẻ đẹp phù hợp nhất với một cuộc thi nhan sắc nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường?
Cần tước bỏ vương miện hoặc danh hiệu để răn đe
Trên thế giới, mỗi quốc gia sẽ có những hình thức xử phạt khá nặng tay về việc các người đẹp có danh hiệu vi phạm quy định. Điển hình là vào năm 2016, Hoa hậu Anh - Zara Holland đã bị tước vương miện vì có cảnh phản cảm trên sóng truyền hình. Không chỉ bị tước vương miện, Holland còn bị cấm không được tham gia cuộc thi Hoa hậu Thế giới tổ chức hồi cuối năm 2016.
|
Bẻ cả cành thông để làm cảnh chụp ảnh. |
Eugénie Journée - Người đẹp đạt danh hiệu Hoa hậu vùng Bretagne (Pháp) cũng bị tước danh hiệu và mất cơ hội dự thi Hoa hậu Pháp năm 2015 sau khi đăng ảnh chụp bán nude lên các trang mạng xã hội. Tuy những bức ảnh này được công chúng đánh giá không dung tục nhưng BTC của cuộc thi này vẫn quyết định “trừng phạt” Journée vì đã thực hiện việc mà lẽ ra một hoa hậu không nên làm.
Xa hơn, vào năm 2014, Á hậu 2 của cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Thái Lan 2014 cũng bị tước danh hiệu khi lộ ảnh nhạy cảm trong quá khứ mặc dù cuộc thi đã khép lại từ lâu.
Ở Việt Nam thời gian qua, có rất nhiều người đẹp đạt danh hiệu tại một số cuộc thi nhan sắc trong nước từng thực hiện những bộ ảnh gây chấn động dư luận hoặc lộ những hình ảnh phản cảm nhưng cùng lắm chỉ bị phạt hành chính chứ chưa hề bị tước danh hiệu/vương miện. Những hình phạt mang tính xử lí vi phạm hành chính đó được nhiều người xem như một cách “gãi ngứa” chứ chưa đủ tính răn đe.
Chính vì thế, dù Nghị định số 69/2012/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung vào ngày 15/3/2016 có quy định “Thu hồi giấy phép biểu diễn, tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu” hoặc “Không phổ biến, lưu hành hình ảnh cá nhân; chương trình, tiết mục biểu diễn và thực hiện các hành vi có nội dung, hình thức trái với giá trị, chuẩn mực đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam trên mạng viễn thông” nhưng đến nay mức độ và tần suất vi phạm của các người đẹp có danh hiệu vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Trong một hội thảo gần đây tại Hà Nội, một số chuyên gia nhận định rằng, chưa có một cuộc thi Hoa hậu nào ở Việt Nam có được một quy chế đúng chuẩn quốc tế, kể cả cuộc thi có yếu tố nước ngoài. Vì lẽ đó, khi các người đẹp đạt danh hiệu vi phạm, BTC rất lúng túng để xử lý.
Nếu có đưa ra được hình thức xử lý thì vẫn mang tính “bảo vệ danh dự” cuộc thi là chính chứ không theo kiểu dùng luật để xử lý. Bởi thế, đã đến lúc cần phải thay đổi những hình thức xử phạt hành chính bằng những hình thức mang tính răn đe mạnh mẽ hơn, trong đó, việc tước vương miện hoặc danh hiệu là một hình thức.
Bản thân nhà báo Dương Kỳ Anh - “cha đẻ” của Hoa hậu Việt Nam cũng thừa nhận, các cuộc thi nhan sắc lớn trên thế giới đều có quy chế rất rõ ràng trong việc tước bỏ vương miện của Hoa hậu, Á hậu. Trong quy chế của các cuộc thi, BTC sẽ đưa ra các quy định về mức độ như: vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức, vi phạm quy chế… để có thể xử lý.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, việc đề ra các quy chế vẫn còn nhiều lúng túng và chưa thực sự rõ ràng. Vì thế, dù trong lịch sử nhan sắc Việt từng có nhiều người đẹp “dính” phải lùm xùm, dư luận gay gắt đòi tước vương miện nhưng vẫn chưa Hoa hậu nào bị tước vương miện.