Tính riêng từ đầu năm 2023 đến nay, theo thống kê không chính thức đã có trên 100 phương tiện vận tải Việt Nam bị lưu giữ tại cửa khẩu Hà Khẩu, Trung Quốc.
Mới đây, BQL Khu kinh tế tỉnh Lào Cai đã gửi văn bản đến các cơ quan chức năng để cảnh báo, ngăn ngừa tình trạng phương tiện Việt Nam bị lưu giữ tại cửa khẩu Hà Khẩu, Trung Quốc.
Theo cơ quan này, thời gian gần đây, tình trạng phương tiện Việt Nam bị lưu giữ trái phép tại Hà Khẩu (Trung Quốc) ngày càng nhiều. Tính riêng từ đầu năm 2023 đến nay, theo thống kê không chính thức đã có trên 100 phương tiện vận tải Việt Nam bị lưu giữ tại Trung Quốc.
|
Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai. |
Qua tìm hiểu, phía Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Lào Cai đã trao đổi với Ban Quản lý cửa khẩu Hà Khẩu (Trung Quốc), nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là: lái xe không thực hiện đúng trách nhiệm trong việc bảo quản hàng hóa, gây tổn hại hàng hóa trên xe, do hai bên không đạt được thống nhất trong việc bồi thường dẫn đến phương tiện này chưa thể xuất cảnh về nước;
Do doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc tranh chấp trong việc thực hiện Hợp đồng, nên doanh nghiệp Trung Quốc giữ xe và yêu cầu lái xe hoặc chủ xe bồi thường bằng tiền mặt mới trả xe về Việt Nam.
Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Lào Cai và Ban Quản lý cửa khẩu Hà Khẩu - Trung Quốc đã tích cực phối hợp giải quyết, tháo gỡ vấn đề trên, tuy nhiên tình trạng trên vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Trước thực trạng kể trên, cơ quan chức năng nhiều tỉnh thành như: Hòa Bình, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Tây Ninh… vừa đồng loạt ban hành Văn bản gửi các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn các địa phương nêu trên, yêu cầu các doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng tìm hiểu kỹ thông tin trước khi xuất hàng sang Trung Quốc để ngăn ngừa tình trạng phương tiện Việt Nam bị lưu giữ tại Trung Quốc.
|
Vì sao phương tiện Việt Nam bị lưu giữ trái phép tại Hà Khẩu ngày càng nhiều? |
Nhằm cảnh báo, ngăn ngừa tình trạng phương tiện Việt Nam không bị lưu giữ tại Trung Quốc, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, tránh gây thiệt hại không đáng có cho các doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp vận tải của Việt Nam.
Cùng với đó, các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu tại cửa khẩu cần nâng cao tính pháp lý, tuân thủ các quy định của pháp luật trong mua bán, xuất nhập khẩu hàng hoá; các doanh nghiệp vận tải trước khi nhận vận chuyển hàng hóa, đề nghị các lái xe làm rõ các nội dung, điều khoản của Hợp đồng với chủ hàng phía Việt Nam về tình trạng hàng hóa, phương tiện...., trách nhiệm của các bên liên quan khi có tranh chấp xảy ra ở phía bên Trung Quốc; Phổ biến tới các doanh nghiệp chấp hành tốt các qui định của pháp luật trong giao dịch mua bán, xuất nhập khẩu hàng hóa.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Lào Cai, tổng giá trị xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hoá qua các cửa khẩu trên địa bàn trong tháng 4/2024 ước đạt 229,78 triệu USD tăng 10,73% so với tháng 3/2024, tăng 60,66% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế ước đạt 779,4 triệu USD, tăng 32,12% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 17,32% so với kế hoạch. Các mặt hàng xuất nhập khẩu chủ yếu vẫn là: xuất khẩu gỗ ván bóc, thanh long, dưa hấu, sầu riêng, mít, chuối, chôm chôm, xoài, sắn...; nhập khẩu hoa, cây cảnh, rau củ quả tươi, than cốc, phân bón, máy móc thiết bị, bánh kẹo, năng lượng điện... Trung bình Lượng phương tiện thông quan tại cửa khẩu trung bình khoảng hơn 370 xe/ngày, trong đó: xe xuất khẩu 180 xe/ngày; nhập khẩu 190 xe/ngày. |