Theo Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường: "Hành vi của các đối tượng này đặc biệt nghiêm trọng, số lượng hóa chất đặc biệt lớn, đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của nhiều người dân, gây hoang mang trong dư luận xã hội nên việc xử lý hình sự rất cần thiết".
Mới đây, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Đắc Lắk vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố, bắt tạm giam 4 bị can để điều tra về tội “Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm” theo Điều 317, Bộ luật Hình sự năm 2015.
Theo thông tin ban đầu, sau một thời gian theo dõi, lực lượng công an phát hiện trên không gian mạng nổi lên một nhóm đối tượng thuộc "Hội giá đỗ Miền Nam" và "Hội làm giá đỗ" có những dấu hiệu vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.
|
Các đối tượng bị khởi tố. |
Trước tình hình trên, Phòng Cảnh sát kinh tế đã kiểm tra đồng loạt 6 cơ sở sản xuất giá đỗ tại thành phố Buôn Ma Thuột, bao gồm: 2 cơ sở của đối tượng Lâm Văn Đạo (SN 1990, trú ở Buôn Kô Tam, xã Ea Tu); 2 cơ sở của đối tượng Vũ Duy Tư (SN 1991, trú tại Tổ dân phố 8, phường Tân Hòa); 1 cơ sở của Nguyễn Văn Quynh (SN 1973, trú tại Tổ dân phố 6, phường Tân Hòa); 1 cơ sở của Nguyễn Văn Hảo (SN 1988, trú tại Tổ dân phố 1, phường Tân Hòa).
Qua kiểm tra, các đối tượng khai nhận, trong quá trình sản xuất giá đỗ đã sử dụng vôi cục, nước giếng và một loại chất lỏng không màu, mà nhóm này thường trao đổi tiếng lóng với nhau là nước "kẹo".
Thông tin từ cơ quan công an cho biết, nước "kẹo" thực chất là hoạt chất 6-Benzylaminopurine, không thuộc danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm và danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam.
Đây là chất kích thích tăng trưởng tế bào, nếu đưa vào cơ thể sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người. Khi hít hoặc tiếp xúc qua da lâu dài có thể làm thai nhẹ ký, não úng thủy và các dị tật bẩm sinh, còn ăn vào lượng lớn có thể gây tử vong.
Hoạt chất trên được các đối tượng dùng ngâm ủ làm giá đỗ, với mục đích làm cho rễ cây giá ngắn lại để tập trung dưỡng chất phát triển cho thân cây giá to, mập, tăng trọng lượng và có hình thức đẹp. Các đối tượng pha trộn theo tỉ lệ 400ml nước "kẹo"/1.000 lít nước giếng, đủ để tưới cho ra khoảng 2.000 kg giá đỗ thành phẩm.
Tiến hành kiểm tra, Phòng Cảnh sát kinh tế đã phát hiện, thu giữ 20.357 kg giá đỗ mà nhóm này đã ngâm hoạt chất 6-Benzylaminopurine, với giá bán ra khoảng 400 triệu đồng. Ngoài ra, cơ quan công an thu giữ 37 can nhựa với 135 lít hoạt chất cấm trên.
Tại cơ quan công an, các đối tượng khai nhận trong năm 2024, nhóm này đã bán ra thị trường khoảng 2.900 tấn giá đỗ có ngâm hóa chất 6-Benzylaminopurine. Cơ quan công an tiếp tục điều tra mở rộng để xử lý toàn diện vụ án.
Liên quan đến sự việc trên, dưới góc độ pháp lý, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp cho biết: Hành vi của các đối tượng này đặc biệt nghiêm trọng, số lượng hóa chất đặc biệt lớn, đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của nhiều người dân, gây hoang mang trong dư luận xã hội nên việc xử lý hình sự rất cần thiết.
|
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp. |
Theo quy định tại Điều 317 Bộ luật hình sự, người nào thực hiện hành vi sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm mà biết là cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm mà sản phẩm trị giá từ 10 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cũng theo Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, hành vi sử dụng thực phẩm có sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trị giá 500 triệu đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 300 triệu đồng trở lên, người thực hiện hành vi này sẽ phải đối mặt với tội vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm theo Điều 317 Bộ luật hình sự, với khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm tù.
"Bởi vậy, cơ quan điều tra sẽ tiến hành xác định giá trị của hóa chất độc hại, xác định nguồn gốc của loại chất này, đánh giá tính chất nguy hiểm của hóa chất đối với sức khỏe con người, làm cơ sở để xử lý các đối tượng. Cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ quá trình tiêu thụ các thực phẩm này được thực hiện như thế nào, ngoài các bị can đã bị khởi tố còn có các đối tượng khác giúp sức cho hành vi phạm tội hay không, sẽ làm rõ thời điểm bắt đầu thực hiện hành vi phạm tội và số tiền thu lợi bất chính", Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường nêu quan điểm.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cũng cho biết thêm, theo quy định của pháp luật, tất cả các tài sản do phạm tội mà có, số tiền thu lợi bất chính sẽ bị tịch thu để xung vào công quỹ Nhà nước, các đối tượng biết rõ đây là hóa chất độc hại, chất cấm, không được phép sử dụng trong lĩnh vực thực phẩm (giá trị hóa chất từ 10 triệu đồng trở lên) nhưng vẫn cố ý sử dụng sẽ bị xem xét xử lý hình sự.
Cơ quan chức năng sẽ xác định những người đã mua, sử dụng giá đỗ của các cơ trên có ai bị ngộ độc, phải nhập viện, bị thương tích hay thiệt mạng hay không để xác định họ là người bị hại, đồng thời đảm bảo quyền lợi của người bị hại theo quy định của pháp luật.
Trong đó có quyền yêu cầu xử lý hình sự đối với các đối tượng, đồng thời yêu cầu bồi thường thiệt hại khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật.