Trên bờ là những ngôi nhà cao tầng mọc san sát nhau, dưới ven sông là những con thuyền tròng trành. Nơi sinh sống của cả mấy thế hệ, thuyền là nhà, nhà là thuyền, cuộc sống cứ thế đã diễn ra đã từ rất lâu
Nằm sát mép nước con sông Hồng, cách trung tâm Hà Nội chừng 20 km về phía Tây, khó khăn, vất vả là những gì có thể dễ dàng thấy được từ đời sống của một bộ phận dân cư làng Vạn Chài Thắng Lợi (xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng).
Dù không muốn nhưng họ cũng phải bám trụ ở nơi đây, lấy khúc sông, con cá, con tôm để mưu sinh, để tiếp tục sống…
Theo như người dân ở đây cho biết, một số hộ ở đây đang ở trong tình cảnh không nhà cửa, không mảnh đất cắm rùi, không được học hành. Họ phải gắn đời mình vào thuyền, vào bến sông.
|
Một góc xóm Vạn Chài Thắng Lợi |
Tìm đến nơi đây, Phóng viên PhapluatPlus chứng kiến cảnh cả mấy thế hệ nối tiếp nhau sinh hoạt trên thuyền.
Một chiếc thuyền nhỏ được đóng tạm bợ, đơn sơ. Phía hai đầu mũi thuyền được thiết kế để làm nơi nấu ăn, làm "tủ bếp", chỗ để đồ cá nhân...
Khoang giữa thuyền rộng khoảng chừng vài mét vừa là “phòng khách”, “phòng ăn” kiêm “phòng ngủ” của gần chục con người.
Nhà ông Phạm Văn Luận một trong những hộ gần như nghèo nhất làng Vạn Chài, cũng là người có cuộc sống gắn bó lâu dài với sông nước nơi đây. Gia đình ông có 5 khẩu, đã bao đời sống trên sông nước. Nay ông 62 tuổi, ở cái tuổi gần đất xa trời mà giấc mơ lên bờ vẫn còn ở nơi nào đó quá xa xôi.
“Từ đời các cụ nhà tôi đã gắn bó với nghề đánh cá. Đánh theo mùa con nước, có lúc phải đi xa lên Phú Thọ, Hải Dương, Nam Định…đánh bắt. Đời lênh đênh như cánh bèo, nay dạt chỗ này mai dạt chỗ kia. Sóng to gió cả, bão lũ dập dồn cũng chẳng chạy đi đâu được. Thuyền là tài sản, là nhà, là cuộc sống của mình rồi. Có hôm bão về, đang đêm cả nhà phải khoác áo mưa lao ra giữa trời chống bão. Cả nhà lại phải lao ra để chèo chống”, ông Luận buồn rầu tâm sự.
Một số cặp vợ chồng trẻ theo nghiệp cha ông cũng xây dựng tổ ấm ở nơi đây. Cái duyên sông nước đưa họ đến với nhau nhưng họ cũng chỉ đủ sắm cho mình một chiếc thuyền nhỏ. Hầu như mọi sinh hoạt của gia đình đều gói gọn trong đấy. Ngày cưới cả họ dựng rạp luôn trên bờ sông, quan khách đến dự, cái cảnh nghe ra thì lãng mạn nhưng sao thấy nặng lòng.
|
"Ngôi nhà" nơi sinh sống của mấy thế hệ gia đình ông Phạm Văn Luận |
Chuyện nhà đã vậy, chuyện ăn uống lại còn cám cảnh hơn. Quanh năm bập bùng sông nước, thức ăn của cả nhà là tôm, cá đánh bắt được. Cuộc sống trên sông phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cá đánh bắt tự nhiên, nếu có đánh bắt được cá thì có tiền đong gạo, còn không thì cả nhà nhịn đói vì họ chả có ruộng nương để cấy cầy.
Phần lớn dân làng đều phải lấy nước sông Hồng làm nước sinh hoạt. Rác thải lềnh bềnh, động vật chết trôi sông, nguồn nước bị ô nhiễm mà vẫn phải sử dụng.
Cách duy nhất giúp nguồn nước ăn uống sạch hơn là dùng phèn chua để lọc nước. Mỗi thuyền có một vài chum trữ nước. Thường thì dân chài đánh thuyền ra giữa dòng lấy nước cho sạch, bỏ phèn vào trong rồi nấu cơm, tắm giặt.
Họ đều biết, nước đó chẳng sạch sẽ gì nhưng không dùng thì lấy gì để mà ăn uống. Cũng chính vì sử dụng nước sinh hoạt đó, nên nhiều người dân làng chài đã mắc bệnh. Nhẹ thì đau mắt, đường ruột, nặng thì viêm phổi, ung thư…
Anh Trần Việt Hoa (Trưởng thôn Thắng Lợi) cho biết: Những năm gần đây, mặc dù địa phương đã có chính sách hỗ trợ đối với ngư dân như quy hoạch khu đất ở mới, xây dựng nhà văn hóa thôn, hệ thống điện…để bà con “lên bờ” sớm ổn định cuộc sống nhưng vẫn chưa giải quyết hết được.
Đất liền thì chỉ vài bước là lên, nhưng nguyện vọng được “lên bờ” để an cư lạc nghiệp của một số người dân làng chài Vạn Chài Thắng Lợi vẫn thường trực và vẫn còn rất xa vời.
Còn nữa.