Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo chuỗi liên kết gắn với thị trường tiêu thụ là một trong những khâu đột phá mà huyện Chiêm Hóa (tỉnh Tuyên Quang) đã đề ra trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII.
Theo đó, trong 8 tháng đầu năm 2024, huyện Chiêm Hóa đã triển khai thực hiện thành công nhiều mô hình liên kết sản xuất với quy mô lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Cụ thể, vụ đông xuân và vụ mùa 2023-2024 huyện đã trồng thành công dưa chuột liên kết với diện tích 25,6ha; ớt 1,5 ha, rau đậu các loại 184,8 ha.
Mùa thu hoạch gấc ở Chiêm Hóa |
Đáng chú ý, địa phương cũng đã xây dựng mô hình sản xuất công nghệ cao như: Trồng dưa bi, dưa lưới công nghệ cao trong nhà lưới...
Về chăn nuôi, huyện Chiêm Hóa đã duy trì chuỗi liên kết trâu, bò vỗ béo và trâu, bò sinh sản với số lượng hàng trăm con. Đến nay, đàn trâu trên địa bàn huyện đã duy trì lũy kế từ đầu năm 19.905/24.953 con đạt 80% kế hoạch, đàn bò 2.725/2.800 con đạt 97,1% kế hoạch; gia cầm 1,567/1,699 triệu con đạt 92,1% kế hoạch...
Đáng nói, địa phương đã tạo điều kiện để HTX Nông lâm nghiệp & Dịch vụ Thành Đạt Kim Bình mở rộng quy mô chuỗi liên kết chăn nuôi gà ri.
Lũy kế từ đầu năm thực hiện nuôi trên 43.000 con, đã xuất bán được trên 36.500 con gà thương phẩm. Hiện đang nuôi 6.500 con, sản lượng đầu năm trên 73 tấn, doanh thu đạt 5,6 tỷ đồng.
Xã Vinh Quang là một trong những địa phương đi đầu trong việc phát triển các mô hình chuỗi liên kết vùng. Ông Phạm Văn Cầu – Chủ tịch UBND xã Vinh Quang cho hay, hiện trên địa bàn xã có nhiều mô hình trồng trọt liên kết với các cơ sở thu mua dưới xuôi mang lại thu nhập tốt cho người dân địa phương. Các mô hình phát triển lâu năm có uy tín tại địa phương nổi bật có HTX Trung Tín và HTX Hoàng Gia.
Ông Đoàn Văn Chung – Giám đốc HTX Nông nghiệp & Thương mại Chung Tín, có cơ sở tại thôn Quang Hải, xã Vinh Quang chia sẻ: “Tôi bắt đầu liên kết thu mua, sơ chế nông sản đầu tiên là quả gấc.
Hiện, HTX của chúng tôi đã kết hợp với người dân trồng khoảng 120ha loại quả này, thế nhưng những năm gần đây nhiều thương lái nhảy vào theo thời vụ, khiến cho giá gấc bấp bênh, chúng tôi thu mua cũng trở nên khó khăn, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và sản lượng sản xuất của HTX”.
Theo ông Chung, việc thu mua, sản xuất gấc tại địa phương đã giải quyết việc làm cho gần trăm con người, cải thiện mức sống cho nhiều hộ gia đình. Hiện, thị trường gấc của HTX đã cung cấp cho nhiều thành phố lớn trong nước, về lâu dài HTX đang hướng đưa sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài.
Ngoài sản phẩm gấc, hiện HTX Chung Tín còn đang liên kết với bà con địa phương nuôi trồng, thu mua ốc Lác để làm sản phẩm ốc sấy khô, tạo việc làm và thu nhập cho bà con trong xã Vinh Quang và nhiều xã quanh vùng.
Ông Ma Doãn Đức – Chủ tịch UBND xã Tân An cho biết: “trên địa bàn xã hiện đang liên kết trồng Thanh Long ruột đỏ, Dưa Chuột, Lạc và Chè Thôm Lòa…
Trong số các loại nông sản trên, xã có 2 sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn OCOP của huyện gồm chè Thôm Lòa đạt OCOP 3 sao và Thanh long ruột đỏ Chiêm Hóa đạt OCOP 4 sao”.
Người dân Chiêm Hóa phấn khởi thu hoạch ốc lác. |
Kể về cái duyên đến với nghề trồng trọt, anh Đỗ Quang Chí – Giám đốc HTX Nông nghiêp Ánh Dương có địa chỉ tại thôn An Thái, xã Tân An cho hay: “Trước đây tôi vốn điều hành doanh nghiệp thi công công trình nhà nước, quá trình làm việc cảm thấy không thích hợp nên tôi mua đất làm nông nghiệp cho nhàn nhã.
Hiện HTX của chúng tôi có 7,5ha trồng Thanh Long, thu hoạch đươc 3 năm. Những năm trước mỗi năm cho quả khoảng 60 tấn, tính ra thị trường bây giờ là 1,2 tỷ đồng, năm nay khả năng thu tốt hơn, có thể thu hoạch khoảng 100 tấn”.
Ông Hà Đình Đạt – Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chiêm Hóa cho hay: “Tính đến tháng 9 năm 2024 trên địa bàn huyện Chiêm Hóa có 25 sản phẩm OCOP, trong đó có 03 sản phẩm OCOP về chè (gồm chè Thôm Lòa, xã Tân An; Chè Nhân Sơn, xã Nhân Lý; chè Pà Thẻn xã Linh Phú) doanh thu trong 09 tháng đầu năm của các sản phẩm chè ước đạt trên 800 triệu đồng, lợi nhuận bình quân đạt 150 triệu đồng”.
Theo ông Đạt, để nâng cao chất lượng các sản phẩm chè, trong thời gian tới, Phòng Nông nghiệp và PTNT sẽ tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các HTX tiếp tục phát triển sản xuất đảm bảo chất lượng và đạt thứ hạng cao hơn; tập trung ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến nhằm ổn định, nâng cao chất lượng sản phẩm theo yêu cầu của tiêu chí sản phẩm OCOP và nhu cầu thị hiếu của thị trường.
Tags: