Tại buổi họp báo của Tổng cục Hải quan, trả lời câu hỏi về lượng lụa mà Khaisilk nói nhập từ Trung Quốc về Việt Nam, đại diện Tổng cục Hải quan cho biết vừa đề nghị Cục Công nghệ Thông tin truy xuất số lượng nhập khẩu lụa Trung Quốc về Việt Nam trong hệ thống dữ liệu điện tử của ngành.
Tin nên đọc
Phó thủ tướng chỉ đạo làm rõ vụ Khaisilk bán khăn Trung Quốc
Không có đề nghị cấm xuất cảnh và đi khỏi nơi cư trú đối với ông chủ Khaisilk
Lập đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật vụ Khaisilk
Khaisilk giả mạo thương hiệu: Đủ yếu tố cấu thành tội lừa đảo, cần xử lý hình sự?
Khăn lụa nhập khẩu 30 ngàn/chiếc
Trước đó, khách hàng đặt mua 60 chiếc khăn lụa với giá 644.000 đồng mỗi chiếc tại cửa hàng Khaisilk 113 Hàng Gai (Hà Nội). Tuy nhiên, sau khi nhận hàng, công ty phát hiện trong lô hàng có một chiếc khăn vừa có mác “Khaisilk - Made in Việt Nam”, vừa có mác “Made in China”.
|
Một cửa hàng của Khaisilk. |
Khi kiểm tra toàn bộ lô hàng, công ty còn phát hiện trong số còn lại có nhiều khăn có dấu hiệu cắt mác tại viền khăn.
Ông Hoàng Khải - Chủ tịch Tập đoàn Khaisilk sau đó cũng thừa nhận “bán 50% lụa ‘Made in China’ trong hệ thống của mình” từ nhiều năm nay và gửi lời xin lỗi tới người tiêu dùng.
Để làm rõ các nội dung trên, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cũng đã có văn bản yêu cầu Cục Quản lý thị trường phối hợp với Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng kiểm tra, xem xét và làm rõ các thông tin liên quan tới việc Tập đoàn Khaisilk bán khăn nhãn mác “made in China”.
Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra cửa hàng của Tập đoàn này trên phố Hàng Gai chiều 26/10 và cho biết đã phát hiện gian lận thương mại, làm giả nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.
Báo cáo của Cục Quản lý thị trường sau đó cho biết, chủ hộ kinh doanh Khaisilk 113 Hàng Gai giải thích, do sơ suất trong quản lý trước nhu cầu hàng tăng đột biến dịp 20/10, nhân viên cửa hàng đã tự ý mua sản phẩm khăn lụa tơ tằm trên thị trường về cắt bỏ mác gốc Trung Quốc và gắn mác “Khaisilk - Made in Vietnam” để bán.
Tại buổi họp báo sáng 31/10, ông Trần Đức Hùng, Phó chánh Văn phòng Tổng cục Hải quan cho biết, cơ quan này vừa có công văn yêu cầu đơn vị là Cục Công nghệ Thông tin (thuộc Tổng cục Hải quan) báo cáo số lượng lụa Trung Quốc nhập khẩu về Việt Nam. “Muộn nhất là chiều ngày 31/10 Cục Công nghệ thông tin sẽ có báo cáo cho Văn phòng Tổng cục”, ông Hùng cho hay.
Ông Lưu Mạnh Tưởng, Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu cho biết, các dữ liệu về lượng nhập khẩu, số thuế các doanh nghiệp nộp đều có đầy đủ trên hệ thống của cơ quan quản lý.
Tuy nhiên, theo ông, về lượng nhập khẩu của Khaisilk, Tổng cục Hải quan phải yêu cầu hải quan địa phương nơi doanh nghiệp khai báo mới có số liệu. Tổng cục Hải quan cho biết, các số liệu về lượng nhập lụa từ Trung Quốc sẽ được công bố, song lượng nhập từng đơn vị, doanh nghiệp riêng rẽ sẽ không được công khai.
Cơ quan này lý giải vì đây thuộc về bí mật của doanh nghiệp cũng như nghiệp vụ của ngành hải quan và chỉ trong trường hợp cơ quan điều tra yêu cầu, số lượng nhập của từng doanh nghiệp mới được bóc tách. Tuy nhiên, theo đại diện Tổng cục Hải quan, cũng không loại trừ có doanh nghiệp khác nhập về cho Khaisilk.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải Quan, tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng khăn tơ tằm và vải tơ tằm có xuất xứ Trung Quốc về Việt Nam trong 9 tháng đầu năm đạt hơn 1,2 triệu USD. Dù con số này chỉ tương đương 50% tổng giá trị nhập khẩu của cả năm 2016, tuy nhiên số lượng sản phẩm nhập khẩu lại không giảm. Nguyên nhân do giá trị các mặt hàng ngày càng thấp.
Trong 9 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu 4.460 chiếc khăn tơ tằm “Made in China” với mã HS 621410 nhưng giá trị ghi nhận chỉ 5.878 USD, tương đương 1,3 USD, xấp xỉ 30.000 đồng mỗi chiếc. Con số này thấp hơn hẳn so với giá nhập khẩu khăn tơ tằm năm 2016 và 2015, với giá trị lần lượt 16,4 USD và 5,44 USD mỗi chiếc.
Với giá trị thấp, tuy nhiên số lượng khăn được nhập về Việt Nam lại tăng đột biến. Chỉ riêng 9 tháng đầu năm, số lượng khăn tơ tằm nhập khẩu về Việt Nam đã cao hơn số lượng khăn được nhập về trong cả 2 năm gần nhất 2015 và 2016. Với sản phẩm vải tơ tằm, giá nhập khẩu mỗi mét có nguồn gốc Trung Quốc về Việt Nam trong 9 tháng đầu năm cũng chỉ gần 3,5 USD.
Trong khi năm 2016, giá nhập mỗi mét vải tơ tằm gần 5,4 USD. Dù số lượng chỉ bằng gần một nửa cả năm 2016, nhưng số lượng vải tơ tằm nhập khẩu theo đơn vị Yards lại tăng đột biến. Gần đây, sự việc hệ thống Khaisilk bán hàng Trung Quốc nhưng gắn mác Việt Nam đã gây chú ý, đặc biệt là những khách hàng từng sử dụng sản phẩm này.
Mở rộng điều tra
Liên quan đến sự việc, ngày 2/11, Cục Thuế thành phố Hà Nội cho biết đang yêu cầu các phòng, bộ phận chuyên môn liên quan tiến hành rà soát quá trình nộp thuế của doanh nghiệp Khaisilk trong thời gian qua.
Trong trường hợp phát hiện ra việc kê khai đóng thuế không đúng với thực tế kinh doanh và các quy định hiện hành Cục sẽ yêu cầu truy thu ngay theo quy định. Cũng theo Cục Thuế thành phố Hà Nội, doanh nghiệp Khaisilk tự kê khai và nộp thuế.
Bộ trưởng Công Thương vừa ký quyết định thành lập đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng liên quan tới vụ Khaisilk bán hàng Việt gắn mác “Made in China”.
Đoàn sẽ kiểm tra Công ty TNHH Khải Đức (công ty con của Khaisilk, trụ sở chính số 2 Phan Văn Chương, phường Tân Phú, quận 7, TP HCM) và các chi nhánh, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp.
Bộ Công Thương cho biết, đoàn có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, thực hiện kiểm tra việc chấp hành pháp luật có liên quan, phát hiện và xử lý hoặc đề xuất xử lý các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật tại Khaisilk. Đồng thời sẽ báo cáo kết quả kiểm tra, đề xuất nhiệm vụ và giải pháp quản lý lên cơ quan có thẩm quyền.
Đoàn kiểm tra sẽ do ông Trịnh Anh Tuấn - Phó cục trưởng phụ trách Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) làm trưởng đoàn, gồm các thành viên thuộc cơ quan: thuế, Bộ Khoa học công nghệ, cơ quan điều tra công an, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng, cùng các cơ quan trực thuộc Bộ... Cục Quản lý thị trường làm đầu mối làm việc với Tập đoàn Khải Đức.
Bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, theo báo cáo tổng hợp của các lực lượng chức năng, các chứng cớ... cho thấy hành vi của một doanh nghiệp lớn như Khaisilk và cửa hàng kinh doanh sản phẩm của Khaisilk, từ việc làm giả nhãn mác cho những sản phẩm tiêu thụ, làm hại đến lợi ích của người tiêu dùng, vi phạm pháp luật, để lại nhiều hệ lụy khác nhau.
“Xét từ nhiều khía cạnh, ngoài thẩm định giá, chúng tôi thấy đã đủ các yếu tố cấu thành tội phạm hình sự. Vụ việc cũng đã đủ căn cứ, điều kiện để chuyển cơ quan chức năng điều tra kinh tế để làm rõ, do thiệt hại vi phạm đã vượt 30 triệu đồng”, ông nói.
Ngoài ra, Bộ Công thương nhận thấy có sự phức tạp trong mối liên hệ giữa Tập đoàn Khaisilk và các cửa hàng trực thuộc của tập đoàn này, cũng như các cửa hàng ở 113 Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội trong việc kinh doanh sản phẩm có nhãn mác giả.
“Cho nên cần phải có lực lượng chức năng đủ thẩm quyền, năng lực để làm rõ tính chất vi phạm thông qua các hoạt động mang tính chất kinh doanh như thế này. Chính vì thế, chúng tôi đã chỉ đạo Quản lý thị trường chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để làm rõ”, ông Tuấn Anh nói thêm.