Nếu kẻ trộm chó dùng súng bắn thẳng về phía người truy đuổi thì đối tượng sẽ bị xử lý về tội giết người, kể cả trong trường hợp cú bắn ấy không trúng ai và không gây thương tích cho người nào.
Tin nên đọc
Những vụ trộm chó gây chết người khiến dư luận dậy sóng
Trung Quốc: Trộm chó "siêu nhanh"
Hà Nam: Dùng súng điện đi trộm chó, cẩu tặc bị công an tóm gọn
Hà Nội: Hai tên trộm chó cầm mã tấu náo loạn đường phố
Vào trưa ngày 5/4, tại xã Minh Đức, huyện Việt Yên, Bắc Giang, nhiều người dân phát hiện một người đàn ông trung niên đi xe máy BKS 99C - 310.36 đang có hành vi câu trộm chó.
Bị truy người dân truy đuổi đuổi ráo riết, tên trộm vội vàng tăng ga bỏ chạy thoát thân và rút ra một khẩu súng lục màu đen, nhằm hướng người truy đuổi để bóp cò. Rất may, súng nổ không trúng ai và tên cẩu tặc đã bị khống chế ngay sau đó.
|
Đối tượng trộm chó tại thời điểm bị bắt giữ. (Ảnh: Tri thức trẻ) |
Trộm chó đã trở thành vấn nạn ở nhiều vùng nông thôn nước ta hiện nay. Đã có không ít vụ kẻ trộm chó bị quần chúng nhân dân đánh chết hoặc đốt xe, tuy nhiên, vấn nạn này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Ở vụ việc này, kẻ trộm chó trong lúc bỏ trốn đã dùng súng bắn về phía người dân đang truy đuổi. Nhiều người cho rằng cú bắn ấy mặc dù không trúng ai nhưng tên trộm vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi của mình.
Để rộng đường dư luận, phóng viên Pháp luật Plus vừa có cuộc trao đổi với luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn luật sư TP Hà Nội về vấn đề này.
Người đánh trộm chó cũng có thể rơi vào vòng lao lý
Luật sư Đặng Văn Cường nhận định:"Có thể nói rằng, vụ "đả cẩu tặc" như thế này không phải là vụ đầu tiên, tuy nhiên đây là vụ việc có dấu hiệu vi phạm ở nhiều tội danh và người bắt trộm không đúng cách cũng rất có thể rơi vào vòng lao lý".
Luật sư Đặng Văn Cường phân tích, theo quy định tại Điều 82 BLHS (năm 2003) thì hành vi bắt người trộm chó (bắt quả tang) là hành vi hợp pháp, được pháp luật cho phép và khuyến khích người dân thực hiện.
Đối với người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm thì bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt, cũng như người đang bị truy nã thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay đến cơ quan Công an, Viện kiểm sát hoặc Uỷ ban nhân dân nơi gần nhất.
Các cơ quan này phải lập biên bản và giải ngay người bị bắt đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền. Khi bắt người phạm tội quả tang hoặc người đang bị truy nã thì người nào cũng có quyền tước vũ khí, hung khí của người bị bắt.
Vấn đề dư luận đặt ra là trong khi bắt kẻ gian, bắt trộm mà kẻ trộm tấn công trở lại thì người bắt trộm có quyền đánh họ hay không?
Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng điều này cũng được pháp luật cho phép. Theo quy định tại Điều 15 BLHS, phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.
|
Luật sư Đặng Văn Cường. |
Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại. Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự.
Như vậy, nếu khi bắt trộm mà kẻ trộm dùng vũ lực tấn công lại người bắt trộm thì những người bắt trộm có quyền "chống trả một cách cần thiết" nhằm khống chế, bắt giữ, tước vũ khí của tên trộm. Nếu hành vi chống trả sức tấn công của tên trộm vượt quá mức cần thiết gây thương tích cho tên trộm thì hành vi này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, có thể bị xử lý về tội cố ý gây thương tích, cố ý gây thương tích trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng...
"Bộ luật hình sự hiện hành (năm 1999) không có quy định về loại trừ trách nhiệm hình sự khi bắt giữ tội phạm. Vì vậy người dân cần thận trọng, tránh trường hợp quá khích mà có hành vi gây thương tích, hoặc trói, hành hạ, hủy hoại tài sản của tên trộm khi đã được bắt giữ", Luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh.
Kể từ ngày 01/7/2016, Bộ luật hình sự năm 2015 có hiệu lực pháp luật thì hành vi "gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội" là một trong các trường hợp mới, được bổ sung để loại trừ trách nhiệm hình sự, cụ thể Điều 24 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định như sau: Điều 24. Gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội:
1. Hành vi của người để bắt giữ người thực hiện hành vi phạm tội mà không còn cách nào khác là buộc phải sử dụng vũ lực cần thiết gây thiệt hại cho người bị bắt giữ thì không phải là tội phạm.
2. Trường hợp gây thiệt hại do sử dụng vũ lực rõ ràng vượt quá mức cần thiết, thì người gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm hình sự.
Như vậy, với quy định này thì nhiều trường hợp người dân bắt trộm sẽ không phải chịu trách nhiệm với những thương tích "đáng phải có" của tên trộm. Nhưng với pháp luật hiện nay thì quy định này chưa rõ ràng, chỉ có thể vận dụng Điều 15 BLHS, hành vi thỏa mãn quy định tại điều luật này thì mới có thể bảo vệ được quyền tự vệ, phòng vệ chính đáng của những người bắt trộm.
Luật sư Đặng Văn Cường lưu ý thêm: "Khi đã bắt giữ, khống chế được trộm thì người dân không được đánh đập nữa, không được trói vào để "tự xử" mà phải thông báo và giao nộp ngay cho cơ quan công an để xem xét giải quyết theo pháp luật. Hành vi đập phá tài sản của tên trộm cũng là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý về tội cố ý làm hư hỏng hoặc hủy hoại tài sản của người khác".
Đối tượng trộm chó có thể truy cứu tội giết người
Quay lại với vụ việc tên trộm sử dụng một khẩu súng lục màu đen, nhằm hướng người truy đuổi để bóp cò trong lúc bị người dân xã Minh Đức, huyện Việt Yên, Bắc Giang truy đuổi vào ngày 5/4 vừa qua, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, đối tượng trộm chó này sẽ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về nhiều tội danh như: Tội trộm cắp tài sản theo quy định tại Điều 138 BLHS (nếu giá trị tài sản từ 2 triệu đồng trở lên); Tội tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng theo quy định tại Điều 230 BLHS; Tội giết người theo Điều 93 BLHS (nếu chứng minh được tên trộm này đã nổ súng vào thẳng nhóm người đuổi theo).
Như vậy, để có đủ căn cứ để xử lý đối tượng trên thì cơ quan công an cần tiếp tục xác minh, làm rõ giá trị tài sản trộm cắp, nhân thân của tên trộm, các thương tích mà tên trộm gây ra cho người truy đuổi, khẩu súng đối tượng dùng để thực hiện hành vi phạm tội.
Vụ việc trên một lần nữa cảnh báo nạn trộm chó và những hệ lụy kéo theo từ nạn trộm cắp đặc thù này. Các địa phương cần đẩy mạnh công tác phòng ngừa và đấu tranh với nạn tội phạm này, tránh việc người dân bức xúc, tự xử dẫn đến nhiều hệ lụy cho xã hội.
Đồng thời cũng cần ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp trộm chó côn đồ, hung hãn, sử dụng hàng nóng để hành hung người bắt trộm để tẩu thoát.
Khi người dân phát hiện trộm chó thì cơ quan công an và chính quyền địa phương cần khẩn trương vào cuộc, phối hợp với người dân để khống chế, bắt giữ và xử lý kịp thời theo pháp luật để người dân tin tưởng vào công lý và phối hợp cơ quan chức năng đấu tranh với tội phạm.
Bên cạnh đó, cần tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật để người dân nhận thức rõ giới hạn quyền lực của mình khi tham gia bắt trộm và quy trình xử lý khi bắt giữ được đối tượng trộm cắp để tránh những hành động quá khích và hệ lụy kéo theo từ hành vi bắt trộm này.